Để giữ gìn tiếng Việt ở nơi xa Tổ quốc

Mai Liên
Chia sẻ
(VOV5) - Trong hành trang trở về, các thầy cô sẽ có thêm động lực để tiếp tục sự nghiệp giảng dạy, lan tỏa tình yêu đất nước trong cộng đồng người Việt xa xứ.

Sau khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức ở Hà Nội, tháng 8 vừa qua, trong hành trang trở về, các thầy cô giáo kiều bào lại có thêm nhiều kiến thức bổ ích để phục vụ tốt hơn trong việc dạy học tiếng Việt cho thế hệ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài.

Nghe âm thanh tại đây:

Tiết mục biểu diễn văn nghệ ngẫu hứng của các thầy cô giáo và học viên tại buổi chia tay đã gây xúc động khóa tập huấn tập huấn tiếng Việt lần thứ 5 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tại Hà Nội hồi cuối tháng 8, trước khi bắt đầu năm học mới 2017-2018.  

Để giữ gìn tiếng Việt ở nơi xa Tổ quốc - ảnh 1Các học viên nhận chứng chỉ sau khóa tập huấn 

Cảm nhận chung sau khóa học là niềm vui, hạnh phúc của các học viên khi được kết bạn, giao lưu với những đồng nghiệp từ khắp mọi nơi và lĩnh hội thêm nhiều kiến thức bổ ích về tiếng Việt, về quê hương đất nước để phục vụ tốt hơn trong việc dạy tiếng Việt con em kiều bào.

Chị Khánh Ly, giáo viên dạy tiếng Viêt tại Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, qua những giờ học, buổi dự giờ thực tế, các chuyến thăm quan, dã ngoại sẽ giúp cho các bài giảng tiếng Việt sau này của chị thêm sinh động và thú vị: “Tôi nghĩ rằng, tiếng Việt là tiếng cội nguồn. Qua khóa học này, chúng tôi có thêm kiến thức, hiểu biết thiết thực phục vụ công tác giảng dạy, truyền đạt cho các cháu hiểu được giá trị của ngôn ngữ mẹ đẻ.Tôi sẽ dùng hết khả năng sư phạm của mình để các cháu nắm được nhiều hơn và  học chuẩn hơn tiếng Việt”

Anh Vi-lay Thong, giáo viên của trường Đại học quốc gia Lào, người từng nhiều năm sinh sống, học tập Việt Nam chia sẻ:“Tôi đã đưa ra một số đề xuất, ý kiến tại buổi tọa đàm giảng dạy tiếng Việt. Buổi giao lưu tạo điều kiện cho các học viên bày tỏ những thuận lợi và khó khăn cũng như đưa ra sáng kiến, giải pháp cho việc giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài. Điều này thật sự có lợi ích để chúng tôi rút kinh nghiệm trong công tác giảng dạy.Tôi sẽ đem hết những gì lĩnh hội được để củng cố công tác chuyên ngành cũng như cho việc dạy tiếng Việt được hiệu quả hơn nữa”

Để giữ gìn tiếng Việt ở nơi xa Tổ quốc - ảnh 2Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị tặng hoa cho giảng viên, PGS tiến sĩ Nguyễn Thiện Nam

Đến và quyết định gắn bó với nghề dạy tiếng Việt, mỗi giáo viên gặp không ít khó khăn do điều kiện kinh tế, xã hội cùng những hạn chế về phương pháp truyền thụ kiến thức.

Tuy nhiên với niềm đam mê, nhiệt huyết, yêu nghề…các thầy cô vẫn tiếp tục bám lớp, đồng hành cùng những người đi trước để gìn giữ văn hóa nguồn cội cho thế hệ kế tiếp. Và, trong hành trình đó, những người “nuôi chữ” Việt rất cần sự chung tay góp sức hơn nữa của cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng như sự hỗ trợ của chính quyền sở tại và đặc biệt từ phía chính phủ Việt Nam.

Chị Bùi Thị Oanh, Hội phó Hội người Việt vùng Kan-sai, Nhật Bản bày tỏ: “Chúng tôi nhiều lần đề nghị với Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Osaka về hai việc. Đó là hội người Việt ở Kôbê muốn có một trung tâm giao lưu văn hóa của người Việt Nam,ở đó có thư viện lớn sách báo về Việt Nam.

Thêm nữa, vì lớp học tiếng Việt ngày càng đông nên chúng tôi xin được trang bị thêm về cơ sở vật chất và giáo viên. Qua lớp tập huấn tại Hà Nội lần này, tôi đúc kết thêm kinh nghiệm bổ ích, đồng thời muốn có thêm sự hỗ trợ từ chính phủ về dụng cụ học tập, tư liệu quảng bá đất nước và con người Việt Nam không chỉ cho con em người Việt mà cho người Nhật Bản để họ đến với chúng tôi và là cầu nối đến với Việt Nam nhiều hơn”

Ngoài việc giảng dạy để tiếng dân tộc không bị mai một, các thầy cô kiều bào còn mở lớp học tiếng Việt như một ngoại ngữ cho người bản xứ - những người yêu mến, muốn tìm hiểu khám phá Việt Nam.

Cô giáo Hà Kim Chi định cư ở Italia đề xuất: “Tôi nghĩ rằng, những hỗ trợ đó không chỉ dành cho trẻ em người Việt mà dành cho cả các bạn trẻ nước ngoài yêu thích tiếng Việt, qua đó để khuyến khích các em nói tiếng Việt và học tiếng Việt.Nếu học tốt sẽ cho các em đến Việt Nam tham quan hay tham gia các phong trào,hoạt động cộng đồng với các bạn Việt Nam”

Tất cả những tâm tư, nguyện vọng của các học viên kiều bào đã được Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục đào tạo Việt Nam ghi nhận và sớm đáp ứng phần nào mong muốn chính đáng đó.

Theo Phó giáo sư tiến sĩ về ngôn ngữ Nguyễn Thiện Nam, trưởng khoa tiếng Việt trường Đại học Khoa học Xã hội nhân văn (Đại học Quốc gia) - người tự nhận mình “có duyên nợ với tiếng Việt ” thì các thầy cô giáo kiều bào là những người đang gieo chữ Việt và văn hóa Việt ở nơi xa Tổ quốc.

Thầy Nam và những đồng nghiệp hi vọng, trong hành trang trở về, các thầy cô sẽ tự tin hơn, có thêm động lực để tiếp tục sự nghiệp giảng dạy cũng như làm lan tỏa tình yêu quê hương đất nước trong cộng đồng người Việt xa xứ khắp nơi trên thế giới.

Feedback