Có một kiến trúc sư, người chưa đứng trên bục giảng ngày nào nhưng vẫn luôn được những em nhỏ vùng cao gọi bằng cái tên thân thương "thầy Quý".
Đó chính là anh Phạm Đình Quý, kiến trúc sư có tài “ảo thuật” biến những lớp học tạm bợ, tranh tre dột nát thành những ngôi trường mới kiên cố và vững chắc. Đó là những ngôi trường được xây bằng tình thương giữa vùng non cao. Với hành trình xây trường cho các em nhỏ vùng cao, anh Phạm Đình Quý được bình chọn là một trong 10 gương mặt truyền cảm hứng cho cộng đồng năm 2018.
KTS Phạm Đình Quý và các em nhỏ vùng cao - Ảnh: baonhandao.vn
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cái tên Phạm Đình Quý giờ đã trở nên quen thuộc với các trẻ em vùng cao. Mặc dù không đứng trên bục giảng, nhưng với nhiều thầy cô, anh được coi là người "giáo viên danh dự", một người "thầy" đặc biệt của những ngôi trường vùng cao. Các em học sinh vùng cao luôn nhớ "thầy" Quý, vì "thầy" là người biến những ngôi trường dột nát, tạm bợ thành những mái trường kiên cố, vững chãi.
Thầy giáo Phạm Văn Đông, điểm trường bản Suối Lềnh, Sơn La, cho biết: “Các cháu học sinh rất vui mỗi khi anh Quý lên. Nhìn thấy từ xa là đã chạy ra, hò reo chào đón anh. Anh là người vui tính và anh nói những gì là sẽ thực hiện được điều đấy. Anh đã hứa sẽ giúp các cháu có được ngôi trường vững chắc và đến ngày hôm nay anh đã làm được điều đó”.
Để xây một ngôi trường trên núi cao, khâu vất vả nhất là vận chuyển vật liệu và xây móng đổ nền. Vật liệu tập kết ở dưới chân núi và chỉ có thể dùng sức người mới đưa được lên công trình. Kiến trúc sư Phạm Đình Quý kể: “Tôi vẫn nhớ về ngôi trường đầu tiên. Lúc đó tất cả những gì bỡ ngỡ đối với mình, bỡ ngỡ về văn hóa, bỡ ngỡ về địa hình cũng như bỡ ngỡ về mọi thứ trong công việc. Nhưng rồi điều khiến tôi bất ngờ là người dân rất nhiệt tình, mặc dù họ không hiểu tiếng Kinh nhưng họ biết rằng sẽ có một ngôi trường được xây ở đây và họ hiểu rằng gạch, cát phải vận chuyển từ chân núi lên. Họ đã giúp đỡ một cách nhiệt tình, hăng say làm cho mình ghi nhớ và thấy hạnh phúc. Tôi nghĩ bước đầu tiên làm được ngôi trường như vậy cũng là một kỳ tích của bản thân. Với tôi, đó là kỷ niệm không bao giờ quên”.
Các em học sinh vùng cao luôn nhớ "thầy" Quý - Ảnh: baonhandao.vn
|
Mỗi ngôi trường được xây nên là cả một kỳ tích, kỳ tích đó được xây bởi tình yêu thương mà cá nhân anh Quý cùng với các thầy cô và các nhà hảo tâm dành cho những em nhỏ vùng cao. Lớp học mới không chỉ tạo điều kiện dạy và học mà còn là nguồn động viên to lớn để thầy trò vùng cao còn nhiều khó khăn tiếp tục bám lớp, bám trường vượt khó, ươm lên những mầm xanh tương lai.
Thầy Lý Như Huỳnh, giáo viên điểm trường Dì Thàng, Lào Cai, chia sẻ: “Trước khi điểm trường ở đây được xây dựng, cơ sở vật chất ở đây rất khó khăn, rét về mùa đông, mùa hè lại nhiều gió nên các em rất vất vả trong quá trình học tập. Từ khi điểm trường được xây dựng, các em đã có một ngôi trường khang trang, các em đi học thuận lợi nên rất phấn khởi, đi học đều hơn”.
Trong hành trình từ năm 2012 đến nay, trải qua quãng đường dài hơn 365.000 km, tương đương 9 vòng Trái đất, anh Phạm Đình Quý cùng bạn bè, các nhà hảo tâm đã xây dựng được 105 ngôi trường cho trẻ em miền núi, vượt mục tiêu ban đầu đặt ra chỉ là 100 điểm trường. Đây là một con số kỷ lục ở Việt Nam nếu xét về phạm trù xây dựng trường thiện nguyện. Anh Quý chia sẻ bản thân anh luôn tìm những điểm trường khó khăn nhất để làm. Càng ở sâu, xa, điều kiện đường sá càng khắc nghiệt nhưng anh chưa từng từ chối bất cứ đề nghị nào, bởi anh rất thương các em nhỏ và càng làm, anh càng thấy say mê.
Một điểm trường tại tỉnh Bắc Kạn sau khi được xây mới - Ảnh: baonhandao.vn
|
KTS Phạm Đình Quý tâm sự: “Giá trị của điều này mang lại cho xã hội, nhất lại là cho lớp trẻ ở độ tuổi con, cháu mình. Tôi cũng nghĩ rằng các cháu được hưởng như vậy thì cũng như con, cháu mình sau này sẽ được sống trong môi trường, xã hội yêu thương nhau, tốt đẹp với nhau. Những ngôi trường tôi xây cho các cháu đầu tiên sẽ là rất nhỏ, ban đầu có thể nghĩ rằng đó là việc mà mình sẽ chỉ làm 1 cái để kỷ niệm cho cuộc đời nhưng khi làm xong thấy được mọi người ủng hộ và thấy đó thực sự là một việc ý nghĩa đúng như thâm tâm tôi mong muốn, chính là nhìn thấy thế hệ con cháu mình sống văn hóa hơn, tốt đẹp với nhau hơn. Đó là những giá trị vô hình không thể đong đếm được bằng tiền mà đó là tình cảm yêu thương mà thế hệ đi trước dành cho các cháu”.
Với mỗi điểm trường từ Điện Biên tới Lai Châu, Bắc Kạn, Hà Giang trung bình được xây nên từ 10.000 viên gạch, 30 mét khối cát và khoảng 10 tấn xi măng. Những con số biết nói này đã chứng minh một sức mạnh phi thường của người thợ cả. Tiếp nối hành trình xây trường vùng cao, năm 2019 này, anh Phạm Đình Quý chia sẻ anh sẽ tiếp tục thiết kế những công trình đẹp hơn năm 2018, quy mô đẹp hơn, kiến trúc đẹp hơn, công năng sử dụng sẽ ưu việt hơn để dành tặng các em nhỏ vùng cao.
Điều đặc biệt nhất và lớn nhất mà anh Phạm Đình Quý thấy hạnh phúc nhất đó chính là tình thương yêu mà bà con miền núi dành cho anh bởi anh không chỉ xây trường mà còn xây nên một cách sống, cách tiếp nhận mới cho người dân vùng cao.