Ông Vì Văn Ỏm, một người con dân tộc Xinh Mun, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2005. Nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chiềng On, Yên Châu, Sơn La, ông đã có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, đi đầu trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, góp phần mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bà con vùng cao biên giới này.
Anh hùng Lao động Vì Văn Ỏm tại gia đình (Ảnh: Tòng Đức Anh/VOV)
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Chứng kiến sự đổi thay không ngừng nơi vùng cao biên giới này, nhất là cơ sở hạ tầng, con đường rải nhựa mấy chục cây số thuận tiện cho dân đi lại 4 mùa từ trung tâm huyện đến tận Trạm biên phòng Nà Cài, đồng bào các dân tộc ở xã Chiềng On không quên công lao của ông Vì Văn Ỏm, nguyên lãnh đạo xã Chiềng On giai đoạn 1976-2005.
Thời kỳ những năm 1970, kinh tế vô cùng khó khăn, đường xá chưa có, dân cư thưa thớt, thóc gạo đồng bào làm ra chỉ đủ ăn trong khoảng 3 tháng/năm, còn lại chủ yếu là vào rừng đào củ mài, săn bắn hái lượm…; đặc biệt, tình trạng mất đoàn kết dân tộc xảy ra thường xuyên.
Lúc này, với cương vị là Phó Chủ tịch UBND xã, ông Ỏm tập trung chủ yếu giải quyết vấn đề mất đoàn kết dân tộc, di dịch cư tự do, tranh chấp đất đai. Từ những kiến thức công tác dân vận được học từ quân đội, cộng với khả năng nói được các thứ tiếng dân tộc Thái, Mông, Lào, Xinh Mun, có thời điểm ông xử lý thành công đến 180 vụ việc phức tạp như vậy tại cơ sở.
Anh hùng Lao động Vì Văn Ỏm và bà con thưởng thức mận hậu mang giống từ Bắc Hà về (Ảnh: Tòng Đức Anh/VOV)
|
Sau khi giải quyết tốt vấn đề chia rẽ gây mất đoàn kết dân tộc, ông tìm tòi hướng phát triển kinh tế, giúp dân xoá đói giảm nghèo. Năm 1986, có dịp về Hà Nội công tác, ông được giới thiệu về giống ngô lai mới ở Đan Phượng (Hà Nội), dễ trồng, năng suất lại cao. Ông mang về cho gia đình, cán bộ xã, anh em họ hàng trồng thử nghiệm trước.
Thấy đạt hiệu quả kinh tế vượt trội so với giống ngô địa phường, bình quân 10 kg giống đạt 30 tấn ngô bắp, ông mới trực tiếp hướng dẫn cách gieo trồng cho từng hộ dân, vận động chuyển đổi hơn 700 hecta lúa nương sang trồng ngô lai và quy hoạch lại vườn chè. Ông chỉ đạo bà con phát triển đàn trâu, bò, dê, lợn, gà vịt… khoán cho mỗi hộ phấn đấu có ít nhất 2 côn trâu, 2 con bò, 10 con lợn, 10 con gà vịt. Con giống thì vận động bà con chia sẻ chứ không mua bán.
Thời kỳ đổi mới, ông tiếp tục vận động nhân dân bỏ lúa nương, tập trung mở rộng diện tích lúa nước. Ông sang tận Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, để mua 500 cây mận hậu về trồng trên đất Chiềng On, rồi trồng thêm các loại cây ăn quả như nhãn ghép, hồng, bưởi, cam…
Thấy ông làm, nhiều hộ cũng làm theo, hiện nay xã có khoảng 20 hecta mận hậu. Anh Vàng Lao Dự, trưởng bản Đin Chí, xã Chiềng On, cho biết: “Ngày xưa chưa có bác Vì Văn Ỏm về tuyên truyền thì cũng không biết làm, chỉ trồng theo thói quen thôi”. Theo ông Vì Văn Ỏm: Người làm cán bộ luôn phải có tâm, có trách nhiệm với dân, biết lo nỗi lo của dân.
Ông Ỏm về nghỉ hưu theo chế độ năm 2005. Bằng uy tín của mình, ông vẫn cùng bộ đội, cán bộ vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, không xâm canh xâm cư, không di dịch cư tự do, không vượt biên trái phép, giữ vững quốc phòng, an ninh và ổn định chính trị xã hội ở vùng biên giới. Ông thực sự là Anh hùng trong lòng dân nơi biên cương này.