Phóng viên điểm nóng: Sẵn sàng dấn thân để hoàn thành nhiệm vụ

Chia sẻ
(VOV5) - Đối mặt với nguy cơ mắc Covid-19, thậm chí đứng giữa lằn ranh sống-chết trong mưa lũ, sạt lở đất… là những tình huống thường gặp của phóng viên Đài TNVN (VOV) khi tác nghiệp tại các điểm nóng.
LĂN LỘN CẢ THÁNG TRỜI CÙNG VỤ SẠT LỞ TRÀ LENG:

Năm 2020 là năm quá nhiều đau thương đối với người dân miền Trung. Bão chồng bão, lũ sau kinh hoàng hơn lũ trước, đỉnh lũ vượt mức lịch sử đã làm 249 người thiệt mạng và mất tích, 705 người bị thương, 240.000 nhà bị hư hại và gần 500.000 lượt nhà bị nhấn chìm trong lũ, thiệt hại hơn 30.000 tỷ đồng.

Cũng chưa có năm nào, sạt lở núi trở thành thảm họa diện rộng, ám ảnh bà con trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Suốt 3 tháng trời, người dân miền núi, vùng cao các tỉnh miền Trung sống trong nỗi bất an, lo sợ. Các phóng viên VOV, thường trú khu vực miền Trung lăn lộn cùng bà con suốt mấy tháng trời.

Vụ sạt lở đất vùi lấp cả ngôi làng và hàng chục người ở xã Trà Leng, huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam xảy ra vào tháng 10/2020 khiến nhiều người bàng hoàng. Thảm họa đau lòng này được dư luận đặc biệt quan tâm. Để có những thông tin nóng, những hình ảnh chân thực về nỗi đau mất mát của gia đình nạn nhân, công tác tìm kiếm tại hiện trường, các nhà báo lúc ấy cũng đối diện với hiểm nguy, tai họa ập đến bất cứ lúc nào. 

Phóng viên điểm nóng: Sẵn sàng dấn thân để hoàn thành nhiệm vụ - ảnh 1

Hơn 1 ngày đêm vừa dò đường, vừa dọn dẹp cây cối ngã đổ, san gạt đất đá sạt lở, nhiều lúc phải lội bộ, phóng viên mới tiếp cận hiện trường vụ sạt lở. Đến ngã 3 Trà Dơn, anh em trong Đoàn nhìn thấy những hình ảnh đau thương từ vụ sạt lở đất. Đó là những nạn nhân may mắn thoát chết trong vụ vùi lấp được dân làng dùng tang, võng khiêng bộ ra ngoài đưa đi cấp cứu, trên người còn dính bùn và máu.

Cả ngôi làng trù phú bên dòng sông Leng bị san phẳng, tan hoang. Hình ảnh cô gái Hồ Thị Hòa khóc ngất khi cả 8 người thân trong gia đình gồm con trai 4 tuổi, cha, mẹ, em gái, cô, bác, dì, dượng đều bị vùi lấp, ai cũng nhói lòng. Càng cảm động khi chứng kiến những cán bộ, chiến sỹ công an quân đội, ăn vội gói mì, ngày đêm dầm mình dưới mưa rừng lật từng nắm đất tìm kiếm nạn nhân… Tất cả những câu chuyện ấy đều được phóng viên ghi lại, cố gắng chuyển tải thông tin, hình ảnh, âm thanh đến quý thính giả, độc giả, khán giả của VOV.

Phóng viên điểm nóng: Sẵn sàng dấn thân để hoàn thành nhiệm vụ - ảnh 2

Hàng ngày, nhóm phóng viên VOV miền Trung (Hải Sơn, Đình Thiệu, Thanh Thắng) phải có mặt từ rất sớm tại hiện trường để quay phim, chụp hình, phỏng vấn, rồi chia nhau ngược đường trở ra, vừa đi vừa dò tìm nơi có sóng điện thoại, mạng 3G thì dừng lại để chuyển tin. Những lần như vậy, phóng viên tiếp tục di chuyển tìm đến chỗ sóng điện thoại tốt hơn để tiếp tục “leo lên cầu phát thanh” nói chuyện sạt lở núi. 

*Vụ sạt lở tại Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337: Phóng viên suýt bị vùi lấp

Cũng trong đợt mưa bão tháng tháng 10/2020, đêm 18/10, điện thoại phóng viên Thanh Hiếu nhận được tin nhắn báo xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng tại Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 đóng ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Đêm đó là một đêm không ngủ của người dân tỉnh Quảng Trị cũng như các lực lượng cứu hộ cứu nạn thiên tai. Phóng viên Thanh Hiếu của VOV miền Trung may mắn có mặt trong đoàn công tác của tỉnh lên hiện trường triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ.

Xe không thể qua được, phóng viên Thanh Hiếu cùng một vài đồng nghiệp đi bộ cùng các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh và lực lượng công binh Đoàn 337 vào thẳng hiện trường. Đi được một đoạn, mọi người thấy một bên là vách núi cao, một bên vực sâu hun hút, lũ cắt khiến con đường như 1 chiếc bánh đa bị bẻ làm đôi.

Phóng viên điểm nóng: Sẵn sàng dấn thân để hoàn thành nhiệm vụ - ảnh 3

Mọi người đang loay hoay, dò dẫm từng bước chân thì ở phía sau có tiếng hô hoán, gào thét, cảm giác phía trên núi có cái gì đó đang rung chuyển rất nhanh. “Lũ về, chạy đi, nhanh lên, chạy, chạy, chạy đi…”, tiếng hô càng to hơn, tiếng ầm ầm từ trên núi ngày càng gần hơn.

Mọi người chạy ngược lại khoảng 30m thì tiếng ào ào dữ dội từ trên núi tuôn xuống, nước chảy cuồn cuộn mang theo đất đá cuốn ngay dưới chân mình, ai nấy đều hoảng sợ. Nhóm của phóng viên Thanh Hiếu đi vào hiện trường đã thoát nạn trong gang tấc khi một dòng lũ quét từ trên núi bất ngờ tràn xuống lúc mọi người trong đoàn đang băng qua suối. Và sau hơn 2 giờ đi bộ đầy hiểm nguy, phóng viên VOV Miền Trung mới đến được điểm sạt lở tại Đoàn 337.

Vừa thoát nạn, phóng viên Thanh Hiếu nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, chủ động báo cáo về cơ quan và xin “leo lên sóng” làm cầu phát thanh trực tiếp, kể lại hình ảnh xót xa tại hiện trường ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, nơi cán bộ chiến sĩ Đoàn 337 gặp nạn.

*Sạt lở vùi lấp 11 người Phước Sơn: Phóng viên cắt rừng tiếp cận hiện trường

Tiếp đợt mưa lũ kinh hoàng tháng 10/2020, bão số 9 vừa tan, phóng viên Thanh Hà từ tâm bão Quảng Ngãi được điều động đến hiện trường vụ sạt lở núi vùi lấp 11 người ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Tại đây, 2 cán bộ xã đã trôi mất tích, 217 công nhân bị cô lập tại xã Phước Thành, huyện miền núi Phước Sơn.

Đường vào hiện trường bị nước lũ phá huỷ, Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại đây tập hợp quân số, họp bàn phương án cắt rừng vào các xã Phước Lộc, Phước Thành. Nhiều chiến sĩ người địa phương, lính biên phòng khuyên phóng viên dừng lại ở đây chờ thông tin. Nhưng với phóng viên VOV miền Trung vốn quen tác nghiệp nơi tâm bão, rốn lũ…, nên tiếp tục trèo núi, lên đường cùng đoàn cứu nạn, chỉ mang theo 2 chiếc điện thoại di động, 2 cục pin dự phòng cùng ít lương khô, nước uống…

Phóng viên điểm nóng: Sẵn sàng dấn thân để hoàn thành nhiệm vụ - ảnh 4

Mất mấy tiếng đồng hồ đi bộ vượt núi, Đoàn đến được Nhà điều hành Nhà máy thủy điện Đăk Mi 2. Tất cả các tuyến đường đến đây đều bị ngập sâu trong bùn đất. Có nơi, bùn ngập hơn 2m. Trời mưa, đường vào hiện trường trơn trượt, đất đá từ trên núi rơi xuống rất nguy hiểm đến tính mạng. Phóng viên Thanh Hà cùng một số đồng nghiệp tranh thủ tác nghiệp, chụp ảnh, ghi âm, phỏng vấn công nhân bị nạn ở Nhà máy thủy điện Đăk Mi 2.

Đêm nằm nghe núi lở, xót xa cho cảnh màn trời chiếu đất của đồng bào vùng thiên tai, phóng viên Thanh Hà kể lại những câu chuyện của người dân nơi đây gồng mình vượt qua mưa to, bão dữ, khắc phục hậu quả thiên tai trên các phương tiện truyền thông của VOV…

Nếu trong khoảng thời gian căng thẳng bão lũ ấy, có phóng viên VOV nằm ở hiện trường 28 ngày/tháng, thì VOV cũng từng có phóng viên lênh đênh 37 ngày trên biển để hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

NHÀ BÁO VIỆT CƯỜNG - 37 NGÀY TỪ ĐIỂM NÓNG HOÀNG SA

Hơn 7 năm trôi qua, nhưng ký ức về chuyến tác nghiệp 37 ngày đêm lênh đênh trên biển bám sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 của nhà báo Nguyễn Việt Cường, Ban Thời sự (VOV1) vẫn vẹn nguyên.

*37 ngày đêm trên biển, sẵn sàng tâm thế một chiến sĩ

Ngày 2/5/2014, Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 (HD - 981) tới vị trí cách đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 17 hải lý về phía Nam, cách đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam khoảng 120 hải lý về phía Đông. Đây là vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982.

Cả nước hướng về Hoàng Sa, từng phút, từng giây mong chờ tin tức. VOV là một trong những cơ quan báo chí tiên phong cử phóng viên tác nghiệp tại thực địa kịp thời cập nhật tình hình diễn biến trên Biển Đông một cách đầy đủ, khách quan, chân thực nhất.

Những bản tin đầy sức thuyết phục, tố cáo mạnh mẽ hành động sai trái của Trung Quốc, đồng thời phản ánh sự kiên cường, khéo léo, mềm dẻo trong đấu tranh của các chiến sĩ cảnh sát biển (CSB), kiểm ngư Việt Nam từ Hoàng Sa chuyển về phát trên sóng VOV, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân, trở thành cầu nối giữa biển khơi và đất liền, giúp người dân cả nước vững tin hơn vào cuộc đấu tranh chính nghĩa.

Là phóng viên duy nhất có mặt trên con tàu CSB 4033 - tàu của lực lượng CSB Việt Nam, được giao nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ chấp pháp trên biển, đồng thời cũng là tàu xông pha tuyến đầu, tiếp cận gần nhất giàn khoan HD-981, đấu tranh thực thi pháp luật – nhà báo Việt Cường kể: “Một ngày các chiến sĩ CSB đấu tranh hai lần với Trung Quốc để gây sức ép. Sáng bắt đầu 7h đến 10h, chiều từ 14h đến 17h. Hằng ngày, lực lượng chiến đấu của mình có 5 tàu, trong khi phía Trung Quốc là mấy chục tàu, lại toàn tàu lớn. Lực lượng của mình dù ít nhưng tinh và mạnh. Các chiến sĩ gan dạ, dũng cảm, bình tĩnh trong mọi tình huống”.

Phóng viên điểm nóng: Sẵn sàng dấn thân để hoàn thành nhiệm vụ - ảnh 5
Nhà báo Việt Cường tác nghiệp trên biển.

“Tận mắt chứng kiến các chiến sĩ trẻ mưu lược, dũng cảm đấu tranh với hành vi sai trái của các tàu Trung Quốc, tôi thực sự cảm phục và trào dâng tình yêu đất nước, niềm tự hào dân tộc. Dù sinh tử chỉ trong gang tấc nhưng vẫn bình tĩnh đưa ra những quyết định chính xác tuyệt đối để vừa đấu tranh, vừa né tránh khi bị truy đuổi”, phóng viên Việt Cường bồi hồi.

Những giây phút đó thật sự căng thẳng. Là phóng viên lần đầu tham gia “chiến trận”, Việt Cường không khỏi lo lắng xen chút sợ hãi. Với độ sâu ở chỗ nông nhất cũng đã là 1,5km, nếu rơi xuống biển đồng nghĩa với hy sinh.

Dù vậy, anh luôn trong tâm thế sẵn sàng làm nhiệm vụ, kể cả hy sinh cũng không bỏ cuộc. Lúc ấy, anh nhớ lại lời chính trị viên khi anh cùng đồng nghiệp bắt đầu bước chân xuống tàu: “Từ giờ phút này các đồng chí đã là chiến sĩ, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ kể cả hy sinh”. Những vất vả nơi “chiến trận” không giấy bút nào kể hết, không phần thưởng, danh hiệu hay tiền bạc, vật chất nào có thể bù đắp được.

Phóng viên Việt Cường nhớ nhất đúng ngày đầu tiên anh ra Hoàng Sa, tàu kiểm ngư 951 của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm. Bình thường, tàu Việt Nam chỉ vào cách giàn khoan HD - 981 khoảng 12 hải lý là bên phía Trung Quốc cho tàu ra truy đuổi. Hôm ấy, tàu CSB 4033 và tàu kiểm ngư nhận lệnh tiếp tục tiến sâu hơn nữa. Và khi cách giàn khoan khoảng 8 hải lý thì tàu Trung Quốc lao ra truy đuổi và xảy ra đụng độ. Anh đã tường thuật một cách ngắn gọn nhưng chi tiết, truyền tải đầy đủ thông tin về cho đồng nghiệp thu và phát luôn trong chương trình thời sự 18h ngày hôm đó.

Sự kiện ấy chỉ có VOV đưa tin trực tiếp từ hiện trường. Giọng nói khỏe khoắn, đĩnh đạc cùng những chứng lý thuyết phục của phóng viên Việt Cường từ hiện trường giúp đồng bào cả nước, kiều bào ở nước ngoài và nhiều nước trên thế giới biết rõ hành động hung hãn, trái luật pháp của Trung Quốc.

Phóng viên điểm nóng: Sẵn sàng dấn thân để hoàn thành nhiệm vụ - ảnh 6

Cho đến tận bây giờ, nhà báo Việt Cường vẫn nhớ như in cảm giác lâng lâng khó tả khi đặt chân lên đất liền sau nhiều ngày lênh đênh trên biển.

“Tôi chạy một vòng quanh đảo Lý Sơn khi tàu quay về đây nhận tiếp tế lương thực. Chạy cho đã đời, cho thỏa “cơn khát” đất liền. Trải nghiệm này đối với tôi thật đáng quý mà có lẽ tôi không bao giờ có được lần thứ hai. Hơn bao giờ hết, tôi cảm nhận rất rõ nhiệm vụ giữ từng tấc đất của Tổ quốc thiêng liêng vô cùng”, nhà báo Việt Cường chia sẻ.

TIẾP CẬN "ĐẠI BẢN DOANH" LÀN SÓNG DỊCH COVID-19 LẦN THỨ TƯ

Không chỉ có mặt nơi bão lũ, biên giới biển đảo, phóng viên VOV còn có mặt tại tâm dịch Covid-19. Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư vừa qua, tỉnh Bắc Giang trở thành tâm dịch, Ban Văn hóa - Xã hội (VOV2) đã cử một ê-kíp tác nghiệp tại đây.

Chia sẻ cảm nhận trong những ngày tác nghiệp tại tâm dịch, Kiều Thanh Phượng, phóng viên Phòng Y tế cho biết: “Ngày 18/5, lần đầu tiên chúng tôi đặt chân đến tâm dịch Bắc Giang, thời điểm này, số ca nhiễm của Bắc Giang đã lên đến 600 ca. Và “vết loang” Covid-19 đang lan rất nhanh trong các khu công nghiệp (KCN), đặc biệt tại Công ty Hosiden - thuộc KCN Quang Châu, nơi chúng tôi đặt chân đến”.

Thời điểm nhóm phóng viên VOV2 vào tâm dịch Bắc Giang đúng lúc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh nhận định: Gần như toàn bộ số công nhân của xưởng 4 thuộc Công ty Hosiden đã nhiễm bệnh. Tỷ lệ dương tính với Covid-19 rất cao, cứ 100 người xét nghiệm có 40 người nhiễm. 

Một khu công nghiệp (KCN) sôi động bậc nhất phía Bắc với lượng hàng quán dày đặc phục vụ 90.000 công nhân của KCN Quang Châu suốt ngày và đêm, nhưng giờ trống trơn hết cả. Đó là sự khốc liệt mà “cơn sóng” Covid-19 quét qua đây khiến chị Phượng và các đồng nghiệp thấy rất buồn.

Trở đi trở lại Bắc Giang 3 lần vào những thời điểm khác nhau, đối với phóng viên Kiều Thanh Phượng, những giọt nước mắt, những dòng mồ hôi rơi giữa tâm dịch vẫn luôn là điều xúc động nhất.

Giọt nước mắt nghẹn ngào của chị Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quang Châu khi nói về đứa con nhỏ 9 tuổi ở nhà một mình cách trạm có mấy trăm mét, chồng lại đi làm ăn xa. Có bữa thằng bé phải ăn mì tôm sống vì không dám động vào nước nóng.

Phóng viên điểm nóng: Sẵn sàng dấn thân để hoàn thành nhiệm vụ - ảnh 7

Ánh mắt đỏ hoe của một người đàn ông đã luống tuổi tại Trạm y tế Quang Châu với đôi ủng õng nước vì mồ hôi của mình. Hình ảnh hộp cơm trưa của anh em nhân viên y tế, ăn nhiều nhất cũng chỉ vơi đi một nửa, còn lại bỏ dở vì thời tiết nắng nóng, mọi người làm việc mệt mỏi, gần như không ăn được gì, chỉ có uống nước…

“Có lúc tôi trộm nghĩ, không biết sau khi hết dịch có cơ hội gặp lại, chúng tôi có thể nhận ra nhau được không, bởi ai cũng trong bộ đồ bảo hộ kín mít. Tôi chỉ nhìn thấy ánh mắt của các anh chị qua lớp kính bảo hộ mà trên lớp kính ấy mồ hôi đọng thành giọt”, chị Phượng tâm sự.

“Hình ảnh 50 y bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ màu trắng làm việc dưới ánh đèn cao áp lấy mẫu xét nghiệm xuyên đêm. Tôi chưa bao giờ bắt gặp một hình ảnh đẹp như thế. Lúc đó, tôi đã ước, giá mình là nhiếp ảnh gia, tôi có thể thu vào ống kính những gì tôi đang được chứng kiến”, chị Phượng bồi hồi.

Lần thứ 3 tác nghiệp ở Bắc Giang, phải liên tục ở ngoài trời nắng từ 15 - 20 giờ trong bộ đồ bảo hộ, chị Phượng mới hiểu cái cảm giác được nằm lăn, ngồi phệt giữa trời thoải mái đến mức nào khi mà toàn bộ cơ thể mình rã rời, đau nhức và không còn chút sức lực.

*Không lúc nào chủ quan

Ngoài những người thân nhất trong gia đình và cơ quan, nhóm phóng viên không dám cho ai biết mình đi vào vùng dịch, bởi theo chị đây là một việc không nên “khoe”, vì nó khiến mọi người thêm hoang mang, sợ hãi. Mọi người lo lắng bởi nguy cơ lây nhiễm rất cao, nhất là đối với làn sóng dịch thứ tư này.

“Không dám chủ quan, tôi và các đồng nghiệp trong ê-kip sau mỗi lần từ vùng dịch về đều hạn chế tiếp xúc, đi lại. Chúng tôi đeo khẩu trang mọi nơi, mọi lúc. Có chị đồng nghiệp cùng ê-kip của tôi tâm sự là ở nhà, chị bố trí chỗ ngồi ăn riêng, ngủ riêng một phòng và khi ngủ cũng đeo khẩu trang. Còn tôi, tôi gửi con về quê 3 tuần rồi cũng không dám về thăm cháu”, chị Phượng tâm sự.

“Chúng tôi luôn cố gắng hết sức để đề phòng lây nhiễm khi đi làm. Thế nhưng, trong thâm tâm tôi luôn hiểu rằng, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Và nếu điều đó đến, chúng tôi buộc phải chấp nhận”, chị Phượng chia sẻ.

* Quên cả ăn uống để hoàn thành nhiệm vụ

Là một phóng viên trẻ năng nổ, Nguyễn Văn Ngân Báo Điện tử VOV (VOV.VN) thường xuyên tham gia đưa tin về các sự kiện nóng như cháy nổ, dịch bệnh… Với Ngân, việc bất ngờ được điều động hay cuộc gọi lúc nửa đêm làm tin nóng là bình thường.

“Em còn trẻ vì thế xách ba lô lên và đi chính là được học hỏi. Những sự kiện nóng, cần đưa tin nhanh kịp thời mà lãnh đạo giao em luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất. Em không nghĩ việc đó là khó khăn, mà đó chính là sự rèn luyện và môi trường tốt để phóng viên trẻ tụi em được thỏa sức đam mê”, Văn Ngân cười chia sẻ.

“Phóng viên điểm nóng” – cách gọi của đồng nghiệp dành cho Văn Ngân. Sự kiện gây ấn tượng nhất với Văn Ngân là chuyến đi tác nghiệp tại tâm dịch Covid-19 ở xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc).

Thời điểm đó, tâm dịch Sơn Lôi được cả nước chú ý bởi ổ dịch này lớn nhất từ khi xuất hiện tại Việt Nam. Cả xã Sơn Lôi bị phong tỏa, nội bất xuất, ngoại bất nhập trong suốt 21 ngày ròng rã với mọi sinh hoạt nếp sống thường ngày bị đảo lộn hoàn toàn.

Phóng viên điểm nóng: Sẵn sàng dấn thân để hoàn thành nhiệm vụ - ảnh 8
Phóng viên Văn Ngân

“Đợt dịch tại xã Sơn Lôi là một trong những điểm dịch lớn nhất tại thời điểm đó. Khi nhận nhiệm vụ đến hiện trường để đưa tin tức, em có chút lo lắng, vì dịch Covid-19 không bỏ qua bất cứ ai chủ quan. Song, xác định hàng nghìn độc giả của VOV.VN đang chờ đón thông tin, chúng em quyết tâm lên đường với đầy đủ trang thiết bị chống dịch. Bác sĩ, y tá có gì, tụi em có cái đó, từ quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế đến sát khuẩn chuyên dụng…”, Văn Ngân kể.

Đúng 24h đêm 3/3/2020 chính thức dỡ bỏ phong tỏa tại xã Sơn Lôi, người dân cả nước đều quan tâm, mong chờ thời khắc dỡ bỏ phong tỏa. Văn Ngân hôm đó đã tác nghiệp liên tục cả ngày đêm để cập nhật thông tin lên trang báo VOV.VN.

“Tác nghiệp bên trong khu cách ly, hàng quán không có, chúng tôi làm việc liên tục để gửi đến độc giả, nhiều khi quên cả giờ ăn. Đói quá ăn tạm cái bánh mỳ không và chai nước lọc được chuẩn bị trong balo. Về tới Hà Nội cũng 3h sáng. Tôi chỉ kịp úp tạm gói mì ăn chống đói và tiếp tục viết tin, bài đăng phát sớm nhất”, Ngân kể.

Như lời chia sẻ của nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN về câu chuyện làm báo của nhà Đài: “Nghề báo không phải nghề mang lại sự giàu sang. Nếu chọn nghề báo để làm giàu thì có lẽ ai đó đã chọn sai. Chọn nghề báo là chọn sự dấn thân và phụng sự. Nếu làm báo đúng nghĩa của một nhà báo chân chính thì nghề báo là nghề vinh quang, được xã hội nể trọng, công chúng tin yêu”./.

Phóng viên điểm nóng: Sẵn sàng dấn thân để hoàn thành nhiệm vụ - ảnh 9


Feedback