Việt Nam coi đổi mới sáng tạo là trọng tâm tăng trưởng – nền tảng hút “vốn ngoại”

Thu Trang
Chia sẻ
(VOV5) - Chính phủ quan tâm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để ngày càng có nhiều ý tưởng, sáng kiến sáng tạo.

“Luôn quan tâm và coi đổi mới sáng tạo là một trong những trọng tâm của chiến lược tăng trưởng” là chính sách nhất quán của Việt Nam và đây cũng là ưu điểm, lợi thế thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế quốc tế biến động khó lường, nền kinh tế trong nước có tới 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việt Nam đang nhận diện và thúc đẩy những động lực của đổi mới sáng tạo, tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Sau con số kỷ lục hơn 1,4 tỷ USD “rót” vào lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2021, các chuyên gia dự báo “Việt Nam tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư quốc tế khi là một trong ba trụ cột Tam giác vàng khởi nghiệp Đông Nam Á”. Đó là một lợi thế cho sự phát triển của Việt Nam. Các nhà đầu tư vẫn chủ yếu quan tâm đến Việt Nam vì tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt, lực lượng dân số trẻ, tay nghề cao và thị trường dịch vụ khổng lồ đã và đang dần được công nghệ hóa.

Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp startup cũng đang ở giai đoạn khó khăn do lạm phát tăng cao, xung đột Nga-Ukraine khiến gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng ở góc độ startup, nhiều quan điểm cho rằng các nhà đầu tư vẫn lựa chọn giải ngân vào doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nhờ vào niềm tin dài hạn và các cơ hội đột phá có thể được tạo ra trong giai đoạn kinh tế khó khăn này. Một số nhà đầu tư có thể tập trung vào các ngành mới nổi. Và để nắm bắt những cơ hội này, các công ty khởi nghiệp Việt đang nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn các sáng kiến, các ý tưởng đổi mới sáng tạo, để có thể đón dòng vốn ngoại.

Việt Nam coi đổi mới sáng tạo là trọng tâm tăng trưởng – nền tảng hút “vốn ngoại” - ảnh 1Dây chuyền hàn khung xe ôtô tại Công ty ô tô Toyota Việt Nam, vốn đầu tư của Nhật Bản tại Vĩnh Phúc - Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Ông Bùi Tiến Dũng, Đại diện Công ty Cổ phần BanKon, doanh nghiệp khởi nghiệp có giải pháp “Bankon - tối ưu hóa năng lượng và máy điều hoà không khí”, khẳng định: "Người ta có con số thống kê là 90% startup thất bại trong khoảng 3-5 năm đầu tiên. Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận điều đó. Ở Toyota có 1 khái niệm trong sản xuất mà nhiều người đang cố gắng noi theo đó là Kaizen (cải tiến liên tục). Điều quan trọng với họ là làm sao có càng nhiều ý tưởng càng tốt. Đó là lí do cộng đồng startup noi theo, chấp nhận thất bại, cạnh tranh. Chúng tôi có 1 khát khao đổi mới sáng tạo, khát khao cải tiến công nghệ. Điều chúng tôi còn thiếu là cộng đồng hỗ trợ. Chúng tôi hy vọng các tập đoàn lớn chào đón chúng tôi không như những giải pháp non trẻ mà đồng hành như những đơn vị mang tới giải pháp, bởi giải pháp này đã không đến từ chính đơn vị đang làm nhiệm vụ đó mà từ các đơn vị đứng ngoài với cái nhìn mới mẻ, sáng tạo hơn".

Theo GS.TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng cao diễn ra trong nhiều năm, Việt Nam được nhìn nhận là một trong những nền kinh tế năng động trên thế giới. Sức hút của Việt Nam còn nổi bật ở chỗ lãnh đạo Chính phủ luôn khẳng định quyết tâm coi đổi mới sáng tạo là một trong những trọng tâm của chiến lược tăng trưởng. Điều này là động lực cho các nhà đầu tư quốc tế đưa vốn vào Việt Nam.

Để nỗ lực này đạt hiệu quả thực tế, Việt Nam cần quan tâm 3 vấn đề lớn, theo ý kiến của GS.TS Nguyễn Đức Khương: "Chúng ta đang có rất nhiều khó khăn và những khó khăn đấy cần sự tư duy sáng tạo và cần những giải pháp công nghệ sáng tạo. Mong muốn tìm ra những công nghệ tạo ra sự phát triển đột phát. Đầu tiên phải là khối chính sách. Thứ 2, bản thân những nhà đổi mới sáng tạo là chủ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phải có nỗ lực vượt khó đi lên và tìm cách kết nối với các chủ thể khác cả trong nước và ở nước ngoài".

Trên thực tế, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động.

Việt Nam coi đổi mới sáng tạo là trọng tâm tăng trưởng – nền tảng hút “vốn ngoại” - ảnh 2Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: baodautu.vn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất nhiều giải pháp, chương trình hỗ trợ, tiêu biểu là: Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, hỗ trợ cho hơn 100.000 doanh nghiệp Việt Nam các công cụ, giải pháp chuyển đổi số; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; đào tạo, phát triển nhân tài; xây dựng và phát triển Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam… 

Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: "Việt Nam đang chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát huy nguồn lực của con người Việt Nam. Để đổi mới sáng tạo đi vào thực chất, hiệu quả, có sức lan tỏa thì ngoài sự chỉ đạo, định hướng từ Đảng, Nhà nước, sự quan tâm phối hợp của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, sự tham gia của các doanh nghiệp, thì rất cần sự chung tay, đồng lòng của toàn xã hội".

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, phức tạp khó lường, muốn tạo đà cho tăng trưởng, phát triển và phát triển bền vững, bên cạnh nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô cùng các cân đối lớn của nền kinh tế, Việt Nam xác định đổi mới sáng tạo là trọng tâm tăng trưởng của nền kinh tế. Chính phủ quan tâm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để ngày càng có nhiều ý tưởng, sáng kiến sáng tạo, không chỉ thu hút đầu tư nước ngoài, giải quyết các vấn đề trong nước, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế toàn cầu.

Feedback