Hang Tám Cô thuộc địa phận xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cách thành phố Đồng Hới 55km về hướng Tây Bắc, là địa danh lịch sử nổi tiếng, nơi 8 người thanh niên xung phong quê Thanh Hóa đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt.
|
Sự hy sinh anh dũng của tám TNXP đang độ tuổi đôi mươi tại hang đá này đã trở thành biểu tượng cao cả cho lòng yêu nước.
|
Ngày nay, hang “ Tám Cô” là điểm du lịch tâm linh thu hút nhiều khách du lịch thập phương.
|
Du khách đến Quảng Trị, thường dừng chân bên cầu Hiền Lương bắc ngang dòng Bến Hải - biểu tượng của sự chia cắt đất nước một thời.
|
Những ngày cuối tháng Tư, người dân khắp mọi miền Tổ quốc tìm về với nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (Quảng Trị) để dâng nén hương tri ân, tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ.
|
Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn có tổng diện tích 140.000m2. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi an nghỉ đời đời của 10.333 chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước.
|
Tượng đài các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9.
|
Với diện tích 15ha, Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn 10600 anh hùng, liệt sĩ và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Quảng Trị và đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
|
Hoa Đại được trồng nhiều ở Nghĩa trang liệt sỹ đường 9.
|
Thành cổ Quảng Trị nằm ngay trung tâm thị xã Quảng Trị cách quốc lộ 1A chừng 2km về phía Ðông. Thành cổ Quảng Trị là một công trình thành lũy quân sự và là lỵ sở cai trị của Nhà Nguyễn trên địa hạt Quảng Trị.
|
Trong cuộc tổng tấn công giải phóng Quảng Trị năm 1972, Thành cổ là nơi được cả thế giới biết đến bởi những chiến công hiển hách, những tấm gương hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu bảo vệ thị xã Quảng Trị 81 ngày đêm lịch sử.
|
Trung tâm của Thành cổ Quảng Trị là Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ được xây dựng mô phỏng là ngôi mộ tập thể. Công trình được thiết kế theo quan niệm triết lý âm dương mang ý nghĩa sâu sắc là để siêu thoát cho linh hồn các liệt sĩ.
|
Phút trầm tư của du khách nước ngoài khi đến thăm Thành cổ Quảng Trị.
|
Bước chân vào phía trong, bài thơ của cựu chiến binh Phạm Đình Lân, là người trực tiếp cầm súng trong chiến trường Thành Cổ viết cho đồng đội khi thăm lại chiến trường xưa khiến ai cũng nghẹn ngào: Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/Ru mãi bài ca Bất tử đến vô cùng.
|
Trong khuôn viên Thành cổ được trồng nhiều cây xanh, trên các thảm cỏ trưng bày nhiều tượng đài ca ngợi sự hy sinh oanh liệt của bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống ở Thành cổ.
|
Khách tham quan bảo tàng trong thành cổ Quảng Trị.
|