Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số. Thời gian qua, Việt Nam đặc biệt quan tâm tới công tác chuyển đổi số, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Nhiều chương trình, giải pháp được đưa ra nhằm mục tiêu tìm kiếm và chia sẻ các giải pháp chuyển đổi số để giúp Việt Nam bứt phá, góp phần đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển thịnh vượng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cuối tháng 4/2022. Ảnh: VOV |
Hơn hai năm sau khi Thủ tướng phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã đạt được những kết quả bước đầu rất rõ ràng, đặc biệt là nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân không ngừng được nâng cao. Có thể thấy, công nghệ số đang lan tỏa và thâm nhập tới mọi hoạt động của đời sống kinh tế, xã hội của các địa phương, bộ, ngành và Chính phủ ở Việt Nam, tạo ra hiệu ứng lan tỏa tốt.
Ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ Thông tin và Truyền thông, khẳng định: “Về nhận thức chuyển đổi số phải thực hiện trong toàn dân và toàn diện. Chuyển đổi số không chỉ là công nghệ, chuyển đổi số không chỉ là vấn đề mua sắm thiết bị công nghệ, mà còn là về thể chế và chính sách, nhận thức và năng lực của tổ chức. Thành công của công tác chuyển đổi số, thì công nghệ chỉ đóng góp 20% còn 80% là phụ thuộc vào nhận thức và năng lực tổ chức triển khai. Chuyển đổi số quan trọng nhất là sự tham gia tất cả mọi người, mọi bộ phận trong tổ chức, mọi thành phần trong xã hội.”
Đóng góp của kinh tế số cho nền kinh tế ngày càng tăng. Số doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới tăng nhanh. Xã hội số, với trọng tâm là công dân số, được chú trọng phát triển. Đặc biệt, một số ứng dụng Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu của người dùng Việt Nam, được đông đảo người dân sử dụng.
Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, nhất là Bộ Thông tin Truyền thông. Gần 3 năm qua, với vai trò tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam, Bộ Thông tin Truyền thông không ngừng tìm kiếm các giải pháp, tạo ra sân chơi khơi dậy tiềm năng phát triển sản phẩm công nghệ số của các doanh nghiệp Việt như Giải thưởng Công nghệ số Make in Vietnam, hay Cuộc thi Tìm kiếm giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia (Việt Solutions).
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, phát động cuộc thi Việt Solution 2022. Ảnh: Thảo Anh |
Tại lễ phát động cuộc thi Việt Solution 2022 vừa diễn ra tháng 7/2022, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, khẳng định, các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam phải có niềm tin rằng mình là người có khả năng giải quyết tối ưu nhất các bài toán của Việt Nam và qua đó chiếm lĩnh được thị trường chuyển đổi số trong nước: “Một câu hỏi hay một bài toán đúng, thì có sức mạnh làm thay đổi thứ hạng của một quốc gia. Chuyển đổi số là công cuộc của toàn dân và chỉ thành công nếu toàn dân hưởng ứng tham gia. Việt Nam là một quốc gia có cộng đồng doanh nghiệp công nghệ đông đảo, năng động sáng tạo và có năng lực làm chủ công nghệ. Ước mơ của người làm công nghệ Việt Nam là đưa công nghệ đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống.
Cuộc thi Việt Solution chính là cơ hội lớn, để mang công nghệ số vào từng ngành, từng lĩnh vực. Thông qua cuộc thi Việt Solution, các bài toán và khách hàng tiềm năng đã được Ban tổ chức mang đến gần hơn với các doanh nghiệp công nghệ số. Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn các doanh nghiệp công nghệ số hãy coi đây là một cơ hội tốt, để tham gia xây dựng các giải pháp công nghệ của mình để giải quyết các nỗi đau của xã hội, từ đó tìm kiếm cơ hội phát triển cho chính doanh nghiệp.” - Ông Dũng khẳng định.
Tìm kiếm các bài toán chuyển đổi số Việt Nam ở các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp; Tìm kiếm cách làm mới xuất sắc cho các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng… Việt Nam có nhiều bài toán trong quá trình phát triển, với lợi thế am hiểu thị trường nội địa, am hiểu nhu cầu khách hàng, văn hóa bản địa, sẵn sàng phục vụ khi có nhu cầu và chủ động, sáng tạo, thiết kế, thay đổi các sản phẩm dịch vụ và giải pháp theo các nhu cầu riêng biệt của khách hàng, các doanh nghiệp công nghệ Việt đang có nhiều cơ hội để làm chủ bắt nhịp với các cường quốc trên thế giới trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ số mới, đưa Việt Nam sớm tự lập, tự cường và đây cũng chính là chìa khóa để Việt Nam vươn lên thứ bậc cao trong chuỗi giá trị, bắt kịp các nước phát triển.
Khẳng định chuyển đổi số gắn với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, gắn với phục hồi kinh tế nhanh và phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay, tại phiên họp lần 2 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cuối tháng 4/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các nhiệm vụ. Đó là: “Phải có tư duy đột phá với tầm nhìn chiến lược. Có cách làm phù hợp và bám sát thực tiễn. Phải đầu tư thích đáng cho hoàn thiện thể chế, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị. Phải thúc đẩy hợp tác công tư trong chuyển đổi số, nâng cao nhận thức, hành động quyết liệt. Tăng cường công tác truyền thông đối với mọi người, nhất là người dân và doanh nghiệp để tạo ra sự đồng thuận, hưởng ứng. Cùng với đó, tích cực hoàn thiện các cơ sở dữ liệu, triển khai chương trình phát triển công dân số, tích cực hợp tác hỗ trợ giữa các địa phương và hợp tác quốc tế rộng rãi.”
Thủ tướng cũng yếu cầu cần sớm xây dựng, hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương sớm triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số quốc gia cho giai đoạn mới, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số nhanh, bền vững, toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm. Nhanh chóng chuyển đổi số tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, sử dụng công nghệ số và dữ liệu số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hiện nay, Việt Nam lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày chuyển đổi số quốc gia với ba mục tiêu chính là: đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia; nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số. Có thể khẳng định, phong trào chuyển đổi số đang lan tỏa mạnh mẽ với các hiệu ứng tích cực. Việt Nam đang quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ để tạo bước đột phá, thúc đẩy chuyển đổi số toàn quốc trong giai đoạn mới.