Thời gian qua, dịch Covid-19 đã khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng, thậm chí bị ngưng trệ, tác động trực tiếp đến sản xuất. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu gỗ, đồ gỗ của Việt Nam trong 7 tháng năm 2020 vẫn đạt trên 6 tỷ USD, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là một cố gắng rất lớn của ngành nông nghiệp nói chung và các doanh nghiệp, người dân trên khắp cả nước.
Giá trị xuất khẩu gỗ, đồ gỗ 7 tháng qua vẫn đạt trên 6 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2019. Ảnh minh họa: VOV |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 7/2020 đạt hơn 1 tỷ USD, lũy kế xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 7 tháng năm 2020 đạt gần 6,1 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2019 mặc dù dịch Covid -19 đã gây ảnh hưởng lớn tới nhiều thị trường xuất khẩu. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng trên 80% tổng giá trị xuất khẩu. Có được thành công bước đầu trong năm nay là cả sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp và người dân tại nhiều địa phương...
Tỉnh Thái Nguyên là địa phương được đánh giá là có thế mạnh để phát triển cây rừng trồng. Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm cùng với Chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, khuyến cáo, hướng dẫn bà con nông dân phát triển lâm nghiệp bền vững, do vậy chất lượng rừng ngày càng được nâng cao. Ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên, cho biết: “Chương trình trồng rừng và phát triển rừng một cách bền vững cho hiệu quả và sản phẩm đạt chất lượng, rừng phát triển rất tốt. Hiện nay, Chi cục chỉ đạo các Hạt kiểm lâm hướng dẫn người dân chăm sóc rừng, đảm bảo quy trình kỹ thuật”.
Hệ số che phủ rừng của Việt Nam đạt trên 41%. Trong tổng số gần 145 triệu ha diện tích đất rừng có hơn 4 triệu ha rừng trồng. Nhờ hiệu ứng từ sự phát triển ngành chế biến, xuất khẩu gỗ, những năm qua thu nhập của người trồng rừng từng bước được cải thiện, từ đó mạnh dạn tái đầu tư vào trồng rừng. Bên cạnh đó là các dự án được triển khai tạo cơ hội lớn đồng thời là chỗ dựa vững chắc cho người dân. Ông Vũ Tiến Giang, Trạm Kiểm lâm Cúc Đường thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Nhờ có các dự án đã mang lại lợi ích kinh tế cho người dân trong việc trồng rừng, nhất là khoảng thời gian chờ đến khi cây trồng đến tuổi khai thác: “Tự chủ động, thấy hiệu quả của công tác phát triển rừng, bà con đã chăm chú và tới khi trồng rừng, bà con đã thực hiện các biện pháp trồng, cách diện tích 2-3ha giữa các vườn”.
Như tại tỉnh Bắc Giang, trong những năm qua, trồng rừng sản xuất ở các huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang phát triển mạnh, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh trồng từ 6000 - 7000 ha rừng tập trung. Hàng năm, Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang đều tiến hành điều tra tăng trưởng cây trồng lâm nghiệp để đánh giá quá trình sinh trưởng, năng suất một số loài cây trồng rừng. Từ đó, khuyến cáo và đưa ra các định hướng về loài cây trồng phù hợp tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Ông Đoàn Văn Hậu, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang, cho rằng: “Ý thức của người dân trong công tác phát triển rừng đã được nâng lên nhờ thấy được hiệu quả của việc trồng rừng kinh tế, đặc biệt là các giống cây lâm nghiệp năm vừa qua đã được cải thiện đáng kể, năng suất, chất lượng rừng trồng được nâng lên. Chính vì vậy, hiệu quả rừng trồng được nâng lên rõ rệt. Hiện độ che phủ của tỉnh Bắc Giang đạt 37,8%, phấn đấu năm 2020 tỉ lệ che phủ rừng sẽ đạt 38%”.
Trong 5 năm trở lại đây, mặt hàng gỗ dán của Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh, với mức tăng trưởng bình quân 31%/năm. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) đi vào thực thi sẽ giúp có thêm 17% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU hưởng thuế 0%. Hiện nay, nhóm các mặt hàng này đang chiếm 10% giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Cơ hội mang lại cho ngành gỗ không chỉ ở góc độ xuất khẩu mà còn ở khía cạnh tiếp cận máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại, lợi ích từ nguồn nguyên liệu gỗ tốt, xuất xứ rõ ràng… Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: Để mặt hàng xuất khẩu lâm sản ngày càng phát triển, một trong những yếu tố là sự kết hợp, liên kết chặt chẽ tạo phát triển bền vững, từ đó tạo ra những mặt hàng có uy tín, giá trị. Trong đó, doanh nghiệp, người dân địa phương đóng một vai trò rất lớn trong việc gia tăng sự phát triển của các mặt hàng lâm sản: “Ngành gỗ và lâm sản Việt Nam đang đi đúng hướng và phù hợp với xu thế của thị trường thế giới. Tôi xin nhấn mạnh rằng công lao của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu lâm sản là rất lớn, tạo nên tăng trưởng. Sức sản xuất của lâm nghiệp Việt Nam đang tăng và có động lực lớn. Người dân trồng rừng thì nhận được cả lực hút, lực đẩy lớn của một ngành kinh tế kỹ thuật, phát triển theo chuỗi giá trị toàn cầu”.
Được biết hiện nay, dư địa cho ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam vẫn còn rất lớn khi thị trường sản phẩm gỗ và đồ nội thất thế giới ngày càng rộng mở. Tuy nhiên, với sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc tìm kiếm nguồn hàng thay thế tại nhiều nơi, tránh nguy cơ phải đình trệ sản xuất.