Nghi lễ xin lửa và rước đuốc Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 32) và Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 12 (ASEAN Para Games) do Campuchia đăng cai đã được tổ chức long trọng ngày hôm nay, trùng với ngày mặt trời mọc trên đỉnh Angkor Wat.
Dưới sự chủ trì của Quốc vương Norodom Sihamoni, Nghi lễ xin lửa và rước đuốc Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 32) và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 12 (ASEAN Para Games) do Campuchia đăng cai đã được tổ chức long trọng ngày hôm nay tại khu quần thể Angkor, tỉnh Siem Reap. |
Trước đó, chiều ngày 20/3, lễ xin lửa thiêng cho ngọn đuốc SEA Games 32 từ ánh nắng mặt trời đã được tiến hành tại ngôi đền Angkor Wat.
|
Hôm nay (21/3), du khách trong nước và quốc tế cũng đã đổ về Siem Reap để chiêm ngưỡng khoảnh khắc mặt trời mọc trên đỉnh của đền Angkor Wat. |
Theo các chuyên gia bảo tồn quần thể Angkor cho biết, mặt trời mọc trên đỉnh tháp Angkor Wat xảy ra khi thời gian ban ngày và đêm bằng nhau. Các kiến trúc sư của nền văn minh Angkor cổ đại đã sử dụng các kiến thức về kiến trúc, toán học và thiên văn để tạo ra hiện tượng độc đáo này. Đây được coi là một khoảnh khắc vô cùng đặc biệt. |
Ngọn lửa thiêng được Quốc vương Norodom Sihamoni truyền cho đại diện các vận động viên tham dự SEA Games 32 rước xung quanh đền Angkor Wat. |
Sau đó, ngọn lửa thiêng được lưu giữ taị một ngọn đèn đặc biệt ở đền Reach Bo, thành phố Siem Reap trước khi được rước qua các nước ASEAN. |
Điểm đến đầu tiên của Ngọn lửa thiêng này sẽ là Thủ đô Hà Nội (Việt Nam), sau đó được rước qua các nước ASEAN và trở về thủ đô Phnom Penh (Campuchia) vào ngày 28/4/2023. |
Theo lịch dự kiến, Ngọn lửa thiêng sẽ bùng cháy đến khi SEA Games 32 khép lại vào ngày 5/5. |
Đây là lần đăng cai SEA Games đầu tiên của Campuchia sau 64 năm kể từ năm 1959 - không chỉ là dịp quan trọng để nước này đánh một dấu mốc lịch sử thể thao mới cho đất nước, mà còn góp phần thúc đẩy tình hữu nghị, đoàn kết, hướng tới xây dựng một cộng đồng hoà bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á./.