Việt Nam xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản

Chia sẻ
(VOV5) - "Khi người ta hiểu được cà phê ngon, cà phê đặc sản, tăng lượng tiêu dùng thì cũng tăng thêm danh tiếng cho cà phê Việt Nam"

Ngày 9/12, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp với Ban Quản lý dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững Việt Nam (VnSAT) tổ chức Hội thảo xây dựng Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam.

Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam được triển khai từ năm 2019, thí điểm tại 8 tỉnh là Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, tập trung vào 2 giống chính là cà phê vối và cà phê chè. Đề án nhằm cụ thể hóa phương hướng phát triển cà phê đặc sản Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu khẳng định chất lượng thương hiệu cà phê Việt Nam nói chung và tăng thu nhập cho các tác nhân tham gia chuỗi giá trị cà phê nói riêng.

Việt Nam xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản - ảnh 1 Quang cảnh Hội thảo. - Ảnh: TTXVN

Tại Hội thảo, ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột nêu ý kiến, đối với Việt Nam, phát triển cà phê đặc sản phải gắn với thị trường.

"Phát triển cà phê Robusta thì cần chú ý đến thị trường nội địa. Chính từ thị trường nội địa đó giúp cho các loại cà phê khác tăng trưởng theo. Khi người ta hiểu được cà phê ngon, cà phê đặc sản, tăng lượng tiêu dùng thì cũng tăng thêm danh tiếng cho cà phê Việt Nam. Thị trường cà phê đặc sản tổ chức chuỗi cung ứng có khác biệt so với cà phê thương mại thông thường. Các nhà rang xay đến tận nơi vùng nguyên liệu sản xuất, kết nối trực tiếp với trang trại hoặc hợp tác xã làm cà phê đặc sản đó để mua chứ không qua trung gian những người mua gom."

Feedback