Chuyện về Báo chí cộng đồng người Việt ở Đức

Hùng Lý từ Berlin, CHLB Đức
Chia sẻ
(VOV5) - Nghề làm báo cộng đồng đúng là một nghề vất vả như “làm dâu trăm họ”, “vác tù và hàng tổng” nhưng cũng là nghề được trọng vọng và cần thiết với cộng đồng.

Báo chí cộng đồng như món ăn tinh thần không thể thiếu - đấy là nhận định được nhiều người nói công khai trên các diễn đàn. Điều này cũng được bà con cộng đồng thừa nhận một cách chính thức hay vô thức.

Chuyện về Báo chí cộng đồng người Việt ở Đức - ảnh 1

Cứ nhìn các sự kiện trong cộng đồng thì biết. Mỗi một sự kiện xảy ra, như các buổi họp hành, gặp gỡ giữa những người cùng làng, cùng huyện nhân dịp lễ tết hay đại hội hội đồng hương hàng tỉnh chẳng hạn, các phóng viên cộng đồng đến tác nghiệp, đưa tin. Ngày hôm sau, trên các trang báo mạng tràn ngập các tin bài, hình ảnh về sự kiện đó. Bà con nô nức vào truy cập. Lượng view của báo tăng đột ngột. Mặc dù người vào đọc tin, bài ít hơn nhiều so với người vào xem hình, lấy ảnh. Nhưng dù với mục đích gì, cứ sau sự kiện là báo chí đắt hàng. Vậy báo chí chẳng là món ăn tinh thần không thể thiếu còn gì. Và chỉ cần có thế, người làm báo cũng hởi lòng, hởi dạ bõ công thức khuya dậy sớm làm ảnh, viết bài.

Chuyện về Báo chí cộng đồng người Việt ở Đức - ảnh 2

Tôi không biết thật chính xác nghề làm báo cộng đồng của người Việt tại Đức bắt đầu từ bao giờ? Chỉ đoán là ra đời từ rất sớm, thậm chí, sớm hơn cả nghề Nail - một nghề rất phát triển của bà con người Việt hiện nay.

Các trang báo, tạp chí mà tôi từng biết trong cộng đồng như nguoiviet.de của Lương Đình Cường, Thời báo Việt - Đức của TS Nguyễn Sỹ Phương, Tạp chí Hương Việt của Phạm Khánh Nam, Nhipcau.de của Nguyễn Thanh Hải,... Trang nào ra đời năm, tháng nào, trang nào ra trước, trang nào ra sau thật cụ thể, chi li người viết bài này cũng chưa thật tường tận.

Những anh chị là Tổng biên tập mà tôi nhắc ở trên dù hay dù dở, dù trình độ chuyên nghiệp hay nghiệp dư cũng đều tự xác nhận chính danh mình là nhà báo. Thời đó Facebook chưa có hoặc ít phổ biến như bây giờ, vì thế cũng là thời thịnh trị của báo chí cộng đồng.

Chuyện về Báo chí cộng đồng người Việt ở Đức - ảnh 3

Lực lượng cộng tác viên của các trang báo mạng kể trên cũng cực kỳ lớn. Từ đó cũng xuất hiện hàng trăm các cây viết - viết báo, viết văn, làm thơ trong cộng đồng - mà người đọc còn nhớ tên như anh Văn Long, Thế Tuyền, Nguyễn Đức Thắng, Sa Huỳnh, Trần Mạnh Thái, Vũ Lương, Bùi Nguyệt, Chu Văn Keng, Thu Hà Cottbus, Lê Hoài Phương, Kiều An Giang, Hà An ...

Hàng chục những phóng viên báo ảnh làm người xem nhớ mặt như: Phạm Mạnh Cường, Quang Chí, Phi Vân, Lê Chương, Thế Sáng, Lê Văn Chánh, Hương Radeberg.... Vì là hàng trăm người viết, hàng chục người làm nghề quay phim, nhiếp ảnh nên trong khuôn khổ bài viết nhỏ này không thể điểm hết tên. Nhưng bạn đọc sẽ luôn nhớ đến tên các anh, các chị và ghi nhận những đóng góp của các anh, các chị vào tiến trình phát triển của báo chí cộng đồng.

Chuyện về Báo chí cộng đồng người Việt ở Đức - ảnh 4

Đóng góp vào dòng chảy của báo chí cộng đồng còn phải kể đến sự hỗ trợ của bộ phận các phóng viên chuyên nghiệp của TTXVN thường trú tại Berlin, báo và trang web của Đại sứ quán Việt Nam, các trang web của các tổ chức, hội đoàn và nhóm các cộng tác viên nhà đài như VTV4 có Như Phương, Minh Đan, Mạnh Việt ... Nhóm CTV VTC10 có Hùng Lý, Mạnh Cường, Quỳnh Nga, Huy Thắng... Riêng các nhóm cộng tác viên này hàng năm cũng gửi về nhà đài vài chục tin hình phản ánh khá đầy đủ về mọi mặt đời sống cũng như các sự kiện của người Việt tại Đức đến với bà con trong nước và kiều bào ta khắp năm châu bốn bể. Ngoài những lực lượng làm báo kể trên, còn là tiếng nói của hàng nghìn, chục nghìn các cây viết khác xuất hiện trên các trang facebook cá nhân cũng có tác dụng không nhỏ trong mạng truyền thông cộng đồng. Những người viết này có ý thức mình là nhà báo hay không nhưng sự thật họ đều góp phần làm nên một diện mạo báo chí cộng đồng đa diện, đa sắc. Và ảnh hưởng của họ đến với cộng đồng nhiều khi cũng không kém các trang báo mạng.

Chuyện về Báo chí cộng đồng người Việt ở Đức - ảnh 5

Như đã nói, thời thịnh vượng của báo chí cộng đồng như nguoiviet.de chẳng hạn, số lượng các cộng tác viên rất đông đảo và trải dài trên nhiều vùng miền của nước Đức. Vì thế bài vở được gửi về liên tục. Trang báo lúc nào cũng tươi mới, đủ các thể loại. Người đọc không chỉ đọc mà còn sôi nổi comment thảo luận, làm báo chí giống như một phiên chợ tràn ngập hàng hoá, tấp nập người mua, kẻ bán.  

Bây giờ khi facebook “phủ sóng” toàn cầu, người ta không cầu cạnh để đăng bài trên báo. Ai cũng chăm cho trang facebook của mình như tổng biên tập lo tin, bài cho toà báo. Và người đọc cũng không nhăm nhăm truy cập báo mạng như xưa. Chỉ cần lướt facebook một cái là cả trăm nghìn thông tin đến trong vòng một nốt nhạc.

Chuyện về Báo chí cộng đồng người Việt ở Đức - ảnh 6

Không ai cộng tác, tiền chả có để thuê người giúp việc làm báo, vậy là hầu hết các tổng biên tập đành phải tự mình vừa là lãnh đạo, vừa là nhân viên. Tự mình lọ mọ đi tác nghiệp, làm tin, quay phim, chụp ảnh. Cho nên hình thức thích hợp mà các trang báo mạng bây giờ thường thể hiện là dạng báo nói, báo hình, cụ thể là livestream. Hình thức truyền hình trực tiếp này vừa nhanh chóng mang thông tin sự kiện đến cho người xem, vừa đỡ cho người làm báo phải viết tin, viết bài. Cũng vì thế báo chí cộng đồng thời nay vắng hẳn những bài viết phân tích sâu sắc về tình hình cộng đồng, về bản thân sự kiện những hay dở, được mất. Nhà báo mất hẳn khả năng phân tích, định hướng dư luận. Cứ tung các clip sự kiện lên mạng không qua biên tập ai muốn hiểu thế nào thì hiểu, ai muốn nói gì thì nói. Thành thử phản ứng tích cực cũng nhiều, đôi khi thông tin gây nhiễu loạn cũng không ít.

Chuyện về Báo chí cộng đồng người Việt ở Đức - ảnh 7

Điều đáng nói nữa là khi tác nghiệp, ai cũng muốn có vị trí đẹp để ghi hình, lại quá đông phóng viên đến cùng một địa điểm, dẫn đến chen lấn, lộn xộn vô hình chung làm ảnh hưởng đến sự kiện nhất là các sự kiện cần sự trang trọng. Hình ảnh thường thấy là ngay sát sân khấu hàng loạt các nhà báo đứng tác nghiệp quay lưng lại khán giả, cản trở tầm nhìn của bà con và khách mời lên sân khấu.

Sau dịch Covid-19, cộng đồng có hoạt động trở lại, nên chăng các ban tổ chức sự kiện dành vị trí quy định riêng cho phóng viên. Và các phóng viên cũng nên ý tứ trong khi tác nghiệp để vừa có hình ảnh đẹp, vừa không ảnh hưởng đến sự kiện. Cũng cần nói thêm, để làm tin các phóng viên cũng chỉ cần những hình ảnh về sự kiện, cùng lắm là thêm phần văn nghệ. Phần liên hoan ẩm thực tốt nhất không nên quay phim chụp hình. Bởi lượng thông tin trong phần này không những chẳng có gì, đôi khi hình ảnh còn gây phản cảm với cả người bị quay và người phải xem.

Nếu không nói là tất cả, thì hầu hết những người làm báo cộng đồng đều là những người không giỏi kinh doanh. Nói cho nhanh là nghèo. Giàu, chắc chắn họ chẳng làm báo. Một cậu em quay phim đứng cạnh tôi trong một sự kiện khi đến phần giới thiệu quan khách và các nhà tài trợ, ngậm ngùi tâm sự: “Em mà có tiền chả cầm máy làm gì. Bỏ ra dăm ba trăm tài trợ được ngồi ghế trên, tên tuổi được giới thiệu trân trọng, khán giả, bà con vỗ tay đồm độp chả sung sướng hơn ôm máy từ đầu dần đến cuối dậu mà lắm hôm về nhà phải úp mỳ tôm ăn để còn ngồi viết tin, làm ảnh đến 3-4 giờ sáng. Không làm doanh nhân được kiếp sau em cũng xin làm ca sỹ. Ca sỹ cộng đồng lên sân khấu uốn éo vài ba bài hát cũng cầm chắc thù lao 200-300 Euro. Anh làm báo lâu năm hơn em, có bao giờ anh được hội đoàn nào tặng phong bì chưa”? Ừ nhỉ, đúng là chưa!
Chuyện về Báo chí cộng đồng người Việt ở Đức - ảnh 8

Cảnh thường thấy trong các sự kiện cộng đồng từ lúc MC ra giới thiệu khách mở đầu cho đến khi chào khách khi kết thúc, rồi lúc người ta ngồi ăn zô zô, đến khi văn nghệ, văn gừng tưng bừng trên sân khấu vẫn thấy các anh chị làm báo, nhất là các anh chị Tổng biên tập luôn phải vác máy trên vai, cầm máy trong tay nhíu mắt, méo mồm bấm bấm, chụp chụp. Mà nào đội ngũ làm báo của cộng đồng trẻ trung gì cho cam, không U70, cũng U60.

Bói cũng không ra người trẻ hơn, trừ mấy cậu đương chức, đương quyền của TTXVN thường trú. Nhìn hình ảnh đó đôi khi cũng cám cảnh.
Chuyện về Báo chí cộng đồng người Việt ở Đức - ảnh 9

Tôi là người làm báo cộng đồng lâu năm, cũng là người làm công tác hội đoàn lâu năm, có nhiệm kỳ là chủ tịch của một hội. Mỗi sự kiện trăm thứ bà rằn phải chi. Nhưng tuyệt nhiên không có một khoản chi nào dù nhỏ dành cho truyền thông, báo chí. Mặc dù nhìn thấy các phóng viên tận tuỵ tác nghiệp trong sự kiện, mặc dù biết ngày mai khi mở mắt tỉnh dậy thông tin và hình ảnh về sự kiện do hội mình tổ chức sẽ bung đầy trên các mặt báo để người người cùng biết, nhà nhà đều hay. Ngẫm tình cảnh đó nhiều lúc cũng ngậm ngùi!

Cũng may thi thoảng còn được cơ quan đại diện nhà nước là đại sứ quán động viên, thăm hỏi. Hai năm gần đây còn được đích thân Đại sứ Nguyễn Minh Vũ mời lên tận phòng khánh tiết bàn bạc công việc, trao đổi tâm tư, sau đó còn liên hoan nặng, nhẹ thân tình, gần gũi. May nữa, cũng được một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Đồng Xuân, cụ thể là ông Nguyễn Văn Hiền, ngày báo chí năm nào cũng rộng lòng mở hầu bao chiêu đãi trọng thị những người làm báo cộng đồng. Thời buổi này chẳng ai đói đến mức phải đến vì bữa ăn. Các cụ nói chẳng sai, “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Cái quan trọng ở đó là tấm lòng. Đó cũng chính là những nguồn động viên không nhỏ đối với những người làm báo không lương.

Chuyện về Báo chí cộng đồng người Việt ở Đức - ảnh 10

Với mong muốn tập hợp những người làm báo trong cộng đồng vào một tổ chức - vừa để quy tụ lực lượng, thống nhất việc tác nghiệp, vừa tạo sân chơi vui vẻ, đoàn kết và biết đâu lại có được thu nhập chính đáng từ hoạt động nghề nghiệp - mà ý tưởng thành lập một Câu lạc bộ (CLB) báo chí ra đời. Sau vài tháng chuẩn bị đầy đủ cả về cương lĩnh lẫn điều lệ, ngày 29/02/2020 - đúng lúc dịch Covid bùng phát ở nước Đức - CLB Báo chí người Việt đầu tiên tại Berlin chính thức trình làng. Đội ngũ thành viên cả cũ, cả mới vỏn vẹn 12 người. Cũng bầu bán bỏ phiếu kín nghiêm túc để có một ban chấp hành gồm 5 người. Trong đó bao gồm 1 chủ nhiệm CLB và 3 phó chủ nhiệm.

Đáng tiếc, sau hơn một năm ra mắt, CLB đã không làm được những gì mình định làm dù mục tiêu toàn điều tốt đẹp. Đến cuộc thi viết về tình hữu nghị Việt - Đức do CLB phát động cũng dậm chân tại chỗ rồi rơi vào ngõ cụt.

Lỗi một phần do ban chấp hành, trước hết là chủ nhiệm CLB đã yếu về năng lực lại không năng nổ, nhiệt tình. Phần vì dịch Covid tiềm ẩn biết bao hiểm nguy làm lòng người hoang mang, giãn cách xã hội khiến chẳng có sự kiện nào ngoài từ thiện, quyên góp được tổ chức để báo chí đến đưa tin, phóng viên tới tác nghiệp.

Phần quan trọng còn lại là vì tâm lý. Mỗi tờ báo mạng cộng đồng hiện tại không khác mấy một trang facebook cá nhân. Như người nông dân cá thể tự canh tác trên thửa ruộng phần trăm của mình. Lợi họ hưởng, thiệt họ chịu. Bỗng dưng thành lập CLB như bắt họ vào hợp tác xã làm chung, hưởng chung, đi về theo tiếng kẻng. Thế là đi ngược với xu thế thời đại. Buộc chung những người chăm chỉ, chịu khó, có tờ báo riêng với những người lơ là, rong chơi, không tấc đất cắm dùi. Vậy ai người ta chịu. Đời nào người ta thèm nghe. Chưa kể, cho đến cùng, các tổ chức, hội đoàn người Việt được thành lập cũng để một năm một, hai lần tổ chức gặp mặt nâng lên, đặt xuống vui vẻ, hát hò, văn nghệ tạo bầu không khí đoàn kết là chính chứ lấy đâu nâng cao được nghề nghiệp, hay tăng thêm thu nhập được đồng nào cho hội viên. Cho nên, đến thời điểm hiện tại, cứ cho là CLB Báo chí người Việt ở Berlin thất bại - thì đó cũng là điều khó tránh khỏi. Đây là bài học đáng để cho những người trong cuộc suy ngẫm, rút kinh nghiệm về sự nóng vội, duy ý chí chứ không đáng phải buồn rầu, thất vọng hay trách móc lẫn nhau.

Chuyện về Báo chí cộng đồng người Việt ở Đức - ảnh 11

Báo chí cộng đồng quả nhiên còn nhiều những bất cập cần khắc phục trong thời gian tới, nhưng phải thừa nhận, dù lực lượng mỏng và thiếu chuyên nghiệp, nhưng về cơ bản, báo chí cộng đồng nói riêng, những người làm báo cộng đồng nói chung đã luôn bám sát và phản ánh tương đối đầy đủ muôn mặt đời thường của cộng đồng người Việt trên mặt báo, từ ma chay, cưới hỏi, sinh nhật, đầy tháng, khai trương tiệm tùng,… đến các sự kiện nhỏ như gặp gỡ liên hoan, đại hội các hội đồng hương. Đặc biệt là các sự kiện lớn mang tầm vóc cả cộng đồng, từ lễ hội 40 năm hội nhập của cộng đồng người Việt được tổ chức long trọng và hoành tráng tại trung tâm thương mại Đồng Xuân, đến cuộc quyên góp đóng tàu ủng hộ chủ quyền biển đảo, chương trình ủng hộ trái tim cho em, đặc biệt là cuộc vận động rầm rộ ủng hộ đồng bào lũ lụt Miền Trung … Tất cả các cuộc vận động kể trên được mọi người biết đến và hết lòng ủng hộ là nhờ báo chí đã phát sóng truyền thông. Dù chẳng nhận được một đồng thù lao, nhưng những phóng viên cộng đồng vẫn không nề hà gian khổ, vẫn khoác ba lô, ôm máy hàng ngày, hàng giờ theo bước chân các đoàn từ thiện về tận vùng lũ lụt miền trung phát quà cứu trợ để tấm lòng bà con Việt kiều Đức ấm áp, gần gũi hơn với những mảnh đời bất hạnh, cơ cực tại quê nhà. Những phóng viên khi tham gia đoàn công tác ra thăm quần đảo Trường Sa cũng luôn cầm máy trong tay để truyền tải hình ảnh quân và dân Trường Sa kiên cường bám biển, giữ đảo về đến tận nước Đức. Từ đó dấy lên phong trào ủng hộ Trường Sa một cách thiết thực trong cộng đồng, để Trường Sa không xa trong tim những người xa xứ.

Chuyện về Báo chí cộng đồng người Việt ở Đức - ảnh 12

Gần đây nhất là cuộc vận động may khẩu trang ủng hộ các bác sỹ, y tá trên tuyến đầu chống dịch, tặng khẩu trang cho các trại điều dưỡng, các nhà dưỡng lão; phong trào quyên góp ủng hộ tiền bạc và vật tư cho quận Lichtenberg trong giai đoạn bùng phát căng thẳng của dịch Covid-19. Ở đâu cũng thấy xuất hiện các nhà báo. Họ đã đóng góp một phần không nhỏ cho sự thể hiện tấm lòng tri ân của cộng đồng người Việt đối với nước Đức quê hương thứ hai.

Còn nhiều, nhiều nữa những hoạt động tương tự như những nốt son của các nhà báo và báo chí ghi dấu ấn với cộng đồng mà trong khuôn khổ bài viết này không thể kể hết.

Nghề làm báo cộng đồng đúng là một nghề vất vả như “làm dâu trăm họ”, “vác tù và hàng tổng”, nhưng cũng là nghề được trọng vọng và cần thiết với cộng đồng. Đâu đó có chuyện vui, buồn bà con cũng muốn được chia sẻ trên mặt báo, đâu đó có chuyện bức xúc người ta lại hỏi nhau: nhà báo đâu không đến mà đưa tin, làm rõ trắng đen. Sứ mệnh thì có nhưng vấn đề là nhà báo có đủ bản lĩnh và trình độ chuyên môn để thực hiện sứ mệnh cao cả đó của mình hay không? Hầu hết những người làm báo cộng đồng - những người tự xưng hay những người vô xưng - đều không qua một trường lớp đào tạo. Rất ít người đọc thông, viết thạo tiếng Đức. Nói gì đến đọc báo, nghe đài, dịch tin từ tiếng Đức. Họ làm báo vì niềm đam mê và vì thế, tự nguyện vác một gánh nặng trên vai như vác cây thập giá báo chí quá với sức của mình.

Chuyện về Báo chí cộng đồng người Việt ở Đức - ảnh 13

Thiết nghĩ, để làm tốt hơn công việc mình đam mê vẫn đòi hỏi những người làm nghề cần nâng cao hơn nữa bản lĩnh và năng lực chuyên môn. Bản lĩnh không phải chỉ rèn luyện một sớm, một chiều mà thành. Phần nhiều là do bản tính từ cha sinh, mẹ đẻ. Vượt được lên chính mình là cả một vấn đề không hề đơn giản. Nhưng trình độ chuyên môn có cầu tiến, cầu thị ắt có tiến bộ. Để hình ảnh trên báo ngày một đẹp hơn, thông tin chính xác hơn, câu từ, văn phạm chuẩn mực hơn. Làm được như thế bà con càng trọng vọng nhà báo và báo chí mới thật sự là món ăn tinh thần không thể thiếu của bà con cộng đồng người Việt ở Đức nói chung, ở Berlin nói riêng - chứ không phải chỉ là hô khẩu hiệu, là lời nói suông.

Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam chúc những người làm báo cộng đồng dồi dào sức khoẻ, sống được với nghề để tiếp tục làm báo như một đam mê mà mình hằng đeo đuổi.

Feedback