(VOV5)- Ngày 03/03, tại thủ đô Viêng chăn (Vientiane)-Lào, Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã được ký kết. Việc ký kết Hiệp định này là công cụ hữu hiệu để thực hiện mong muốn của cả hai nước nhằm đẩy nhanh trình độ phát triển, tăng cường chất lượng nền kinh tế cũng như tiến kịp trình độ phát triển của các thành viên khác trong khối ASEAN.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ ký, Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavat khẳng định, việc ký Hiệp định thương mai giữa hai nước lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm triển khai kết quả chỉ đạo của Lãnh đạo hai nước cũng như triển khai kết quả của cuộc họp Ủy ban liên chính phủ lần thứ 37 giữa Việt Nam và Lào, đồng thời yêu cầu các bộ ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ với bộ chủ quản để việc triển khai và thực hiện Hiệp định đạt kết quả mà hai bên đã đề ra: “Hiệp định thương mại được ký thể hiện trách nhiệm cao của hai Bộ trưởng cũng như hai Bộ trong thực hiện thỏa thuận giữa hai Bộ chính trị, hai chính phủ. Thay măt Bộ chính trị , Chính phủ Lào hoan nghênh hai bộ trưởng và hai Bộ đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.”
Ông Vũ Huy Hoàng Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam cho biết cả Việt Nam và Lào đều rất kỳ vọng vào sự phát triển quan hệ kinh tế giữa hai nước trong tương lai trong bối cảnh cộng đồng ASEAN sắp thành lập: “Trước thời điểm 31/12/2015 khi mà cộng đồng ASEAN được thành lập trong đó có cộng đồng kinh tế ASEAN, vấn đề đặt ra với từng thành viên là làm sao thực hiện được cam kết mà các nhà lãnh đạo đã thống nhất với nhau các mục tiêu về phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư, trong đó đặc biệt là quan hệ thương mại nội khối cũng như tăng cường kết nối hạ tầng, nhất là hạ tầng kinh tế. Chắc chắn Lào và Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ và tận dụng những lợi thế do hiệp định thương mại mang lại, có biện pháp phù hợp để ứng phó hiệu quả với thách thức mà trong quá trình hội nhập đặt ra.”
Bà Khemmani Phonxena, Bộ trưởng Bộ Công thương Lào, cho rằng, đối với Việt Nam và Lào là những thành viên mới của ASEAN khoảng cách trình độ phát triển với các thành viên cũ là những thách thức mà hai nước phải hết sức nỗ lực vượt qua để trong thời ngắn có thể thu hẹp, phải tận dụng cơ hội mà các cam kết về kinh tế, thương mại và đầu tư mang lại. “Hiệp định mới có quy định rất chi tiết cụ thể như về hợp tác thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, thương mại đầu tư… làm cho thương mại Lào- Việt Nam có thể kết nối nối với thương mại ASEAN, đó là điểm nổi bật . Hiệp định ký kết cách đây 17 năm chỉ có những quy định chung, nay đi sâu vào hợp tác kinh tế thương mại từng lĩnh vực nhỏ. Hiệp đinh thuận lợi ở chỗ, những năm trước, hai Bộ đều phải phải bàn bạc đi đến ký kết nghị định thư về vấn đề giảm thuế cho từng mặt hàng, nay có hiệp định mới quy định rất rõ ràng. Hiệp định lần này có giá trị trong 5 năm đầu, sau đó sẽ tự động gia hạn thêm trong ba năm tiếp theo, rất thuận lợi, hai bên đã thỏa thuận giảm ưu đãi thuế 0% tới 9000 mặt hàng.”
Hiệp định Thương mại mới giữa hai nước gồm 6 Chương, 16 Điều, sẽ có hiệu lực chính thức khi hoàn tất việc trao đổi công hàm ngoại giao giữa các bên xác nhận rằng mỗi bên đã hoàn thành các thủ tục nội bộ cần thiết cho việc hiệu lực của Hiệp định. Theo đó, quan hệ kinh tế thương mại đầu tư giữa hai nước nói riêng cũng như trong khuôn khổ ASEAN sẽ đạt được mục tiêu đưa cộng đồng kinh tế ASEAN trở thành cộng đồng mà các thành viên đều có cơ hội thuận lợi trong phát triển, trên nguyên tắc bình đẳng, hòa hợp cùng có lợi và giúp đỡ lẫn nhau./.