Tất cả hứa hẹn cho kết quả cao nhất trong hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam trong năm 2023. Theo dự báo, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có khả năng sẽ đạt trên 350 tỷ USD trong năm 2023 này.
Cắt may tại xưởng gia công dệt may xuất khẩu Công ty TNHH May mặc Dony, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN |
Xuất khẩu, một trong ba chân kiềng quan trọng của tăng trưởng kinh tế (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng), đã tăng trưởng âm tới hai con số ngay từ quý đầu tiên của năm 2023 - với mức giảm tới 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Con số này đã phản ánh đúng thực trạng khó khăn của nền sản xuất trong nước - khi công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm từ 85 đến hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam, đã giảm sâu từ cuối năm 2022, đầu năm 2023.
Lội dòng nước ngược trong bối cảnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực phụ thuộc nhiều vào các thị trường lớn, như: Mỹ, EU, Việt Nam đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối với các cơ quan Thương vụ, Tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài để tìm quảng bá các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh, có chất lượng cao đưa vào các thị trường mới; tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu…Nỗ lực này nhận được kết quả tích cực.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, khẳng định: "Trong bức tranh xuất khẩu, chúng ta thấy xuất khẩu rau quả và xuất khẩu gạo là những điểm sáng. Đây là kết quả tích cực, thể hiện sự phục hồi cũng như mở rộng thị trường mạnh mẽ. Trong khó khăn chung hiện nay, có một điểm tích cực là lực lượng sản xuất vẫn được duy trì tốt. Chúng ta cũng đang phát huy tốt việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để duy trì xuất khẩu vào các thị trường chính."
Từ kết quả xuất khẩu rau quả, trái cây của Việt Nam sau 11 tháng, Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo xuất khẩu rau quả năm 2023 dự kiến đạt tới 5,6 tỷ USD, mức kỷ lục của ngành hàng này từ trước tới nay.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương. Ảnh: Thành Chung/TTXVN |
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhìn nhận:"Chính phủ và Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương đã đàm phán để mở cửa thị trường, ký nhiều hiệp định, ký các nghị định thư với Trung Quốc cũng như các nước, để các sản phẩm nông nghiệp, nông sản, rau quả của Việt Nam được tiêu thụ rộng rãi khắp thế giới. Ngoài ra, người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam ngày càng được hướng dẫn cách trồng trọt đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của các nước nhập khẩu.
Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận Việt Nam xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm ngoái, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Bước sang năm 2024, để xuất, nhập khẩu đạt kết quả khả quan, trong bối cảnh chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, Bộ Công Thương đã và đang tập trung vào 3 nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng, các địa phương.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, khẳng định: "Song song với việc nâng cao năng lực để đáp ứng những tiêu chuẩn mới về xuất khẩu thì các bộ, ngành liên quan sẽ nhanh chóng bổ sung và hoàn thiện những tiêu chuẩn, quy định về chuyển đổi xanh đối với từng lĩnh vực cụ thể. Chúng tôi cũng đã xây dựng Bộ chỉ số về năng lực xúc tiến thương mại. Sắp tới Bộ chỉ số đó sẽ được bổ sung thêm những chỉ số về chuyển đổi xanh. Chính phủ đã có chương trình liên quan đến hoàn thiện khung khổ pháp lý từ giai đoạn 2023 - 2027. Theo đó, các bộ, ngành cũng đã xây dựng chương trình hoàn thiện pháp luật cho giai đoạn 2023 - 2027 liên quan đến chuyển đổi xanh. Các hoạt động sản xuất liên quan đến kinh tế tuần hoàn và kinh doanh có trách nhiệm."
Về phía doanh nghiệp, doanh nghiệp cần đa dạng hoá đối tác thương mại; đánh giá rủi ro và lập kế hoạch các kịch bản, xây dựng chiến lược giảm lượng carbon; đầu tư vào đổi mới sáng tạo và công nghệ và cần tham gia vào các sáng kiến hợp tác công nghiệp. Có như vậy, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam mới phát triển bền vững