Đi xa để nhìn thật gần: văn hóa Việt trong mắt phụ nữ trí thức Việt xa xứ

Việt Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Tọa đàm Phụ nữ Việt Nam xuyên văn hóa góp tiếng nói của các nữ trí thức Việt ở nước ngoài vào việc thực hiện bình đẳng giới, và cho thấy thêm một góc nhìn chung: đi xa để trở về.

Tọa đàm Phụ nữ Việt Nam xuyên văn hóa do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam (Chi nhánh TP Hồ Chí Minh) và The Ladder phối hợp tổ chức vừa diễn ra, trong khuôn khổ chuỗi chủ đề nghiên cứu giới, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ, cũng như phong trào bình đẳng giới tại Việt Nam.

Hầu hết diễn giả có mặt trong buổi tọa đàm này hiện đang sinh sống ở nhiều quốc gia khác nhau. Và những câu chuyện “xuyên văn hóa”, góp một tiếng nói vào việc thực hiện bình đẳng giới trên toàn cầu của họ, cũng cho thấy thêm một góc nhìn chung: đi xa để trở về.  

Đi xa để nhìn thật gần: văn hóa Việt trong mắt phụ nữ trí thức Việt xa xứ - ảnh 1Một góc tọa đàm - Ảnh: Nguyễn Thu Hương

Giáo sư Cindy Nguyễn (Đại học California, Los Angeles), chuyên gia nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, văn hóa in ấn Đông Nam Á, nhân văn kỹ thuật số và thư viện, giới thiệu về bản thảo cuốn Bibliotactics: Libraries and the Colonial Public in Vietnam (tạm dịch Thư viện và công chúng thuộc địa tại Việt Nam), do chị thực hiện. Cuốn sách nghiên cứu lịch sử văn hóa và chính trị của các thư viện ở Hà Nội và Sài Gòn từ thời Pháp thuộc cho đến quá trình phi thực dân hóa thư viện.

Cindy Nguyễn cũng cho biết vì sao chị quyết định nghiên cứu trở lại lịch sử văn hóa của quê mẹ: “Tôi muốn tìm hiểu sâu hơn về lịch sử văn hóa Việt Nam, một cách không phải chỉ là thông qua mẹ của mình kể lại. Tôi quyết định nghiên cứu về lịch sử Việt Nam thời chiến tranh với Mỹ. Và khoảng 10 năm trước tôi bắt đầu học nói, học viết và học đọc tiếng Việt. Với mục đích để đóng góp những kiến thức đa dạng về lịch sử Việt Nam, nên tôi làm một trang trên mạng để chia sẻ về những nghiên cứu của mình về lịch sử Việt Nam”.

Đi xa để nhìn thật gần: văn hóa Việt trong mắt phụ nữ trí thức Việt xa xứ - ảnh 2Tọa đàm Phụ nữ Việt Nam xuyên văn hóa - Ảnh: Nguyễn Thu Hương

Ly Nguyễn là giáo sư về Nghiên cứu người Mỹ gốc Á, thành viên sáng lập khoa Nghiên cứu phê phán phân biệt chủng tộc & sắc tộc, Đại học Augsburg - Mỹ. Giáo sư Ly Nguyễn cho biết, chỉ khi đi xa chị mới ham thích tìm hiểu nhiều hơn về bản thân, về lịch sử dân tộc mình, yêu và tự hào hơn gốc gác của mình. 

Với bài thuyết trình nhan đề "Gặp gỡ tổ tiên của bạn ở một nơi xa xôi", Ly Nguyễn cho biết: “Là người sinh ra, lớn lên ở Hà Nội và theo đuổi ngành nhân học ở Bắc Mỹ, những thứ tôi học hỏi được trong nhà trường và những bài học không chính quy chỉ có thể tìm thấy trong mối quan hệ giữa những người khác mình. Nhiều khi trong cuộc đời, đi đâu mình cũng hay muốn tìm đến chỗ thân quen vì cảm thấy mình an toàn hơn.

Nhưng đối với những cảm nhận, những trải nghiệm của tôi mà nói, tôi cảm thấy mình học hỏi được nhiều hơn cho bản thân khi tôi đi chơi cùng với những người khác biệt. Qua những việc đó tôi muốn chia sẻ về tầm quan trọng của việc tìm hiểu giá trị lịch sử cá nhân trong những đóng góp vào thay đổi xã hội. Đặc biệt đối với tôi là, chuyện hình thành tư tưởng khác biệt ấy phải thông qua việc hình thành tư tưởng văn hóa chính trị bên lề.”

Maya Lê, giáo viên tiểu học, nghệ sĩ và nhà phát triển chương trình giảng dạy, cũng đồng thời sáng lập MaistoryBook tại Mỹ, là người truyền cảm hứng cho một thế hệ độc giả mới thông qua các video tương tác trên YouTube, bài đánh giá sách dành cho trẻ em trên Instagram, đồ thủ công lấy cảm hứng từ sách và sự kiện Kể chuyện cộng đồng trực tiếp…

Maya Lê cho biết, việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, trong mỗi gia đình chính là cách "để cha mẹ có thể cùng nhau tương tác, chia sẻ nhiều hơn với con cái, gắn kết tình cảm, văn hóa giữa các thế hệ khác nhau. Ở Mỹ, chính những tiểu thương, đa số là phụ nữ, đã cùng chung tay để chọn dịch những cuốn sách về văn hóa Việt Nam do chính những tác giả và họa sĩ người Việt viết, vẽ, để thông qua đó giúp trẻ không quên gốc gác, ngôn ngữ, văn hóa mẹ đẻ của mình, khoảng cách địa lý cũng nhờ đó mà được xích gần. Những đứa trẻ lớn lên ở Mỹ hoặc những quốc gia khác, trong một cộng đồng có ý thức phát triển văn hóa đọc, tạo cho con một tình yêu với sách, đặc biệt là những cuốn sách về quê hương, gốc rễ của mình thì chắc chắn sẽ có nền tảng vững vàng để phát triển."

Feedback