Chuyện tình Khau Vai-Trăm năm ngàn năm khắc vào đá núi

Nhà văn Hoài Hương
Chia sẻ
(VOV5) -Lật giở từng trang tiểu thuyết “Chuyện tình Khau Vai” trong những ngày xuân, như sống trong không gian cao nguyên đá Mèo Vạc, rung cảm thổn thức với mối tình nàng Út chàng Ba.

“…Người yêu ơi, hẳn không quên

Chiều nay đá núi, hoa rừng bên nhau

Cuộc đời hạnh phúc, buồn đau

Khau Vai đến hẹn tìm nhau Chợ Tình”.

Mở đầu tiểu thuyết “Chuyện tình Khau Vai”- Nguyễn Thế Kỷ, NXB Văn học- Nhà sách Liên Việt, là hai chương mở - đóng câu chuyện tình huyền thoại ngàn năm trăm năm của miền cao nguyên đá Mèo Vạc Hà Giang với cùng một câu: “Nàng ấy đã bỏ đi”, đã làm cho người đọc từ tò mò đến ám ảnh không dứt về một tình yêu đầy trắc trở mà đẹp như thơ như nhạc.

Chuyện tình Khau Vai-Trăm năm ngàn năm khắc vào đá núi - ảnh 1

Theo huyền thoại, Chợ tình Khau Vai bắt nguồn từ câu chuyện tình từ thủa xa xưa, xưa như chính những hòn đá núi, có đôi trai tài gái sắc thuộc hai gia tộc lớn của miền rừng luôn mâu thuẫn sinh ra hận thù với nhau, và vì thế mà tình yêu của họ vấp phải rào đá chắn của luật bản, buộc họ phải chia ly trong suối nước mắt, trong mây ngàn trên những ngọn núi tai mèo…

Nhưng không gì có thể ngăn trái tim yêu của họ, đến chết vẫn vẹn nguyên mối tình son sắt, đôi trai gái đã thề bồi tái hợp kiếp sau, hẹn mỗi năm gặp nhau một lần vào đúng ngày ly biệt để được sống trong khoảnh khắc tình yêu bất tử… Người Khau Vai cảm thương và xem họ như biểu tượng của tình yêu thủy chung, lập đền thờ, Chợ tình có từ ngày đó, để những đôi trai gái yêu nhau mà không được bên nhau có một ngày kề cận thỏa tương tư thương nhớ…

Từ một huyền thoại mơ hồ, mờ nhân ảnh, như sương như khói miền đá cao nguyên Mèo Vạc, cảm xúc với câu chuyện tình yêu trắc trở mà thủy chung, mà bao đời sau vẫn vương vấn tương tư, trái tim thi nhân Nguyễn Thế Kỷ rung động, ông đã cảm tác câu chuyện thành thơ.

Rồi từ thơ, vẫn chưa thể diễn tả hết những tình cảm ông dành cho mối tình đẫm nước mắt nhưng đẹp như sợi dây tơ hồng nối dài hàng bao đời không dứt, ông đã phát triển thành kịch thơ, để thêm một lần câu chuyện tình lung linh trên thánh đường sân khấu cải lương…

Chuyện tình Khau Vai-Trăm năm ngàn năm khắc vào đá núi - ảnh 2 Chuyện tình Khau Vai phiên bản sân khấu cải lương.

Nhưng hình như vẫn cảm thấy chưa thỏa, thi nhân Nguyễn Thế Kỷ quyết định phả vào câu chuyện thêm tình tiết, tạo lập lý lịch nhân thân cho nhân vật, cho xung quanh nhân vật chính nhiều nhân vật khác với các tính cách đa dạng, để như giải mã câu chuyện tình vì sao rơi vào bi kịch, vì sao trở thành huyền thoại miền cao nguyên đá, vì sao ngàn năm trăm năm sau vẫn làm cho thổn thức mọi trái tim.

Và tiểu thuyết “Chuyện tình Khau Vai”, như một tổng hòa vẻ đẹp của thơ, của nhạc thông qua ngôn từ biểu đạt, qua những hình ảnh như dệt gấm thêu hoa nơi miền cao nguyên đá, cho câu chuyện tình linh hoạt, nhiều màu sắc, nhiều âm thanh, nhiều hấp dẫn mê hoặc hơn, như tiếng nước nhỏ giọt trong động vắng nghe thánh thót, hay tiếng đá như cổ cầm ngân nga trầm đục vọng nơi núi sâu, hay tiếng khèn du dương như gió lướt trên đại ngàn…

Chuyện tình Khau Vai-Trăm năm ngàn năm khắc vào đá núi - ảnh 3

Nhân vật chính, nàng Út, con gái Tộc trưởng, bao nhiêu vẻ đẹp của rừng của núi hòa trộn để cho nàng một nhan sắc diễm lệ như đóa hoa đẹp nhất miền cao nguyên đá “cứ cười một cái là ai nhìn thấy cũng bị chói mắt, muốn rụng cả tim”, nhưng lại phải chịu những đọa đầy vùi dập bất hạnh…

Nàng có tình yêu trong sáng với một chàng trai tên Ba đẹp như cây rừng, mạnh mẽ như đá núi, “Đôi mắt to, sâu, đen thẫm, với hàng mi dầy, và cặp lông mày cũng đen nhánh…, gương mặt cương nghị, rắn rỏi, tự trọng…, có một cái lưng thật rộng để cõng nàng, một cái vai thật chắc để nàng tựa đầu, hai cánh tay thật dài để ôm khít lấy nàng”.

Nhưng tình yêu bị ngăn cấm, và khi họ dũng cảm để vượt qua những rào cản luật bản, để được sống bên nhau trong tình yêu, thì cũng là khi vì họ mà cả hai tộc người xảy ra chiến loạn, gia đình nàng Út tan tác, mẹ chàng Ba khắc khoải cô đơn đợi con trong tuyệt vọng…

Để mang lại bình yên cho mọi người, để vui lòng mẹ, nàng Út chàng Ba đành nuốt nước mắt, chấp nhận trái tim rỉ máu, chia ly, rồi nàng bị ép lấy kẻ hầu của nhà mình, một tên gia nô thô kệch, phản chủ, một tên Cố Sầu thô bạo không biết thương hoa tiếc ngọc. Nàng bị hủy hoại cả thân xác và trái tim..

Còn chàng Ba, vì cái nghèo, vì những luật bản nghiệt nghã nên không thể giữ quyền được yêu, được hạnh phúc, với chàng, ngày chia ly là lúc “Nàng ấy đã mang đi của Ba trái tim và linh hồn”. Chàng cũng bị nỗi đau mất người yêu làm trái tim ngày nào cũng như bị xé nát suốt cuộc đời,“Trong giấc ngủ, nước mắt ở đâu chảy tràn ra khỏi mi mắt…”

Chuyện tình Khau Vai-Trăm năm ngàn năm khắc vào đá núi - ảnh 4

Có lẽ họ còn sống được là nhờ vào niềm an ủi, sẽ được gặp nhau mỗi năm một lần như lời hẹn thề trên đỉnh Khau Vai linh thiêng. Và đây chính là vẻ đẹp ẩn chứa trong bi kịch tình yêu, làm cho bi kịch không là bi lụy, mà trở thành một biểu tượng thủy chung của tình yêu trên cao nguyên đá.

Ngoài hai nhân vật chính, là những nhóm nhân vật phụ, cũng đầy trắc trở chông gai đắng đót trong tình yêu. Người mẹ của chàng Ba với mối tình trinh nguyên trong sáng với ông Tộc trưởng của bản bên, “yêu nhau như loài ong, quấn quýt, dữ dội ,quyết liệt”, nhưng rồi cũng vì những khắc nghiệt của luật bản mà họ bị chia cắt trong đau đớn, để rồi như trớ trêu của cao xanh, con trai bà chàng Ba yêu Nàng Út, con gái người Tộc trưởng khác dòng tộc kia.

Mẹ nàng Út tưởng chừng sống trong nhung lụa cao sang với ông chồng Tộc trưởng, nhưng cả đời “đồng sàng dị mộng”, “Bà không có cách nào bước chân qua cánh cửa tâm hồn ông…, Ông chưa bao giờ cười với bà”. Bà biết trái tim ông dành cho người đàn bà khác, nhưng phải giả câm giả điếc, dù khi nghĩ tới như “có một cái kim nhọn, bé tý, dài ngoằng, xuyên qua ngực, xiên thẳng vào tim bà”.

Ông Tộc trưởng đầy uy lực nhưng như vô hình “bao giờ cũng sống cô độc như sống một mình… Rời đi không được, cứ phải ở lại cho đến chết”. Quyền lực không mang lại tình yêu cho ông dù đã có một“mối tình giữ dội như sấm sét, tưởng như có thể đánh sập cả ngọn núi, vùi lấp cả vực sâu nếu như cần làm thế để ở được với nhau”. Quyền lực cũng không thể bảo vệ con gái khỏi sự hành hạ của kẻ bạo tàn.

Ngay cả những nhân vật “ngược tâm” như Cố Sầu, nàng Dẻn…, cũng là những bi kịch cuộc đời. Cố Sầu càng tàn độc với nàng Út, là càng chứng tỏ sự yếm thế của mình. Nàng Dẻn tỏ ra nhu mì cam chịu làm vợ chàng Ba, nhưng cả đời không bao giờ có được trái tìm của chàng.

Tất cả những bi kịch của các nhân vật ở hai tộc người Giáy- Nùng trong tiều thuyết “Chuyện tình Khau Vai” có thể nói chính là từ những cổ tục lệ bản lạc hậu ngự trị hàng trăm đời, đầy nhỏ nhen ích kỷ và cả sự tư ti, dẫn đến nỗi sợ hãi, khiến cho cả cuộc đời thành bi kịch do chính mình tạo nên.

Là một tiều thuyết bi kịch, nhưng “Chuyện tình Khau Vai” lại có một cái kết rất sáng, như tia nằng ban mai xuyên qua màn sương xám đá núi, rọi xuống những mảnh nương xanh mướt ngô, nhuộm sắc cho váy áo người Giáy người Nùng tươi sắc chàm sắc đỏ.

Và đẹp nhất là người đời sau, không chỉ ở cao nguyên đá mà còn tận miền xuôi, thậm chí còn lan xa bốn phương, có một Chợ Tình Khau Vai, một năm họp một lần vào ngày 27/3 âm lịch. Để đi “Chợ”, là được ngắm những hậu duệ nàng Út chàng Ba, cảm nhận về tình yêu bất tử thiêng liêng…

Tiều thuyết “Chuyện tình Khau Vai”, ngoài những cảm xúc có lúc tưởng chừng như cũng nghẹn ngào, thắt nghẹt tim đau ở những trang viết về mối tình của chàng Ba nàng Út, thì đây còn là một tiểu thuyết phảng phất chất du ký, dẫn dắt người đọc hiều biết thêm về phong tục, lễ nghi, văn hóa của những tộc người ở miền cao nguyên đá Mèo Vạc Hà Giang. Thêm nữa, còn là một chuyến du lịch khám phá non cao đại ngàn đấy hấp dẫn và quyến rũ, một di sản công viên địa chất toàn cầu được UNESCO phong danh,  

Thi nhân Nguyễn Thế Kỷ với tiều thuyết đầu tay “Chuyện tình Khau Vai” đã thành công trong việc tạo sự rung động đến người đọc. Một cách “kể” không cầu kỳ trong cấu trúc, không có sự đánh đố người đọc bằng cách giấu chi tiết để tạo kịch tính hay tạo những không gian ngược thời gian phức tạp, rất mạch lạc trong sắp xếp lớp lang những chi tiết.  

Đặc biệt cách xây dựng và phân tích tâm lý nhân vật khá thuyết phục, cho dù các nhân vật đều rơi vào bi kịch tình yêu, nhưng được “dựng” tính cách  độc đáo khác nhau. Ngôn ngữ trong tiểu thuyết cũng là một sự thú vị khám phá với rất nhiều ngôn từ dân tộc… Và tất cả tạo nên một tổng thể dẫn đến thành công trong tiều thuyết này.

Mùa xuân mới đang chạm vào từng ngôi nhà, từng ánh mắt nụ cười mọi người. Và “đến hẹn lại lên”, phiên “Chợ tình Khau Vai” đang đợi chờ những mối tình khắc cốt ghi tâm, tạc vào đá núi trăm năm ngàn năm… Lật giở từng trang tiểu thuyết “Chuyện tình Khau Vai” trong những ngày xuân, như sống trong không gian cao nguyên đá Mèo Vạc, rung cảm thổn thức với mối tình nàng Út chàng Ba, đã trở thành huyền thoại tình yêu bất tử./.

Feedback