Những năm qua, diện mạo Hà Nội có nhiều thay đổi với hàng loạt công trình, hạ tầng quy mô và tầm cỡ. Những công trình giao thông, đô thị hiện đại được xây dựng giúp thành phố chuyển mình mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hà Nội hiện có 9 cầu qua sông Hồng, gồm: cầu Long Biên, Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Trung Hà và Văn Lang. Trong đó, cầu Vĩnh Tuy nối quận Hai Bà Trưng và quận Long Biên là cây cầu có chiều rộng mặt cắt ngang lớn nhất với 8 làn ô tô (40 m), chiều dài tuyến khoảng 3,5 km. Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó cầu Vĩnh Tuy 1 hoàn thành năm 2010 và giai đoạn 2 khánh thành năm 2023. Cách đây gần 10 năm, cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng được khánh thành và đưa vào sử dụng. Cây cầu và đường dẫn có tổng chiều dài 8,93 km. Phần cầu chính rộng 33,2 m với 8 làn xe chạy. Kết cấu nhịp của cầu chính theo dạng cầu dây văng nhiều nhịp với 5 trụ tháp hình thoi. Dự án không chỉ có ý nghĩa lớn về kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng. Cây cầu giúp kết nối trung tâm thành phố với các khu công nghiệp ở phía Bắc đồng thời hoàn thiện tuyến đường vành đai 2 và rút ngắn khoảng cách đến Sân bay Quốc tế Nội Bài. Đường Võ Nguyên Giáp dài 12,1 km, được tổ chức thông xe cùng thời điểm với công trình cầu Nhật Tân. Với vận tốc tối đa 90 km/h, 10 làn xe chạy hai chiều, đường Võ Nguyên Giáp đã giúp giảm thời gian từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội chỉ còn 30 phút. Đại lộ Thăng Long được khởi công xây dựng ngày 20/3/2005 và khánh thành ngày 3/10/2010, nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Công trình có điểm đầu giao cắt đường Vành đai 3 trước Trung tâm Hội nghị Quốc gia, điểm cuối là nút giao Hòa Lạc giao cắt với Quốc lộ 21 - đường Hồ Chí Minh. Với chiều dài toàn tuyến 29,264 km, bề rộng mặt cắt ngang 140 m, Thăng Long được xem là đại lộ dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam. Ngày 21/10/2012, đường Vành đai 3 trên cao được thông xe. Thời điểm đó, công trình nhận được sự quan tâm của người dân Hà Nội khi lần đầu cả nước có tuyến vành đai trên cao. Đường có 4 làn cao tốc, 2 làn dừng khẩn cấp. Tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng. Dự án đường Vành đai 2 trên cao được khởi công xây dựng từ năm 2018 và thông xe vào năm 2023, tổng vốn đầu tư gần 9.500 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Dự án đường Vành đai 2 trên cao, bắt đầu từ đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, bao gồm cả tuyến đường bộ trên cao và phần mở rộng bên dưới. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông vào vận hành (11/2021), khởi đầu cho kỷ nguyên mới của vận tải công cộng nhanh - khối lớn, hiện đại, văn minh, thân thiện với môi trường. Đến tháng 8/2024, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội bắt đầu chạy thương mại, sau 15 năm xây dựng. Tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội dài 12,5 km, có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Trong đó đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dài 8,5 km được vận hành chính thức từ đầu tháng 8 và đoạn đi ngầm tiếp tục thi công. Ngoài các công trình giao thông, nhiều dự án quy mô lớn cũng được Hà Nội đầu tư xây dựng. Những công trình này không chỉ tạo nên những tuyến phố cảnh quan kiến trúc hiện đại, điểm nhấn đô thị, mà còn trở thành động lực tăng trưởng kinh tế cho thành phố. Nằm ở phía Tây của Hà Nội (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm), tòa nhà Keangnam Hanoi là một khu phức hợp khách sạn, văn phòng, căn hộ, trung tâm thương mại lớn với 72 tầng. Với chiều cao 336 m, khi vừa hoàn thành, đây là tòa nhà cao thứ 17 trên thế giới. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một trong 6 bảo tàng quốc gia và là bảo tàng đứng đầu hệ thống các bảo tàng trong quân đội. Công trình có diện tích 38,6 ha tại quận Nam Từ Liêm, dự kiến sẽ mở cửa vào tháng 11/2024 và miễn phí vé trong 2 tháng. (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân) Cung Thiếu nhi Hà Nội vừa khánh thành vào ngày 21/9 vừa qua, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của nhiều bậc phụ huynh và các em nhỏ tại Thủ đô. Dự án có tổng diện tích gần 40.000 m2 bao gồm các hạng mục công như: Nhà hát 800 chỗ, rạp chiếu phim 200 chỗ, nhà thi đấu 500 chỗ, bể bơi 10 làn, nhà học và thư viện, tháp thiên văn... Công trình được đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu vui chơi, thi đấu thể thao, rèn luyện thể chất, giao lưu văn hoá văn nghệ của thiếu nhi, tạo môi trường thuận lợi phát triển tài năng tương lai của Hà Nội. Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình với điểm nhấn trung tâm là sân vận động hơn 4 vạn chỗ ngồi. Công trình được khánh thành năm 2003, khi đó xung quanh vẫn chủ yếu là đồng ruộng. Sau hơn 20 năm, quỹ đất quanh nơi này được thay bằng nhà cao tầng mọc lên san sát. Trụ sở Tập toàn Viettel tọa lạc tại khu D26 Khu đô thị mới Cầu Giấy được thiết kế bởi Công ty tư vấn thiết kế Gensler của Mỹ, khánh thành năm 2021. Tòa nhà lấy cảm hứng từ logo của Viettel với toàn bộ mái của công trình được phủ xanh, vuốt cong từ chân lên đỉnh mái. Bên trong trụ sở có sức chứa khoảng 1.000 người. Nói đến sự phát triển của Hà Nội những năm gần đây không thể không nhắc đến sự phát triển của các khu đô thị hiện đại như: Vinhomes Ocean Park Gia Lâm, Vinhomes Times City... Các công trình giao thông hiện đại, nhiều tòa nhà văn phòng, khách sạn và khu đô thị tầm cỡ được xây mới tạo nên điểm nhấn cho Hà Nội, đưa thành phố ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Từ khóa: VOV VOVworld VOV5 Feedback Submit Xem thêm