Cộng đồng người Việt tại Hongkong-Macau luôn tự hào về Tổ quốc

Hải-Hoa-Tuyết-Hà/VOV.VN
Chia sẻ
(VOV5)- Đây là khẳng định của ông Hoàng Chí Trung – Tổng lãnh sự Việt Nam tại Hongkong-Macau (Trung Quốc) trong trao đổi với phóng viên VOV

(VOV5)- Đây là khẳng định của ông Hoàng Chí Trung – Tổng lãnh sự Việt Nam tại Hongkong-Macau (Trung Quốc) trong trao đổi với phóng viên VOV.

Trong chuyến công tác trước thềm Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, đoàn công tác của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã có buổi làm việc với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hongkong-Macau (Trung Quốc) về tình hình của bà con cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc và lao động tại đây. Sau đây là cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV với ông Hoàng Chí Trung – Tổng lãnh sự Việt Nam tại Hongkong-Macau (Trung Quốc):

PV: Xin ông cho biết những đặc điểm nổi bật về cộng đồng người Việt Nam ở Hongkong-Macau (Trung Quốc)?

Ông Hoàng Chí Trung: Cộng đồng người Việt Nam ở Hongkong và Macau (Trung Quốc) có hai đặc thù khác hẳn nhau. Với cộng đồng người Việt Nam ở Hongkong, hiện có khoảng 5.000-6.000 người và có nhiều người rất thành công trên nhiều lĩnh vực. Sau khi đất nước ta thống nhất năm 1975, nhiều Hoa kiều và cả người Việt Nam đã sang Hongkong, sau đó có một bộ phân đi sang các nước phương Tây. Những người còn lại ở lại Hongkong và cũng rất thành công trong kinh doanh. Trong số họ có những doanh nhân hiện có những dự án đầu tư lớn trở lại Việt Nam.

cong dong nguoi viet tai hongkong-macau luon tu hao ve to quoc hinh 0
Ông Hoàng Chí Trung – Tổng lãnh sự Việt Nam tại Hongkong-Macau (Trung Quốc)

Một quá trình nữa là sau những năm 70-80 của thế kỷ trước, có một làn sóng người khác cũng từ Việt Nam sang Hongkong. Và chúng ta cũng biết lúc đó ở Hongkong có trại tỵ nạn lớn nhất trong các nước trong khu vực đón những đồng bào Việt Nam ta khi sang bên này. Và đa số những người này được sang định cư ở nước thứ ba như Mỹ, châu Âu… Cũng có một bộ phận ở lại, sinh sống và làm việc tại Hongkong. Họ lập nghiệp, lập gia đình ở đây và cũng có một số người thành công trong kinh doanh, mở các công ty, nhà hàng. Chúng ta có thể thấy trên đường phố Hongkong hiện nay có nhiều nhà hàng của người Việt bán đồ ăn uống. Họ kinh doanh rất tốt, buôn bán sầm uất vì Hongkong là vùng đất du lịch, mỗi năm có khoảng hơn 60 triệu lượt khách đến đây. Các nhà hàng ăn Việt Nam với các món nổi tiếng như nem, phở… rất được ưa chuộng.

Hiện có một bộ phận người Việt Nam mới sang Hongkong theo diện đi theo họ hàng ở bên này, nhất là bà con ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An… Ngoài một số ít người thành công thì đa số họ đều còn vất vả. Họ làm nhiều nghề, từ buôn bán, chạy chợ, nhà hàng. Cũng có người làm luật sư, doanh nhân, làm trong các ngân hàng. Nhìn chung, cuộc sống của cộng đồng người Việt Nam ở Hongkong khá ổn định, vì Hongkong là một thành phố phát triển, thu nhập rất cao, lương bình quân tối thiểu của người làm việc tại đây là khoảng 8.000 HKD (đô-la Hongkong), tức khoảng 1.000 USD. Tuy vậy, còn có một bộ phận bà con ta cuộc sống còn khó khăn do trình độ học vấn thấp hoặc theo bạn bè rủ rê tự sang bên này sinh sống. Ở Hongkong có một khu gọi là Làng Việt Nam ở đảo Lantau (Lạn Đầu – một hòn đảo lớn nhất Hongkong). Bà con ở đây sống co cụm lại với nhau, nhiều người không có điều kiện học hành, không biết tiếng Quảng Đông (ngôn ngữ chính ở Hongkong, bên cạnh tiếng Anh).

Hiện ở Hongkong cũng có một số phức tạp. Một hai năm gần đây, có một số người hoặc là bị dụ dỗ, lừa gạt sang Trung Quốc rồi bị đưa sang Hongkong trái phép, sau đó xin visa du lịch để ở lại. Họ bị Cảnh sát Hongkong, Cục xuất nhập cảnh Hongkong bắt giữ và bị giam trong tù. Số người này cũng khoảng 200 người và đa số là phụ nữ, trong đó có những người có tội danh về buôn bán ma túy, mại dâm… Tổng lãnh sự quán cũng thường xuyên cử người tới thăm, nắm tình hình về những tù nhân này. Khi họ được ra tù, chúng tôi cũng giúp đỡ, cấp giấy thông hành để họ được trở về Việt Nam. Có thể thấy đây là một xu hướng bất lợi bởi đa số những người này đều đi đường bộ sang Trung Quốc, rồi nghĩ muốn đến Hongkong vì ở đây sẽ kiếm được nhiều tiền. Chúng tôi đang làm việc với chính quyền Hongkong, nhất là Cục cảnh sát, Cục xuất nhập cảnh để làm sao cảnh báo, tuyên truyền tránh việc bị lừa bịp, “tiền mất tật mang”.

cong dong nguoi viet tai hongkong-macau luon tu hao ve to quoc hinh 1
Tổ chức gói bánh chưng, bánh nếp đón Tết cho người lao động Việt Nam tại Macau

Còn cộng đồng người Việt Nam ở Macau lại có nét khác so với ở Hongkong. Hiện có khoảng 20.000 người Việt Nam ở Macau. Những người đã đến đây từ lâu, là người gốc Hoa thì còn không nhiều, còn đa số là chị em phụ nữ sang đây để lao động, làm thuê, giúp việc gia đình, bảo vệ nhà hàng. Trong số này thì có khoảng 17.000 chị em là lao động hợp pháp, có thu nhập khá, mỗi tháng khoảng 500-600 USD. Bên cạnh đó, chính sách phúc lợi xã hội của Macau cũng rất tốt, nhân đạo đối với những người giúp việc. Hàng năm họ đều cho người giúp việc được về thăm quê hương, chi vé máy bay, đi lại…

Ở Macau, Tổng lãnh sự quán Việt Nam đã giúp chị em thành lập được 2 Hội là Hội đồng hương tương trợ Việt Nam tại Macau (khoảng 600 hội viên) và Hội liên hiệp hữu nghị đồng hương Việt Nam-Macau (tụ tập hơn 8.000 hội viên). Hoạt động của hai Hội này khá năng động, đã hỗ trợ cho nhiều chị em bị sa cơ lỡ vận như khi gặp sai sót bị chủ nhà sa thải thì tìm kiếm công việc mới cho họ. Nhìn chung, các chị em lao động ở Macau đều làm ăn chăm chỉ, tuân thủ tốt luật pháp của Macau, có cuộc sống ổn định. Hai Hội này cũng hưởng ứng rất tích cực những đợt vận động ở trong nước về xây dựng các quỹ hỗ trợ, tương trợ như quỹ giúp người nghèo, quỹ ủng hộ chiến sĩ Trường Sa, quỹ ủng hộ quần áo-sách vở cho các cháu nghèo ở miền núi…

PV: Như vậy có thể thấy cộng đồng người Việt Nam ở Hongkong-Macau có những đặc thù riêng, khác biệt so với các cộng đồng người Việt ở những nước khác. Từ những đặc điểm nêu trên, vậy công tác hỗ trợ cho cộng đồng người Việt Nam ở nơi đây được Tổng lãnh sự quán thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Chí Trung: Đúng như vậy. Cộng đồng người Việt Nam ở đây có những đặc thù khác so với ở Mỹ, Pháp, Đức hay ở Nga… Một điểm đặc thù là Hongkong-Macau rất gần với Việt Nam. Chị em lao động ở đây về quê hương rất tiện. Nếu về Việt Nam, họ đi xe bus mất 9 giờ qua Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc) là về đến Lạng Sơn hoặc Móng Cái. Bên cạnh đó, Hongkong cũng là điểm quá cảnh của bà con mình từ Mỹ hoặc Trung Đông về nước. Có những trường hợp, người Việt Nam mình không hiểu luật pháp nên phạm luật, thậm chí hút thuốc là trên máy bay bị phạt tù, rồi bị chủ ở Arabia Saudi mua vé máy bay cho về Hongkong, đến đây cũng không còn tiền, không hộ chiếu để về nước… Chúng tôi đều đến can thiệp, giúp đỡ cấp lại thị thực, giấy thống hành, tiền đi lại, ăn uống để đưa họ về nước. Hoặc đối với những người phạm pháp, bị phạt tù rồi đến lúc ra tù, chúng tôi cũng phối hợp giúp đỡ cho họ hồi hương. Hoặc như năm 2015, có tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam gặp nạn trên biển, trôi dạt vào hải phận Hongkong, rồi được cứu vớt lên bờ. Chúng tôi cũng phối hợp với chính quyền sở tại hỗ trợ cho họ về nước an toàn. Còn đối với trường hợp chị em người Việt Nam sang đây hoạt động mại dâm, bị cảnh sát nơi sở tại bắt giữ, giam tù, chúng tôi cũng phải liên hệ với chính quyền sở tại để hỗ trợ, giúp cho những người này ra tù, hồi hương về nước an toàn.

Đó là những công việc thường xuyên mà Tổng lãnh sự quán Việt Nam thực hiện trợ giúp cho cộng đồng trong lĩnh vực bảo hộ công dân.

PV: Vậy Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hongkong-Macau có những khuyến cáo, cảnh báo gì cho những người ở trong nước muốn sang Hongkong-Macau nhằm mong muốn đổi đời, thưa ông?

Ông Hoàng Chí Trung: Hongkong hiện có khoảng 7 triệu dân, nhưng có đến 500.000 người làm nghề giúp việc, trong đó có 200.000 người giúp việc là người Indonesia, người Philippines cũng có khoảng 200.000 người, còn lại là đến từ nhiều quốc gia khác. Trước đây, đối với người Việt Nam, việc xin visa vào Hongkong để làm việc tương đối dễ dàng, nhưng mấy năm gần đây do việc người nước ta vào Hongkong bất hợp pháp, hay ở lại quá hạn cho phép… nên ảnh hưởng đến việc xin visa. Tổng lãnh sự quán Việt Nam cũng đang làm việc với chính quyền Hongkong, trong đó có Cục xuất nhập cảnh để sớm dỡ bỏ lệnh hạn chế cấp visa lao động cho người Việt Nam.

Còn ở Macau, tình hình có thuận lợi hơn vì họ vẫn có nhu cầu cần người giúp việc. Ở Macau, người giúp việc Việt Nam vẫn chiếm số lượng đông nhất với khoảng 20.000 người, với thu nhập khá khoảng 500-600 USD/tháng. Còn đối với công việc ở các nhà hàng, casino thì thu nhập còn cao hơn nhiều. Tuy nhiên, do chính bà con người Việt tự làm xấu hình ảnh của mình như trộm cướp, giết người, hoạt động mại dâm… nên việc xin visa vào Macau không còn thuận lợi như trước đây. Chúng tôi cũng đang làm việc với chính quyền sở tại để họ tạo điều kiện hơn trong việc xin cấp visa cho người lao động Việt Nam.

Tuy ở Hongkong-Macau có thể có thu nhập khá tốt nhưng những người Việt Nam ở trong nước không nên mù quáng tin vào những hứa hẹn viển vông rằng có thể dễ dáng đến Hongkong hay Macau. Những con đường đến nơi này bất hợp pháp như đi du lịch qua Trung Quốc để vào đây đều là lừa bịp, không thể tin tưởng. Cần phải biết rằng như ở Macau, diện tích rất nhỏ nên những người lưu vong bất hợp pháp đều dễ dàng bị phát hiện, bắt giữ. Những ai có nhu cầu sang làm việc, lao động ở Hongkong-Macau cần liên hệ qua các công ty môi giới lao động hợp pháp ở Việt Nam. Theo tôi được biết thì hiện ở nước ta có khoảng 20 công ty môi giới xuất khẩu lao động hợp pháp. Bên cạnh đó, những người có nguyện vọng sang lao động, làm việc thì cần trang bị cho mình những hành trang căn bản như học ngôn ngữ (tiếng Quảng Đông, tiếng Anh), học về văn hóa, chính sách, pháp luật của nơi mình định đến…

PV: Xin ông cho biết những hoạt động nổi bật của cộng đồng người Việt Nam tại Hongkong-Macau trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam?

Ông Hoàng Chí Trung: Phải nói rằng các chị em, bà con người Việt Nam ở Hongkong-Macau đã có nhiều hoạt động tích cực để quảng bá hình ảnh, văn hóa, du lịch… Việt Nam ở nơi sở tại. Ở Hongkong có nhiều hoạt động quảng bá như sự kiện giới thiệu văn hoá các nước châu Á, thì bà con ta cũng tham gia biểu diễn văn nghệ dân tộc tại đây. Chúng tôi cũng có mấy đội văn nghệ của các chị em ta ở Macau biểu diễn khá hay. Có những dịp lễ, Tết hay những sự kiện ngoại giao… thì Tổng lãnh sự quán cũng tổ chức cho họ biểu diễn. Hoặc ở những hội chợ, chúng tôi cũng hỗ trợ cho chị em mở các gian hàng giới thiệu hàng hóa Việt Nam như chè, cà phê, hạt điều… Để tổ chức được những hoạt động này, phía Tổng lãnh sự quán Việt Nam trợ giúp về kinh phí, tiền đi lại, ăn uống, xin visa đi lại giữa Hongkong và Macau… cho các chị em.

Gần đây, chúng tôi cũng phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đưa đoàn nghệ sĩ của Nhà hát Thăng Long sang biểu diễn tại Hongkong-Macau. Nhiều tiết mục văn nghệ dân tộc được trình diễn khiến nhiều bà con ta rất thích thú và cảm động. Một hoạt động khác đáng chú ý là hàng năm, chúng tôi đều tổ chức lễ Tết cộng đồng-Xuân quê hương với sự tham dự của hàng trăm bà con ta có nhiều đóng góp tích cực. Tại đây, bà con ta gặp gỡ, trao đổi, hỏi thăm tình hình cuộc sống, công việc của nhau rất thân mật. Các tiết mục văn nghệ “cây nhà, lá vườn” là món ăn tinh thần không thể thiếu trong buổi gặp mặt này. Việc làm này cũng giúp bà con gắn kết, gần gũi và đoàn kết nhau hơn.

Chúng tôi cũng kiến nghị với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tặng bằng khen cho những cá nhân có thành tích xuất sắc, hay đóng góp nổi bật trong một năm đối với cộng đồng.

PV: Xin ông cho biết những nét chính về hoạt động hợp tác, giao thương giữa Việt Nam với Hongkong-Macau thời gian qua?

Ông Hoàng Chí Trung: Đối với Hongkong, có thể nói hoạt động nổi bật nhất giữa Việt Nam với Hongkong là về kinh tế, thương mại, đầu tư. Hiện nay, đầu tư của các doanh nghiệp Hongkong vào Việt Nam là khoảng gần 20 tỷ USD, chủ yếu vào các lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn, nhà máy sản xuất cà phê, chế biến thủy sản. Kim ngạch buôn bán hai chiều năm 2015 đạt khoảng 14 tỷ USD, theo thống kê của phía Hongkong. Như vậy, Hongkong cũng nằm trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Bên cạnh đó, hợp tác về du lịch giữa Việt Nam và Hongkong cũng đạt được nhiều kết quả khả quan. Mỗi năm có khoảng 700.000 lượt khách du lịch qua lại giữa hai bên.

Đối với Macau, họ cũng nhập khẩu nhiều hàng hóa của Việt Nam như lợn sữa, tôm, hạt điều, cà phê, giầy dép, quần áo. Tuy kim ngạch hai chiều chỉ khoảng 700 triệu USD, nhưng tăng trưởng liên tục và ổn định. Sau khi Việt Nam ký kết thành công Hiệp định TPP thì triển vọng xuất khẩu hàng hóa của nước ta vào các thị trường lớn, trong đó có Hongkong-Macau sẽ tiếp tục được tăng lên. Bên cạnh đó, đầu tư vào Việt Nam từ các thị trường lớn trên thế giới cũng hy vọng có sự đột phá mạnh mẽ.

cong dong nguoi viet tai hongkong-macau luon tu hao ve to quoc hinh 4
Đoàn công tác của VOV trao quà lưu niệm cho Tổng lãnh sự Hoàng Chí Trung

PV: Xuân đã về và Tết cổ truyền của dân tộc đang đến rất gần. Với tư cách là Tổng lãnh sự, ông có lời chúc gì đối với bà con người Việt Nam tại Hongkong-Macau cũng như lời nhắn gửi gì đối với quê hương, đất nước?

Ông Hoàng Chí Trung: Chúng tôi tổ chức Tết cộng đồng cho bà con ta vào ngày 31/1/2016, với sự tham gia của gần 300 người, để bà con thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với bà con kiều bào. Đối với đất nước, chúng tôi cũng như bà con ta đang sinh sống, lao động, học tập và làm việc tại Hongkong-Macau rất tự hào về những thành tựu mà đất nước ta đã đạt được trong năm qua, đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam thành công tốt đẹp. 

Thay mặt Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hongkong-Macau, tôi xin kính chúc toàn thể đồng bào, chiến sĩ ta một năm mới An khang, Thịnh vượng, tiếp tục chung tay xây dựng đất nước ta ngày một thịnh vượng, văn minh. Chúc bà con ta ở Hongkong-Macau một năm mới hạnh phúc, nhiều may mắn và thành công.

PV: Xin cảm ơn ông!

Feedback