Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hơn 30 tỷ USD hàng dệt may, tuy nhiên, giá trị mang lại cho ngành dệt may Việt Nam chưa cao do phần lớn các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đều là hàng gia công.
Khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, nếu nguồn nguyên liệu trong nước và trong khối đạt tỷ lệ thấp thì doanh nghiệp khó hưởng thuế ưu đãi khi xuất khẩu.
Để khắc phục điểm yếu này, theo nhiều doanh nghiệp dệt, may, Chính phủ nên có chính sách ưu đãi trong việc phát triển ngành dệt, nhuộm.
Ông Phạm Bình An, Tổng thư ký Hiệp hội bông sợi Việt Nam, kiến nghị: “Vấn đề thứ nhất là phải quy hoạch khu tập trung dệt, nhuộm. Chúng ta kêu gọi dêt, nhuộm hoàn tất về các khu này, nó vừa đáp ứng được quản lý, xử lý nước thải, đáp ứng được các tiêu chí ngành dệt may mong muốn. Khi quy hoạch như vậy, chúng ta phải có cơ chế hỗ trợ đào tạo để sử dụng được các công nghiệp, máy móc của nhà đầu tư mang về đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.”