ECO-HOUSE – Dự án của sinh viên hỗ trợ nông dân làm nông nghiệp xanh

Chia sẻ
(VOV5) - ECO-HOUSE là dự án đoạt Giải nhất khối sinh viên trong cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ V năm 2023.

Nghe âm thanh bài tại đây:

 Là những người có niềm đam mê với khoa học công nghệ, lại xuất thân từ vựa lúa Đồng bằng Sông Cửu Long, thấu hiểu những khó khăn của người nông dân, nhóm sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã cho ra đời dự án “Giải pháp nền nông nghiệp xanh”(ECO-HOUSE) nhằm giúp người nông dân ứng dụng công nghệ để kiểm soát được những yếu tố liên quan đến mùa vụ.
ECO-HOUSE – Dự án của sinh viên hỗ trợ nông dân làm nông nghiệp xanh - ảnh 1Những sinh viên dùng công nghệ để giúp người dân làm nông năng suất hơn. Ảnh: NVCC

ECO-HOUSE là dự án đoạt Giải nhất khối sinh viên trong cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ V năm 2023, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Dự án được 3 sinh viên thuộc 3 chuyên ngành khác nhau là Hồ Thanh Huy, trưởng nhóm, sinh viên năm 4 khoa Công nghệ điện tử, Lê Hoàng Minh Châu - năm 4 khoa Quản trị kinh doanh và Trần Thị Trâm (năm 3 khoa Thương mại - Du lịch) dưới sự hướng dẫn của Thạc sĩ Thái Duy Tùng (giảng viên khoa Tài chính ngân hàng) thực hiện. 

Sản phẩm của nhóm là thiết bị nhỏ đặt tại nhà vườn kết hợp với ứng dụng điều khiển từ xa trên điện thoại, trong đó tích hợp kiểm soát các chỉ số quan trọng như nhiệt độ, độ ẩm, lượng nước, dinh dưỡng trong đất, hàm lượng N-P-K, độ pH,... Từ đó, nhận biết các vấn đề bất thường và chủ động cảnh báo xử lý kịp thời, giúp nhà nông giảm thiểu rủi ro và ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất và tiết kiệm điện, nước…

Sinh viên Hồ Thanh Huy cho biết qua khảo sát, các nhà vườn hiện nay đang được giới thiệu những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ không có tính bảo hành và thân thiện với nhà nông. Chính vì vậy, nhóm đã thiết kế ra sản phẩm có thao tác đơn giản, gần gũi, dễ sử dụng, giúp cho bà con nâng cao giá trị nông sản, tránh tình trạng được mùa, mất giá. Thanh Huy cho biết: "Nhóm em xuất thân từ nhà nông, sinh ra và lớn lên tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Tuy không làm nông nhưng tụi em thấu hiểu sự vất vả của những người nông dân. Bên cạnh em còn có những bạn học nông nghiệp, các bạn sẵn sàng hỗ trợ tụi em để đưa ra sản phẩm giúp cho bà con nông dân. Do đó, tụi em đi vào con đường ngách, tìm cơ hội tại chính địa phương của mình."

Dựa trên công nghệ mới IoT (Internet vạn vật) với đa dạng lựa chọn và nhật ký trồng trọt, ECO-HOUSE giúp nông dân giảm sát được việc nước tưới, cũng cấp dinh dưỡng cho cây… Mỗi hệ thống máy ECO-HOUSE sẽ có mức giá phù hợp với tài chính và nhu cầu của nhà vườn.

ECO-HOUSE – Dự án của sinh viên hỗ trợ nông dân làm nông nghiệp xanh - ảnh 2Nhóm tác giả vui mừng nhận giải tại ngày hội khởi nghiệp quốc gia. Ảnh: NVCC

Sinh viên Lê Hoàng Minh Châu, thành viên của nhóm, chia sẻ dự án hướng đến bà con nông dân và các hợp tác xã. Hiện, dự án đã thử nghiệm với một số loại cây như sầu riêng, táo, bưởi, tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và vườn lan tại Vũng Tàu: "Hiện tại, bà con đang ngại về việc sử dụng, tuy tư duy sử dụng đã có nhưng việc thay đổi hoàn toàn từ cái cũ sang cái mới thì bà con đang rất sợ. Từ đó, tụi em đưa ra giải pháp là dựa trên những cái cũ để phát triển thêm chứ không xoá bỏ hết những cái cũ."

Với dự án này, nhóm mong muốn phát triển và tìm kiếm được doanh thu từ nhiều nguồn, không chỉ từ máy ECO-HOUSE mà xa hơn nữa là việc tư vấn thiết kế, cung cấp giải pháp thu hoạch nông sản và làm ra các chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp. Ngoài ra, thông qua việc sử dụng máy ECO-HOUSE, người sử dụng sản phẩm nông nghiệp biết được quy trình trồng trọt, sản phẩm trồng ở đâu, hàm lượng đất ra sao, có tồn dư hoá chất trong đất hay không… từ đó, giúp nâng cao giá trị nông sản Việt.

Sinh viên Hồ Thanh Huy chia sẻ: "Tụi em nói vui với nhau: mình là những con người đi bán rau. Tụi em bán nông sản và có công nghệ để hỗ trợ việc bán nông sản này, hy vọng sẽ thành công và thị trường sẽ đón nhận."

Trong khi đó, sinh viên Trần Thị Trâm, thành viên dự án, mong muốn sản phẩm ECO-HOUSE không chỉ được sử dụng rộng rãi trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài:"Ngoài việc tụi em đảm bảo được một phần đầu ra cho người nông dân trong việc bán nông sản sạch, nâng cao giá trị, sản phẩm, thì chúng em đang nỗ lực phát triển ECO-HOUSE với nhiều tính năng hơn nữa, để ECO-HOUSE đạt được những tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó, sản phẩm ECO-HOUSE có thể xuất khẩu đến nhiều quốc gia".

Theo Tiến sỹ Nguyễn Quốc Cường, Phó trưởng khoa Thương mại - Du lịch trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, hiện, Việt Nam đã đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái nền tảng nông nghiệp số. Chính vì vậy, những Dự án như ECO-HOUSE sẽ giúp nông nghiệp tạo giá trị mới, giảm giá thành, giảm tác động đến môi trường, tăng chất lượng nông sản, tăng lợi nhuận và tăng sự hài lòng của người tiêu dùng.

Tuy ECO-HOUSE mới chỉ là bước đầu nhưng đã giúp người nông dân canh tác tốt hơn trong khu vực của mình và bảo vệ môi trường, giảm thiểu việc lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu: "Về phía khoa, sẽ tư vấn về mặt chuyên môn, sẽ làm hết sức để các bạn tiếp tục phát triển dự án ngày một hoàn thiện, trở thành mô hình doanh nghiệp triển khai và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ (doanh nghiệp spin-off) mang lại giá trị thực tế cho cộng đồng. Đặc biệt là cộng đồng phát triển nông nghiệp theo hướng kỹ thuật cao."

Điểm khác biệt của dự án ECO-HOUSE so với nhiều đề tài khác chính là việc các bạn sinh viên đã tiếp cận với thực tế để thử nghiệm mô hình trên từng mẫu đất, tìm hiểu nhu cầu, tập quán canh tác của người dân. Với sự đón nhận đón nhận, ủng hộ và hỗ trợ của nhà trường, người nông dân… dự án ECO-HOUSE đã chắp cánh cho nhiều hơn nữa những đề tài nông nghiệp xanh trong tương lai, để cùng đóng góp cho sự phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển hệ sinh thái nền tảng nông nghiệp số, của đất nước.

Feedback