Nông dân Hải Dương đẩy mạnh chuyển đổi số

Vũ Miền-Linh Giang-Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Chuyển đổi số trong nông nghiệp đang là hướng đi mạnh mẽ của Hải Dương để nâng cao giá trị nông sản.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nhiều năm gần đây, vải thiều là một trong những sản phẩm chủ lực của nông nghiệp Hải Dương. Nông dân Hải Dương đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, triển khai các mô hình trồng theo tiêu chuẩn Vietgap, Global Gap cho năng suất, chất lượng ngày càng vượt trội.

Đây là điều quyết định để đưa quả vải lên các sàn thương mại điện tử và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như nước Nhật Bản, Châu Âu... Chuyển đổi số trong nông nghiệp đang là hướng đi mạnh mẽ của Hải Dương để nâng cao giá trị nông sản.

Nông dân Hải Dương đẩy mạnh chuyển đổi số - ảnh 1Năm nay, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương triển khai mô hình gắn mã QR cho các vườn vải đảm bảo quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn Global Gap. Ảnh: VOV

Là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng chuyển đổi số và mang lại hiệu quả cao, thời gian qua nông sản huyện Thanh Hà đã nâng cao sản lượng nhờ chuyển đổi số trong sản xuất. Trước đây, người nông dân rất ngại việc chuyển đổi công nghệ số đối với nông sản vì thương lái vẫn đến mua, nhưng do dịch COVID-19 kéo dài, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn và nông dân bị thương lái ép giá, vì vậy họ đã thay đổi tư duy. Họ ngày càng chủ động trong sản xuất, tiêu thụ. Hơn nữa, ngày càng nhiều các hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia sản xuất nông sản theo chương trình OCOP, VietGap, GlobalGap... giúp nâng tầm thương hiệu và giảm giá thành. Hầu hết nông sản được thu mua tại ruộng và hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ.

Điển hình nhất là quả vải thiều Thanh Hà, nhiều năm gần đây đã xuất khẩu nên được nâng tầm giá trị. Với sự tham gia của các sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Sendo.vn, Voso.vn, Lazada.vn, bà con nông dân huyện Thanh Hà đã đưa vải thiều đặc sản Thanh Hà đến các tỉnh, thành phố trên cả nước và vươn ra được các thị trường kỹ tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Australia...

Vừa thu hoạch những sào vải cuối vụ, ông Nguyễn Văn Sung, xóm 4, thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tranh thủ tỉa lá, tạo tán cho cây để chuẩn bị bước vào vụ mùa mới. Vụ vải vừa qua, trên diện tích 1,4, gia đình ông Nguyễn Văn Sung thu lời trên 200 triệu đồng. Vừa chăm chút cho vườn cây, ông Nguyễn Văn Sung không quên ghi chép nhật ký chăm sóc trên phần mềm điện tử theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông: "Bây giờ thu hoạch xong là cắt tỉa, bấm cành. Khi nào mọc chồi non mà có triệu chứng sâu thì mới phun thuốc. Lúc nào vải ra hoa mới được bón lân đạm, vừa chống sương mà chống cả sâu. Quy trình chăm sóc là phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác tổ trưởng Quy trình sản xuất quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt  (VietGAP), Bộ các tiêu chuẩn quốc tế chứng nhận việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GlobalGAP). Bây giờ tất cả đều có trên điện thoại thông minh."

Năm nay, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương triển khai mô hình gắn mã QR cho các vườn vải đảm bảo quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn Global Gap. 77 hộ dân tại tổ sản xuất số 10 do ông Phạm Văn Giang làm tổ trưởng. Khi bà con chưa quen với cách làm mới, ông Phạm Văn Giang đi từng vườn để hướng dẫn người dân tuân thủ các quy định chăm sóc, nhất là sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đúng thuốc, đúng nồng độ và đúng thời gian: "Người nông dân không phải ai cũng có điện thoại thông minh và cũng toàn người cao tuổi. Chúng tôi mong là sẽ được tập huấn, hướng dẫn nhiều hơn để làm quen dần. Năm nay mới có tổ số 10 được gắn mã QR nhưng chủ trương của Bộ và của tỉnh Hải Dương là sang năm sẽ gắn tất cả với những hộ gia đình trồng vải theo mô hình Global Gap để tất cả quả vải đều được truy xuất nguồn gốc, được xuất đi nước ngoài."

Nông dân Hải Dương đẩy mạnh chuyển đổi số - ảnh 2Vải thiều Thanh Hà, Hải Dương, năm nay có chất lượng vượt trội, được mùa và được giá. Ảnh: VOV

Gắn tem, mác truy xuất nguồn gốc bằng mã QR là công nghệ rất mới được ứng dụng vào những vườn vải. Việc này, giúp vải Thanh Hà, Hải Dương tiêu thụ tốt hơn khi xuất hiện trên sàn thương mại điện tử. Trong khi đó, ngoài sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, các công ty thu mua, chế biến nông sản xuất khẩu cũng đầu tư các thiết bị thông minh để giám sát quy trình chăm sóc vùng nguyên liệu tập trung.

Bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi có phần mềm riêng quản lý vùng nguyên liệu trong đó định vị cả vị trí vườn vải, cập nhật quá trình người dân trồng, chắm sóc, bón phân, phun thuốc. Ngoài ra thì Amei cũng có phần mềm riêng về truy xuất nguồn gốc. Chúng tôi phải ứng dụng rất nhiều công nghệ thông tin để gắn kết với bà con và cùng chính quyền địa phương quản lý vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn có thể xuất khẩu sang các thị trường cao cấp."

Nông dân Hải Dương đẩy mạnh chuyển đổi số - ảnh 3Vải thiều Thanh Hà, Hải Dương. Ảnh: baochinhphu.vn

Việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử đã giúp tỉnh Hải Dương tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm đặc sản của các địa phương. Đồng thời, góp phần kết nối với các chuỗi cung ứng, đảm bảo hậu cần kho bãi để phục vụ kinh doanh thương mại điện tử, qua đó khai thác tối đa tiềm năng phát triển nông nghiệp và nâng cao giá trị sản xuất cho ngành nông nghiệp Hải Dương.  Việc ứng dụng chuyển đổi số là đem lại lợi ích cho người nông dân, từ người sản xuất đưa đến người tiêu dùng. Cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt đồng bộ của các sở ngành và các cấp, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống truyền thông ủng hộ giải pháp thay thế ghi chép nhật ký giấy thủ công thành nhật ký điện tử, sản phẩm có dán tem xác thực chất lượng quản lý tới tận hộ, các nhãn hàng bán trên sàn thương mại điện tử, siêu thị có tem xác thực chất lượng, để người tiêu dùng có thể kiểm chứng chất lượng, quá trình sản xuất theo thời gian thực.

Những thay đổi về cách thức trồng cùng nhiều phương thức quảng bá, xúc tiến đã giúp vải thiều Việt Nam có mặt tại 30 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới. Riêng vải thiều Hải Dương đã góp mặt tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Australia, Liên minh Châu Âu (EU), Singapore, các quốc gia khu vực Đông Nam Á và gần một nửa sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc. Xuất khẩu sang thị trường khó tính, phấn đấu đưa ngành nông nghiệp Hải Dương trở thành ngành nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ là mục tiêu của tỉnh Hải Dương trong thời gian tới.

Ông Vũ Việt Anh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, cho biết: "Mục tiêu là phải tiêu chuẩn hóa sản phẩm liên quan tới chất lượng sản phẩm. Huyện Thanh Hà nhận thức sâu sắc điều này đặc biệt là hiện nay UBND tỉnh Hải Dương đã có đề án phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung công nghệ cao - hữu cơ giai đoạn 2021-2025 và định hướng tới 2030. Trong đó đề án có nhiều cơ chế chính sách. Và chúng tôi tiếp tục đề xuất triển khai với vải thiều. Ngoài chính sách của tỉnh, huyện Thanh Hà cũng cố gắng có cơ chế để mở rộng diện tích vải thiều chất lượng nhất là chỉ đạo các cơ quan chức năng giám sát quy trình trong đảm bảo chất lượng để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu."

Vụ vải năm nay, toàn tỉnh Hải Dương đạt sản lượng hơn 61.500 tấn, trong đó có 10% sản lượng xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Nhật Bản, Châu Âu. Dù sản lượng xuất khẩu còn khiêm tốn nhưng có ý nghĩa to lớn, tạo tiền đề phát triển thị trường cho ngành nông nghiệp địa phương. Đặc biệt hơn, những giá trị này thể hiện rõ việc thay đổi tư duy, nhận thức của người trồng vải từ  “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, tích hợp “đa giá trị” trên một mẫu đất canh tác khi ứng dụng các công nghệ số. Đó cũng là cách nhân thêm giá trị nông sản khi người nông dân sản xuất ra những sản phẩm an toàn trên mảnh đất quê hương

Feedback