Với những giá trị tổng hợp về kiến trúc và lễ hội, ngày 25/6/2018 đình Chèm nhận bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt của Chính phủ với những giá trị về kiến trúc, văn hóa. Trước đó, ngày 17 tháng 6 năm 2016 Lễ hội Đình Chèm được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Như vậy, về di tích và lễ hội, đình Chèm đều được nhìn nhận và đánh giá “đặc biệt” cấp quốc gia mà ít ngôi đình làng nào hội tụ được
Đình Chèm năm 1930 qua tư liệu của Pháp. |
Đình Chèm năm 2018. Gần như kiến trúc đình còn nguyên vẹn. |
Đình Chèm tọa lạc tại phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Đây là ngôi đình nằm sát bên bờ đê sông Hồng với vị trí đẹp và theo đúng lý thuyết phong thủy của phương Đông: nhìn sông, dựa núi. |
PGS.TS Trang Thanh Hiền cho rằng, “đình Chèm ngày nay được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, tiền nhị hậu công với đa dạng các hạng mục công trình, tạo nên một quy mô bề thế. Bắt đầu là bốn trụ biểu đắp long, ly, quy, phụng, được dựng sát bờ sông, được xem là nghi môn ngoại của đình. Tiếp đến là nghi môn nội, thường được gọi là Tàu Tượng, là một tòa ba gian hai chái, mở ba cửa lớn. Hai bên đặt ông quản tượng cưỡi voi, và ngựa chiến của đức thánh. Theo ghi chép trên thượng lương thì nghi môn được trùng tu năm Cảnh Hưng 34 (1773).(1). Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, nghi môn ngoại và nghi môn nội vẫn giữ nguyên dáng vẻ. Dù nghi môn ngoại với 4 trụ biểu tương đối lớn, khá lệch về kích thước trung bình so với nghi môn nội nhưng lại vẫn hài hòa. Đôi câu đối trên trụ biểu có nội dung:
“Hoa di vọng biểu cao, đế khuyết do nghi đồng hữu ảnh/Miếu mạo nguy sơn trĩ, Phật tan tự tín thủy vô ba. Dịch nghĩa: Hoa Di trông cột trụ biểu cao, cung vua còn tưởng như thấy bóng tượng đồng/Đền miếu cao như núi lớn, bến phật tự ấy tin rằng không con sóng cả” (2).
4 trụ biểu tam quan ngoại làm uy nghi thêm ngôi đình. |
Đình Chèm không có 1 phương đình như các ngôi đình khác, mà ngoài phương đình ở chính giữa, còn có 2 nhà bia ở hai bên có kết cấu dạng hình vuông nên được gọi là tiểu phương đình. 2 tiểu phương đình này ngoài chức năng là nhà bia thì vào dịp lễ hội, người ta căng nhiễu, vải đỏ kín để để rước tượng đức thánh ông và đức thánh bà ra làm lễ mộc dục. “Không chỉ tòa phương đình được dựng theo kiểu thức chồng diêm hai tầng tám mái, mang biểu tượng lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, mà hai tiểu phương đình hai bên cũng chính là thể thức kiến trúc nhấn mạnh thêm cho ý nghĩa này”
Quang cảnh một buổi thực hiện nghi lễ mộc dục tại tiểu phương đình năm 2018
|
Phương đình và tiểu phương đình đình Chèm tạo nên sự hài hòa và độc đáo của ngôi đình. |
Bái đường và trung đường có kết cấu hình chữ nhị được nối liền nhau. Từ bái đường đến hậu cung tạo thành kiểu kiến trúc thống nhất, từ ngoài vào trong.
Ở Bái Đường, đình Chèm có hệ thống hoành phi câu đối cổ, nội dung phong phú, đa dạng, chữ viết đẹp như các bức hoành phi: Càn khôn chung tú (Trời đất hun đúc tinh anh), Nhật nguyệt hợp minh (Cùng hợp ánh sáng vầng nhật nguyệt), Danh văn Nam Bắc (Tiếng lừng Nam- Bắc), Uy chấn Hoa di (Uy của Ngài) chấn động Hoa di.v.v.. Đặc biệt là bức hoành phi tại nhà đại bái: Càn khôn đoan nghê. ( Đầu mối càn khôn (đất trời)). Bức hoành phi có dòng lạc khoản: “Long phi Canh Thìn quý thu cát đán. Thiên triều Hậu tuyển Quân dân phủ Tiển Diệu Quang giai nam Trạch Huy, Chiếu Huy đồng kính thù.”. Các tác giả sách Di sản Hán Nôm đình Chèm dịch: “Ngày lành cuối thu Long Phi năm Canh Thìn (1820?/1880?). Thiên triều Hầu tuyển Quân dân phủ, Tẩy diệu quang giai nam: Trạch Huy, Chiếu Huy cùng kính dâng” (3). Trong đó “Tẩy diệu quang” được chú thích: “có thể là địa danh, hoặc tước hiệu. Tồn nghi”. Trao đổi với dịch giả Châu Hải Đường, người vừa hoàn thành công việc hiệu chỉnh bộ tiểu thuyết đồ sộ Đông Chu Liệt quốc, chúng tôi xin tạm đưa ra hướng giải quyết vấn đề còn tồn nghi này. Theo ông Châu Hải Đường, dòng lạc khoản nên dịch là: Hậu tuyển Quân dân phủ Tiển Diệu Quang người Thiên triều (nhà Thanh), cùng con trai là (Tiển) Trạch Huy, (Tiển) Chiếu Huy cùng kính tạ. Lưu ý chữ 洗 có âm đọc Tẩy nhưng ở đây là họ tên người, thì nó có âm đọc là Tiển. Tiển Diệu Quang là nhân danh.
Như vậy, cách giải thích Tiển Diệu Quang là họ - tên, nhân danh một người hoàn toàn có cơ sở.
Bức hoành phi Càn khôn đoan nghê và dòng lạc khoản có chữ Tiển Diệu Quang |
Nhà đại bái đình Chèm. |
Đình Chèm có nhiều mảng chạm độc đáo. Một bài thơ chữ Hán có tựa đề “Tứ linh thí (Thơ về tứ linh)” được nâng niu trong mây và phượng. Phía trên là hình ảnh một con rồng đang phun nước cho cá vượt vũ môn. Bài thơ có câu: Vật điềm lành thay nhau trở lại có tứ linh/ Đành nhờ việc điêu khắc để thể hiện rõ vẻ văn minh ấy. (…) Kính ngưỡng ân đức vô cùng phù trì/Lại nối lời chim âu chim le vịnh khúc thái bình . Giữ vững cơ đồ . (4)
Mảng chạm bài “Tứ linh thi”. |
Năm 1916, trước nguy cơ lụt lội, dân làng Chèm đã kiệu đình lên cao thêm 2.4m bằng phương pháp thủ công. Đây cũng là câu hỏi thú vị cho hậu thế; Bằng cách nào để kiệu được cả khối gỗ nặng và kết cấu chặc chễ với nhau như thế mà không ảnh hưởng đến công trình.
Dấu tích kiệu đình năm 1916 còn lưu nguyên trên tường ngôi đình. Những viên gạch cũ, vữa cũ có màu khác với viên gạch, vữa sau khi kiệu đình, dù sự kiện đã trải qua hơn 100 năm. |
Thụy Phương đình bi kí (Bia đình Thụy Phương) do tiến sĩ Nghiêm Xuân Quảng, soạn năm 1917 viết :
“Nước càng văn minh thì người càng biết yêu nước tổ, càng biết yêu nước tổ thì càng phải nhớ người xưa, nhớ sinh kính, kính sinh thờ; thờ phải có tượng, có đền. Người trước làm, người sau sửa, đều bởi phụng sùng bái anh hùng mà ra. Một nước thế các nước cũng đều thế. Nước ta trên dưới hơn bốn nghìn năm, đệ nhất anh hùng xuất hiện ra làm cho nòi giống mình vẻ vang, sử sách mình rõ ràng, không ai hơn Đức thánh Chèm.(…) ngài đẻ sinh nước ta mà công nghiệp ở cả nước Tàu, chẳng khác gì một ngôi sao mọc ở phương nam mà soi sáng phương bắc.(5)
Tưởng nhớ công ơn của đức Thánh Chèm, khoảng 6 đời trước, một người thợ mộc (là cụ ngoại của người trông nom đình hiện nay) đã dành hơn 3 năm, tự mua gỗ, tự đục, chạm hương án để cung tiến vào đình. |
Đến nay, có thể nói đó là một trong những hương án đình đẹp nhất, dù được làm vào thời Nguyễn. |
Lễ hội đình Chèm được tổ chức hàng năm vào 14 đến 16/5 âm lịch. Đây cũng là một lễ hội độc đáo của miền Bắc. (xem ảnh và video ở dưới)
Chú thích:
(1) UBND phường Thụy Phương: Di sản Hán Nôm đình Chèm. NXB Thế giới. HN 2015, trang 85.
(2) Di sản Hán Nôm đình Chèm, sách đã dẫn, trang 80
(3) Di sản Hán Nôm Đình Chèm, sách đã dẫn, trang 168
(4) Thụy Phương đình bi kí . Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội. Tổng tập văn khắc Hán Nôm..TS. Phạm Thùy Vinh chủ trì. NXB Hà Nội 2010. Trang 1128