“Sản phẩm mới có tên Đũi jacquard VSH (viết tắt của Vietnam Silk House) là thành quả nghiên cứu của đội ngũ cán bộ và công nhân viên Ngôi nhà Tơ lụa Việt Nam trong thời gian 1 năm diễn ra đại dịch Covid”, ông Huỳnh Tấn Phước – Chủ tịch công ty TNHH Vietnam Silk House cho biết.
Ông Huỳnh Tấn Phước – Chủ tịch công ty TNHH Vietnam Silk House bên mẫu vải mới. |
Việt Nam có nhiều làng nghề ươm tơ dệt lụa có truyền thống lịch sử lâu đời. Một vài làng nghề vẫn còn làm đũi thủ công. Cách làm này quá mất thời gian và công sức và sản phẩm làm ra dù có vẻ đẹp của sự thô sơ, mộc mạc nhưng lại thiếu sự tinh mĩ của lụa tơ tằm. Làm thủ công, sản lượng không cao khó đáp ứng được những đơn hàng lớn của nước ngoài.
Ông Huỳnh Tấn Phước - người đam mê nghiên cứu ứng dụng nâng cao giá trị lụa Việt. |
Với đam mê nghiên cứu, ông Huỳnh Tấn Phước đã thành công trong việc kết hợp công việc kéo sợi đũi thủ công của các người thợ và nghệ nhân làng nghề, sau khi xử lý sợi thì cho vào dệt công nghiệp trên dây chuyền công nghệ Nhật Bản. Sự kết hợp giữa thủ công và công nghiệp đã cho ra một sản phẩm vải đũi dệt jacquard (dệt hoa văn chìm trên vải) mang lại vẻ đẹp tinh mĩ và sang trọng. Đặc biệt, với cách dệt hoàn toàn mới, tấm vải thành phẩm giảm hẳn độ nhăn và nhàu - khắc phục nhược điểm lớn của lụa.
“Tôi kết hợp với họ để nâng giá trị và tiêu thụ sản phẩm để bảo tồn các làng nghề cũng như nâng tầm chất lượng đũi. Nếu ta dệt bằng máy thủ công thì sợi đũi không sang trọng, nhưng nếu kết hợp thủ công với công nghiệp sẽ thứ nhất vừa nhanh và sản lượng lớn đáp ứng được nhu cầu đặt hàng từ nước ngoài. Ra được những mặt vải rất đẹp”, ông Phước cho biết.
Việt Nam hiện xuất khẩu nhiều sợi se hơn Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời xuất nhiều tơ sống hơn Campuchia và Thái Lan... Tuy nhiên, theo ông Fei Jianming - Tổng Thư ký Hiệp hội Tơ lụa Thế giới để thực sự có vị trí trên thế giới về tơ lụa thì cần sản xuất sản phẩm vải lụa thành phẩm. Lời nhận xét này đã khiến ông Huỳnh Tấn Phước đau đáu hơn trong việc tìm tòi ứng dụng tơ Việt.
Việc nghiên cứu thành công, cho ra một loại vải hoàn toàn mới đã góp phần thúc đẩy đưa chất lượng sản phẩm tơ lụa Việt Nam lên một tầm cao mới.
Đại dịch Covid khiến cả thế giới lao đao và ngành lụa Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, ông Phước đã cùng các đồng nghiệp của mình tranh thủ thời gian nhàn rỗi để nghiên cứu và cho ra một loạt ứng dụng từ sợi tơ tằm. Ngoài thành công từ vải Đũi jacquard VSH, ông Phước cùng đồng nghiệp thử nghiệm và dệt thành công vải lụa co giãn, lụa denim và nhiều ứng dụng khác từ kén tằm.
“Thời gian qua do covid, khách hàng ít đi nhưng trong thời gian này chúng tôi tiếp tục nghiên cứu thêm để tạo ra các sản phẩm mới ứng dụng từ con tằm làm nguyên liệu chế biến thực phẩm chức năng và mỹ phẩm làm đẹp cũng như ứng dụng vào y khoa. Chúng tôi cũng đã đưa sản phẩm thử nghiệm đi các nước. Phản hồi rất tích cực”, ông Phước vui vẻ cho biết.
Hiện nay, ông Phước cùng đội ngũ Vietnam Silk House đang làm việc từ xa với một số đối tác để chuẩn bị tạo ra bước đột phá mới cho tơ tằm Việt Nam sau covid./.
Ngôi nhà tơ lụa Việt Nam - Vietnam Silk House được thành lập bởi nhà thiết kế Minh Hạnh và các doanh nghiệp tơ lụa tại TP. Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) với ý tưởng có một nơi để lụa Việt Nam tụ hội và tạo cơ hội cho người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận nhiều thương hiệu lụa khác nhau từ đó có thể chọn lựa.