Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines Phùng Văn Thành, Việt Nam luôn là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu vào Phi-líp-pin (Philippines) trong những năm gần đây. Đây là những nỗ lực và thành công lớn của Việt Nam, nhưng dư địa vẫn còn để Việt Nam tiếp tục khai thác gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo tới thị trường này trong thời gian tới.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Vị thế số 1 của gạo Việt Nam
Mặc dù Philippines là quốc gia sản xuất lúa gạo nhưng sản xuất trong nước hằng năm chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt là một trong những nguyên nhân khiến lượng gạo sản xuất hằng năm của Philippines không đủ. Để bù vào lượng gạo thiếu hụt hàng năm, Philipines phải nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
PV Đài TNVN phỏng vấn Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines-VOV |
Theo Tham Tán Thương mại Phùng Văn Thành, gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực tạo nên vị thế vững chắc của Việt Nam tại thị trường Philippines. Trước đây Việt Nam cạnh tranh cùng Thái Lan trở thành hai đối tác xuất khẩu gạo lớn cho Philippines. Nhưng kể từ năm 2019, sau khi Philippines thực hiện chính sách mở cửa, tự do hóa nhập khẩu và thương mại, gạo Việt Nam trở thành nhà cung ứng quan trọng, chiếm vị thế số 1 xuất khẩu gạo vào Philippines.
Thương vụ Việt Nam tại Philippines xúc tiến các hoạt động quảng bá gạo VN tại thị trường Philippines |
Đánh giá các lợi thế gạo của Việt Nam tại thị trường Philippines, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines Phùng Văn Thành cho biết: “Một là nhiều doanh nghiệp gạo Việt Nam đã có quan hệ bạn hàng lâu năm với các nhà nhập khẩu gạo của Philippines, tạo được uy tín, lòng tin trong xuất khẩu gạo với các bạn hàng Philippines. Hai là gạo của Việt Nam có phẩm cấp chất lượng vừa phải, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Philippines, từ số lượng lớn dân số có thu nhập trung bình và thấp đến các tầng lớp giàu có, giá cả cạnh tranh. Thứ 3 là nguồn cung gạo của Việt Nam ổn định về số lượng và giá cả, có thể đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu hàng năm của Philippines”
Cần khai thác tối đa dư địa
Năm 2020 lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu sang Philippines đạt trên 2,2 triệu tấn, tăng 19% và kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ đôla Mỹ. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Philippines đạt gần 1,5 tỷ đôla Mỹ. Trong 10 tháng đầu năm 2023, gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Philippines đạt trên 1,4 tỷ đôla Mỹ, chiếm khoảng 40% trong tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Thương vụ Việt Nam tại Philippines xúc tiến các hoạt động quảng bá gạo VN tại thị trường Philippines |
Ông Phùng Văn Thành cho rằng để được có những kết quả này là nỗ lực không nhỏ của Việt Nam nhưng dư địa vẫn còn để Việt Nam tiếp tục khai thác gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào Philippines.
Theo ông Phùng Văn Thành, các doanh nghiệp Việt cần quan tâm tới một số điều sau để duy trì vị thế số 1 tại thị trường Philippines: "Trước hết là tiếp tục xây dựng, tạo lập duy trì lòng tin và uy tín đối với các bạn hàng tại thị trường Philippines. Có chiến lược dài hạn nhằm tiếp tục duy trì quan hệ với các bạn hàng truyền thống đang có, đồng thời tìm kiếm cơ hội, mở rộng hợp tác với các đối tác bạn hàng mới. Hai là tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, không chỉ tập trung xuất khẩu gạo chất lượng cao để phục vụ nhu cầu tầng lớp tiêu dùng có thu nhập cao mà cần quan tâm mở rộng hướng tới đối tượng có thu nhập thấp và trung bình. Ba là tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương, Thương vụ Việt Nam tại Philippines để tuyên truyền quảng bá cho các sản phẩm của Việt Nam, trong đó có sản phẩm gạo tại thị trường Philippines".
Nhằm thúc đẩy cơ hội cho các doanh nghiệp Việt tại thị trường gạo Philippines, Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết sẽ tiếp tục các hoạt động tuyên truyền quảng bá các sản phẩm trong đó có mặt hàng gạo thông qua các hội chợ, triển lãm và các hoạt động quảng bá khác; Đẩy mạnh giới thiệu, kết nối nhằm tìm kiếm các bạn hàng, đối tác mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Hai là thúc đẩy thành lập Câu lạc bộ/ doanh nghiệp Việt Nam – Philippines để tạo “ sân chơi” cho các doanh nghiệp, tăng cường khả năng kết nối tìm kiếm đối tác hiệu quả trong khi giảm chi phí cho nhà nước và doanh nghiệp.