Huế S: nền tảng dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế

Chia sẻ
(VOV5) - Tỉnh Thừa thiên Huế đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt tỷ lệ 50% người dùng thiết bị di động được tiếp cận với các dịch vụ chính quyền điện tử.
“Nền tảng dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (Hue-S)” giành  Giải thưởng Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam năm ngoái ở Top 10 Hạng mục Sản phẩm số xuất sắc cho Xã hội số. Hue - S là sản phẩm điển hình trong việc xây dựng chính quyền thân thiện, hiện đại.
Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
Hue - S là  ứng dụng được xây dựng theo hướng super app trên nền tảng di động. Trên Hue - S vừa có các dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp, vừa ứng dụng chính quyền số phục vụ công tác chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh. Tất cả được xây dựng trên nền tảng công nghệ số hiện đại và tiện ích, dễ sử dụng.
Huế S: nền tảng dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế - ảnh 1Hue-S đã được xác định là nền tảng số đặc thù thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: ict.vietnam.vn 

Ông Bùi Hoàng Minh, Giám đốc trung tâm giám sát và điều hành đô thị thông minh, cho biết: Để triển khai các dịch vụ đô thị thông minh, trung tâm phải nghiên cứu và áp dụng rất nhiều giải pháp công nghệ có trong ứng dụng Hue - S để phân tích cũng như phục vụ các bài toán quản lý. Việc áp dụng các giải pháp AI, trợ lý ảo, chatbox, các giải pháp cho các hệ thống được triển khai tại Trung tâm, đặc biệt thông qua các giải pháp công nghệ mới, hệ thống sẽ tự động phát hiện các vấn đề vi phạm để chuyển tải cho các cơ quan địa phương xử lý. Đây là ứng dụng rất hiệu quả trong thời gian qua.

Ấn tượng đầu tiên của Hue - S, đó là tiếp nhận phản ánh của người dân về những tồn tại, bức xúc trong cuộc sống thường nhật; xử lý và trả lời các phản ánh trên nền tảng số bằng cách phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm, kịp thời các vụ việc:

(“Chào chị, tôi gọi từ tổng đài Hue – S. Bên trung tâm có nhận được kết quả trả lời của đơn vị mình, tuy nhiên ở trong đó có 1 phần nội dung là công an xã đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính nhưng đơn vị mình chưa đính kèm. Cái này bên chị sẽ kiểm tra lại và đính kèm giúp tôi để tôi trả kết quả cho người dân.”)

Huế S: nền tảng dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế - ảnh 2Đại diện Ban tổ chức, Ban giám khảo trao giải thưởng cho đại diện đơn vị quản lý và vận hành nền tảng Hue-S. Ảnh: vietnamnet.vn 

Đến nay, đã có trên 80.000 phản ánh được tiếp nhận xử lý, 230 đơn vị tham gia vào hệ thống, tỷ lệ đánh giá hài lòng đạt gần 80%. Khi người dân chụp ảnh, thu âm, quay phim trên điện thoại di động rồi phản ánh lên Hue - S, đội ngũ nhân viên ở đây sẽ tiếp nhận xử lý.                      

(“Chào anh. Anh có gửi phản ánh đến Trung tâm, bây giờ anh có thời gian không? Cho tôi xin vài phút để trao đổi thông tin./.

- Ở đây, mình có phản ánh đến Trung tâm là vào lúc 20h15 phút tại ngã tư Bà Triệu - Nguyễn Công Trứ có người đi xe máy ngang nhiên đánh người. Vậy anh có clip ghi lại việc này không anh?”)

Nhờ ứng dụng Hue - S, thời gian giải quyết các vụ việc giảm đến 60% - 70%, có những lĩnh vực giảm đến hơn 90% thời gian so với trước đây. Qua đó đã giúp đưa ra một quy trình số trong giải quyết các vấn đề xã hội, thay vì phải thông qua các hình thức cũ, như: đơn thư, tường trình…
Huế S: nền tảng dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế - ảnh 3Đại diện Ban tổ chức, Ban giám khảo trao giải thưởng cho đại diện đơn vị quản lý và vận hành nền tảng Hue-S. Ảnh: vietnamnet.vn 

Ngoài ra, cài đặt Hue - S trên điện thoại thông minh, người dân còn có thể tiếp cận một cách công khai, minh bạch với những thông tin về quy hoạch đất đai, sự cố điện và an toàn điện, những thông tin về môi trường sống, chất lượng không khí, tình trạng giao thông trên mọi tuyến đường, tình trạng bạo lực khẩn cấp, thiên tai, những thông tin cảnh báo về dịch bệnh; góp phần quan trọng trong việc hình thành xã hội số trong lĩnh vực giáo dục, y tế, du lịch, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. 

Với sự tham gia của các doanh nghiệp, Hue - S còn là địa chỉ của nhiều dịch vụ xã hội tiện ích, như: dịch vụ điện, nước, đặt xe taxi trực tuyến, tra cứu các tuyến xe bus.

Với định hướng phát triển là một siêu ứng dụng trên nền tảng số mở, ông Bùi Hoàng Minh, Giám đốc trung tâm giám sát và điều hành đô thị thông minh, cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu các ứng dụng công nghệ mới để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ phản ánh, dịch vụ đô thị thông minh và đặc biệt, thường xuyên cập nhật Hue - S để đáp ứng kịp thời công nghệ mới. Ngoài ra, cũng sẽ liên thông với các hệ thống nền tảng số quốc gia để qua đó phát huy hơn nữa vai trò dịch vụ đô thị thông minh. Và trọng tâm trong thời gian tới là chúng tôi sẽ tích hợp các dịch vụ hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt, thông qua Hue - S, hướng đến mỗi người dân sẽ có 1 tài khoản số."

Là ứng dụng di động được xây dựng theo hướng siêu ứng dụng, Hue-S được đưa vào vận hành thí điểm từ tháng 6/2018 và hoạt động chính thức vào tháng 5/2019. Hue - S thiết lập được kênh kết nối thống nhất giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân với hàng chục dịch vụ đô thị thông minh. Sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, đến nay Hue - S đã thu hút hơn 900.000 lượt tải, trở thành một ứng dụng nền tảng số phổ biến với người dân tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Tỉnh Thừa thiên Huế đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt tỷ lệ 50% người dùng thiết bị di động được tiếp cận với các dịch vụ chính quyền điện tử, các dịch vụ thông minh và giao tiếp trên môi trường mạng. Để hoàn thành mục tiêu đó thì Hue – S là công cụ đắc lực.  

Feedback