(VOV5) - Ở Sofia, Bungari, nhắc đến gia đình có con học giỏi, người ta nghĩ ngay đến gia đình ông Nguyễn Văn Đệ. Con trai ông là Nguyễn Chí Dũng nhiều năm liền ẵm giải cao trong các cuộc thi Olympic Toán quốc tế, đem lại niềm tự hào cho đất nước Bungari. Để Dũng có thành tích như vậy phải kể đến sự hậu thuẫn rất lớn từ người cha, ông Nguyễn Văn Đệ.
|
Ông Nguyễn Văn Đệ tại khu chợ Ilientsi 2, Sofia, Bungari
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Sống ở Bungari được ngót 40 năm nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Đệ không lấy gì làm dư dả. Cả nhà 4 người trông vào một quầy bán quần áo nhỏ xíu trong một khu chợ tại Sofia. Vợ ốm nhiều năm nay, gánh nặng đè lên vai ông Nguyễn Văn Đệ nhưng ông vẫn gắng gượng vật lộn mưu sinh để lo cho gia đình đặc biệt là hai con ăn học. Quả là “người gắng công, trời không phụ”. Cả hai con của ông Nguyễn Văn Đệ đều học giỏi. Cô con gái lớn, Nguyễn Thị Thanh Vân học xong thạc sĩ về kiến trúc ở Munich, Đức, hiện đã đi làm. Còn cậu con trai Nguyễn Chí Dũng, suốt từ năm lớp 7 đến lớp 12, luôn nằm trong đội tuyển Toán quốc gia Bungari. Và đã 11 lần, Dũng giành huy chương tại các kỳ thi toán quốc tế. Được mệnh danh là “cậu bé vàng”, Nguyễn Chí Dũng đã được Nhà nước Bungari đặc cách trao quyền công dân. Tạp chí TEMA, một trong những tạp chí chính trị - xã hội có lượng độc giả lớn nhất tại Bungari, đã có bài viết ca ngợi về “cậu bé vàng” gốc Việt này.
Ông Nguyễn Văn Đệ kể, tháng 6 vừa qua, trong chuyến thăm chính thức Bungari của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, gia đình rất vinh dự được nghe Thủ tướng nhắc tới con mình: “Hồi tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu cấp cao của chính phủ sang Bungari. Thủ tướng có thông báo sơ bộ về kết quả chuyến đi và nói chuyện với cơ quan đại diện về công tác cộng đồng người Việt Nam ở đây. Về công tác cộng đồng, Thủ tướng có nhắc đến con tôi là Nguyễn Chí Dũng”.
|
Ông Nguyễn Văn Đệ và con trai Nguyễn Chí Dũng |
Phương châm dạy dỗ con cái của ông Đệ là vừa quan tâm đến phương pháp học tập của con, vừa hướng dẫn con hình thành nhân cách và cách ứng xử trong cuộc sống: “Đất có quê, lề có thói. Đi đến đâu cũng phải tập cho con hiểu biết về nghi lễ. Người Việt Nam thường nói: tiên học lễ, hậu học văn. Đó là nét đẹp của người Việt Nam”.
Giờ đây Nguyễn Chí Dũng đã là sinh viên trường Đại học Colombia ở New York, Mỹ với học bổng toàn phần. Nhưng mỗi lần có dịp trò chuyện với con, ông Đệ đều căn dặn: “Đường đi còn thăm thẳm. Con cần cố gắng phấn đấu để sau này góp phần nhỏ bé của mình phát triển đất nước”.
Ông Đệ chỉ tâm niệm “áo rách phải giữ lấy lề”, mình làm kinh tế chưa giỏi nhưng điều quan trọng là cần dạy dỗ con cái học tập cho tốt để gây dựng một hình ảnh đẹp về người Việt Nam trên đất nước hoa hồng. Và sự thật, nhiều nhà giáo Bungari đã công nhận về thành tích học tập đáng nể của thế hệ trẻ gốc Việt. Ông Nguyễn Đình Hùng có nhiều năm dạy học cho các học sinh Việt và bản xứ tại đây nhận định: “Sự thật, không phải quá khen mà người Việt Nam ở Bungari rất giỏi về khoa học tự nhiên. Các cháu ở đây đa phần học giỏi cả. Như cháu Chí Dũng, con anh Đệ, đang học ở Mỹ, học rất khá”.
Với công tác cộng đồng cũng vậy, làm thế nào để giữ gìn bản sắc văn hóa, đoàn kết cộng đồng và nâng cao hình ảnh về người Việt Nam trong mắt người dân sở tại là điều ông Nguyễn Văn Đệ đã từng trăn trở trong thời kỳ là chủ tịch đầu tiên của Hội người Việt Nam tại Bungari. Ông là một trong những người sáng lập ra trung tâm tiếng Việt Lạc Hồng với mục đích nhằm hỗ trợ, dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ gốc Việt và cả người bản xứ. Hiện nay, trung tâm tiếng Việt Lạc Hồng còn là nơi dạy văn hóa cho các em học sinh mọi quốc tịch. Nhiều học sinh giỏi đã trưởng thành từ cái nôi này: “Thế hệ những người Việt Nam học tập ở Bungari để lại ấn tượng tốt cho người địa phương và chính quyền ở đây. Các cháu là người Việt Nam bước đầu có sự thiện cảm, thiện chí từ phía người địa phương và họ đã có những giúp đỡ rất thiết thực. Chúng tôi mong muốn góp phần nhỏ bé của mình phát triển tình cảm đó lên”.
Tâm đắc với câu nói của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Muốn làm công tác hữu nghị tốt phải thông qua con người cụ thể, thông qua việc làm cụ thể”, ông Nguyễn Văn Đệ cho biết bằng việc tập trung chăm chút cho con cái học hành, cộng đồng người Việt tại Bungari trong nửa thế kỷ qua đã và đang tạo dựng một hình ảnh đẹp về con người Việt Nam trong lòng người dân xứ sở hoa hồng.