200.000 khách đến lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản

Bùi Hùng/VOV-Tokyo
Chia sẻ
(VOV5) - Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản năm 2016 đã kết thúc vào tối 12/6, tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Trong hai ngày lễ hội đã thu hút khoảng 200.000 khách tham quan.
(VOV5) - Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản năm 2016 đã kết thúc vào tối 12/6, tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Trong hai ngày lễ hội đã thu hút khoảng 200.000 khách tham quan.

200.000 khach den le hoi viet nam tai nhat ban hinh 0
Ca sĩ Uyên Linh biểu diễn tại sự kiện.

Đến với lễ hội, khách tham quan ngoài việc được thưởng thức những món ăn truyền thống Việt Nam như phở, nem, bún, bún chả… mua sắm nhiều hàng thủ công mỹ nghệ nổi tiếng, còn được đã tai đã mắt với những tiết mục văn nghệ của nghệ sĩ Nhật Bản, Việt Nam trình diễn. Những tiết mục của ca sĩ Uyên Linh, Trang Pháp, Microwave đến từ Việt Nam đã làm cho không khí lễ hội thêm sự gắn kết.

Nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của Nhật Bản đã đắm mình trong lễ hội.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Hạ nghị sỹ, Ngài Kikawada Hitoshi có lẽ là lần đầu tiên chứng kiến lễ hội. Ông có dáng cao lớn, nhưng khi đội chiếc nón lá Việt Nam, tay gảy đàn Bầu, ai cũng thấy ông rất gần gũi và thú vị. Những gì tái hiện tại lễ hội, chỉ là phần rất nhỏ, cực nhỏ trong cái mênh mang của văn hóa Việt cũng đã khiến Ngài Thứ trưởng thích thú. Nếu như được nhìn nhiều hơn, chắc hẳn ông cũng sẽ rất say văn hóa Việt Nam.

200.000 khach den le hoi viet nam tai nhat ban hinh 1
Ca sĩ Trang Pháp.

Chủ tịch đảng Công Minh, ông Yamaguchi Natsuo là người gắn bó với Việt Nam, có nhiều đóng góp cho quan hệ hai nước. Với ông, văn hóa Việt Nam có nhiều nét đặc sắc. Do vậy, lễ hội Việt Nam đã có chỗ đứng trong lòng người dân Nhật Bản. Đến với lễ hội có thể cảm nhận được cả những điểm giống nhau và khác nhau, nhưng đó là những tấm chân tình dành cho nhau

Bản thân ông cũng lấy làm vui mừng khi thấy lễ hội ngày càng một đông vui. Với ông, quan hệ hai nước không chỉ ở lĩnh vực công nghiệp, kinh tế mà thông qua giao lưu văn hóa, thông qua âm nhạc, thông qua những món ăn, những lễ hội…sẽ làm cho sự gắn kết giữa nhân dân hai nước ngày càng tốt đẹp.

Một người không thể không nhắc tới đó là ông Matsuda Iwao-nhà sáng lập Lễ hội Việt Nam, Cựu Quốc vụ khanh Nhật Bản. Hình ảnh của ông gắn với hình ảnh của Việt Nam. Năm nay mặc dù sức khỏe của ông đã yếu đi nhiều, nhưng trái tim vẫn đủ khỏe mạnh để đến với lễ hội, với một khát khao lễ hội sẽ tiếp tục lâu dài như sự kết nối các thế hệ người Việt Nam với Nhật Bản bằng một tình cảm nồng ấm và chân tình. 

200.000 khach den le hoi viet nam tai nhat ban hinh 2
Khán giả tại sự kiện.

Lần đầu tiên tại lễ hội có gian ẩm thực chay của Hội phật tử Việt Nam tại Nhật Bản đã thu hút sự chú ý của nhiều khách tham quan. Theo nhà sư Thích Tâm Trí toàn bộ số tiền thu được từ việc bán đồ chay sẽ đem ủng hộ nạn nhân Nhật Bản chịu thảm họa động đất tại Kumamoto, người Việt có hoàn cảnh khó khăn tại Nhật Bản…

Lễ hội có những dấu ấn mới thể hiện lễ hội không chỉ đơn thuần là để vui, để quảng bá văn hóa, gặp gỡ bạn bè mà còn là nơi gom tụ tình nhân ái không phân biệt giàu nghèo hay khác biệt văn hóa. Mỗi một phần ăn như một nốt nhạc tạo nên bản bản tình ca không lời, xoa dịu nỗi đau, nỗi mất mát của ai đó không may mắn, kệ cho ai là người Nhật Bản, hay người Việt Nam, hay một chàng thanh niên da đen Nepal nơi đất Nhật.

Và lời hát giữa ca sĩ Việt Nam và Nhật Bản trong ca khúc “Người hát tình ca” không còn là lời hát, giai điệu da diết đơn thuần, mà là tình cảm gần gũi thân thương của những người Việt Nam đã từng yêu Nhật Bản và những người Nhật Bản đã từng yêu Việt Nam:

Bài ca đó là em,
Thấy trong lòng da diết hơn!
Tôi muốn đốt lời ca,
Khi tâm hồn đang cháy lên.

Em hãy tới gần hơn,
Để em còn trông thấy tôi.
Người đang say vì em,
Câu tình ca còn mãi,
Của riêng em...

Hai ngày của lễ hội hình như không đủ nối dài cho những niềm vui, sự mong đợi của các bạn Nhật Bản và cộng đồng Việt Nam tại Nhật Bản đã mong chờ trong cả một năm. Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản đã trở thành những khoảnh khắc đủ để vui, đủ để nhớ cho mỗi người tham gia vào lễ hội.

Feedback