Gìn giữ nét đẹp truyền thống Tết Việt

Đức Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Với mục đích gìn giữ nét đẹp truyền thống Tết Việt, câu lạc bộ Đình làng Việt và hội Thanh niên phường Việt Hưng phối hợp tổ chức chương trình "Tết Việt 2019" tại đình làng Lệ Mật, quận Long Biên (Hà Nội). Chương trình tái hiện nét đẹp của Tết Việt như tục thờ cúng ông Công ông Táo, thả cá chép, dựng cây Nêu ngày tết, gói bánh Chưng...

Như thường lệ trong vài năm gần đây, chương trình Tết Việt của nhóm Đình Làng Việt là một sự kiện văn hóa nhằm tái hiện và gìn giữ nét đẹp truyền thống của Tết Việt.

Chương trình bao gồm nhiều hoạt động ý nghĩa, đậm chất truyền thống nhưng trong đời sống hiện đại cũng đã phần nào mai một như: trồng cây Nêu, luộc bánh chưng, thăm chợ quê, thưởng thức các loại hình diễn xướng dân gian... thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham dự.

Chương trình được diễn ra theo đúng những lễ nghi trong Tết Việt truyền thống, bao gồm phần Lễ và phần hội, tất cả đều diễn ra trong khuôn viên đình làng Lệ Mật. (trong ảnh là Lễ yết Thành hoàng)

Phần lễ được cử hành trước với những nghi thức như lễ cúng thành hoàng bản thổ, tổ tiên, cúng ông Công ông Táo.

Sau lễ cúng ông Công ông Táo là nghi thức thả cá chép. Theo quan niệm của người Việt Nam, cá chép sẽ chở ông Công ông Táo về chầu trời, trình báo về công việc một năm dưới hạ giới.

Cũng theo tục lệ, sau khi thả cá chép, tiễn ông Công ông Táo là nghi thức dựng cây Nêu, với ý nghĩa trừ ma quỷ, chuẩn bị đón năm mới bình an tốt lành.

Trên cây Nêu treo nhiều đồ vật mang ý nghĩa cầu bình an như khánh đất hình cá chép, đèn lồng truyền thống, lá lưỡi hổ, thiên tuế, gai bồ kết... và đặc biệt là tấm vải đỏ ước nguyện năm mới. Trong hình là tấm vải đỏ ghi bằng chữ Nôm: "Chúc Mừng Năm Mới".

Các thành viên ban tổ chức đang giới thiệu về ý nghĩa mỗi món đồ treo trên cây Nêu.

Là một trong những nghi lễ quan trọng của ngày Tết, nghi lễ dựng cây Nêu thu hút đông đảo sự quan tâm chú ý của người dân.

Theo quan niệm của người Việt, sau khi dựng cây Nêu xong, dưới gốc Nêu sẽ vẽ hình cung tên bằng vôi bột, đầu mũi tên hướng ra phía cửa để xua đuổi tà ma.

Dưới gốc Nêu đã dựng xong, phần hội của Tết chính thức được bắt đầu...

Lúc này, các bô lão trong làng nâng chén chúc tụng, ăn mừng nghi lễ đã diễn ra thuận lợi, báo hiệu một năm mới bình an đang về.

Phần hội diễn ra với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc như trình diễn hát Ca trù, chiếu Chèo sân đình, hát Xoan Phú Thọ... (trong ảnh là tiết mục hát Xoan Phú Thọ tại chương trình)

Cụ Hoàng Ngọc Dậu 90 tuổi, người làng Lệ mất đóng vai vị tướng nhà Lý trong điệu dân vũ Diệt Giảo Long thường được biểu diễn ở Hội làng.

Bên cạnh các tiết mục biểu diễn văn nghệ là các hoạt động thường thấy trọng Tết Việt như xin chữ đầu xuân, chợ Tết...

Đây cũng là dịp để giới thiệu cho các thế hệ trẻ về những loại hình tranh dân gian. (Trong ảnh là các em thiếu nhi đang được trải nghiệm cách vẽ tranh Kim Hoàng)

Một góc chợ quê với các món quà quê đặc trưng như: bánh đúc, bánh nếp, bỏng, bánh rán....

Một nghệ sĩ hát Xoan "nhí" được khán giả yêu cầu biểu diễn tại sân đình.

Du khách quốc tế thích thú chụp ảnh lưu niệm cùng cụ Hoàng Ngọc Dậu.

Tại sân đình, các em thiếu nhi và du khách được tham gia trải nghiệm gói bánh chưng.

Trong bộ trang phục áo dài truyền thống, anh Erik tới từ Mỹ đang có những trải nghiệm thú vị với chiếc bánh chưng tự làm.

Tối đến, khi nồi bánh chưng được bắc lên bếp lửa hồng, những người tham dự lại cùng nhau quây quần sưởi ấm, nướng ngô, khoai... trông bánh chưng bên nhau...

Một số gia đình còn mang theo cả lều trại, sẵn sàng trông bánh chưng suốt đêm.

Tại sân đình, những nghệ sĩ lại cùng khán giả ngâm thơ, hát xẩm... giới thiệu tới du khách những nét đẹp trong Tết Việt truyền thống.

Với mục đích bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa của Tết Việt truyền thống. Chương trình "Tết Việt 2019" giúp du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là giới trẻ, hiểu và yêu hơn giá trị di sản cha ông để lại, từ đó có ý thức trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị quý báu của Tết Việt và truyền thống dân tộc.

Feedback