Triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam-Canada nhờ những lợi thế trong CPTPP

Hân My
Chia sẻ
(VOV5) - Thực tế cho thấy, Việt Nam đã khai thác hiệu quả Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Canada.

Diễn đàn kinh doanh Việt Nam-Canada vừa được tổ chức mới đây có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp hai nước. Qua đó, thúc đẩy tiềm năng và cơ hội hợp tác, đưa các sản phẩm của Việt Nam vào thị trường Canada và thị trường Bắc Mỹ và ngược lại. Bài viết sau đây đề cập hiệu quả và những lợi thế nhờ tác động của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình dương CPTPP trong hợp tác thương mại giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước

Nghe âm thanh tại đây:

Rất nhiều doanh nghiệp đã mang đến Diễn đàn kinh doanh Việt Nam-Canada những sản phẩm nông sản của doanh nghiệp mình để giới thiệu cho các đại biểu, các doanh nghiệp khác. Trong số đó, trái cây nông sản của Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Minh Dương, thành phố Nam Định được các đại biểu đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã.
Triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam-Canada nhờ những lợi thế trong CPTPP  - ảnh 1Phó Giám đốc Lưu Thị Linh( bên phải) và các đối tác. Ảnh: FB Công ty

Là doanh nghiệp chú trọng các hoạt động xúc tiến thương mại tại một số nước trong khu vực, lần này, Minh Dương hy vọng sẽ tìm được đối tác xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Canada. Tiêu chí của đơn vị là luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu với việc sử dụng công nghệ mới để mở rộng thị trường tiêu thụ. Bà Lưu Thị Linh, Phó Giám đốc Công ty chia sẻ: Doanh nghiệp Minh Dương áp dụng cải tiến công nghệ sản xuất là số 1, để thay thế máy móc giảm thiểu nhân sự con người. Công ty đẩy mạnh makerting thương hiệu, marketing sản phẩm được chú trọng hàng đầu thì vận hành 4.0 doanh nghiệp mới có cơ hội phát triển ở trong nước và quốc tế. Các kênh bán hàng online và offline thì người tiêu dùng trong nước và nước ngoài cũng đánh giá cao chất lượng sản phẩm. Năm 2024 triển khai một số chương trình xúc tiến trong nước và Nhật Bản

Triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam-Canada nhờ những lợi thế trong CPTPP  - ảnh 2Ông Dan On, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam-Canada

Với lợi thế là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình dương CPTPP, các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Canada ngày càng có cơ hội hợp tác mạnh mẽ hơn, góp phần hướng tới sự phát triển bền vững giữa hai nước. Hiện, Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Canada trong  Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á(ASEAN), chiếm 44% tổng kim ngạch Canada nhập khẩu từ khu vực và là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Canada trong nhóm 40 quốc gia Ấn độ dương-Thái Bình Dương. Ông Nguyễn Trọng Thừa, thứ trưởng Bộ nội vụ khẳng định về tiềm năng hợp tác giữa hai nước: Việt Nam và Canada có mối quan hệ toàn diện. Thời gian qua, hai nước phát triển tốt, là nền tảng cho sự phát triển doanh nhân hai nước. Mặc dù xa xôi, nhưng sau khi tìm hiểu, tôi thấy Việt Nam là một trong 10 nước có kim ngạch xuất nhập khẩu trong top10 Canada.  Chúng ta có một đội ngũ doanh nhân việt kiều thành đạt

Triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam-Canada nhờ những lợi thế trong CPTPP  - ảnh 3Đại sứ Nguyễn Quang Trung, Nguyên TLS VN tại Vancouver, Canada

Thực tế cho thấy, Việt Nam đã khai thác hiệu quả Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Canada. Đại sứ Nguyễn Quang Trung, Nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Vancouver(Canada) chia sẻ, khi còn đương nhiệm, ông đã đón đoàn lãnh đạo Việt Nam sang công tác tại Canada. Hội doanh nhân Việt Nam-Canada khi đó đã tổ chức buổi ra mắt với sự tham gia của 400 doanh nghiệp và nhiều doanh nhân các nước. Và từ đó đến nay, mục tiêu của Hội vẫn là tận dụng lợi thế của Hiệp định CPTPP để thúc đẩy, kết nối cho các doanh nghiệp hai nước. Đại sứ Nguyễn Quang Trung nhấn mạnh: Cả hai nước hiện là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện  và Tiến bộ xuyên Thái Dương CPTPP. Điều này có lợi cho 2 bên. Hàng hóa made in Việt Nam thâm nhập thị trường Canada thuận lợi hơn. Phía Canada, hàng hóa nước này được hưởng thuế nhập khẩu thuận lợi của Việt Nam. Đây là lợi thế mà nhiều nước không phải thành viên CPTPP có được, nhất là những mặt hàng như thịt lợn, thủy hải sản… 6 năm khi Canada tham gia CPTPP và Việt Nam tham gia 1 năm sau đó, thì kim ngạch thương mại gia tăng đáng kể so với khi chúng ta chưa tham gia, kể cả khi dịch bệnh COVID khó khăn.

Là tổ chức kết nối để thúc đẩy hàng hóa của hai nước sang thị trường của nhau, Hiệp hội doanh nhân Việt Nam-Canada đã có những chiến lược bài bản, tư vấn kịp thời cho các doanh nghiệp, là cầu nối trong các hoạt động xúc tiến thương mại giữa hai nước. Ông Dan On, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam-Canada cho rằng: Các doanh nghiệp Việt Nam 10 năm qua cải thiện rất nhiều, hơn cả một số quốc gia Trung Quốc và một số quốc gia trong khu vực nên hàng hóa Việt Nam không khó khăn khi thâm nhập thị trường Canada. Tăng cường xúc tiến thương mại, đưa các doanh nghiệp sang Canada hoặc đưa các doanh nghiệp về Việt Nam; tham gia triển lãm và khi đó, người mua và người bán mới gặp nhau và có cơ hội giới thiệu hàng hóa

Triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam-Canada nhờ những lợi thế trong CPTPP  - ảnh 4Phó Chủ nhiệm UBNN về NVNONN Nguyễn Mạnh Đông

Cùng Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam-Canada, với vai trò của mình, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài cũng tăng cường các hoạt động hỗ trợ, tổ chức các sự kiện để doanh nghiệp hai nước có dịp gặp gỡ, giao lưu và tăng cường thúc đẩy hàng hóa. Ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết: Với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp và địa phương là đối tượng phục vụ và xuất phát từ tính chất hoạt động, Ủy ban trong nhiều năm qua cùng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có nhiều hoạt động hỗ trợ thúc đẩy kết nối cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Ngoài sự cố gắng của Hiệp hội doanh nhân Việt Nam Canada, phải kể đến sự hợp tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada và Tổng lãnh sự quán VN tại Vancouver. Hy vọng mở ra cơ hội kết nối rộng lớn và mạnh mẽ giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Canada với cộng đồng doanh nghiệp trong nước.

Những lợi thế khi hai nước là thành viên của Hiệp định CPTPP, cũng như tác động không nhỏ của Hiệp định đối với cộng đồng doanh nghiệp hai nước, tạo tiền đề và cơ hội cho sự hợp tác về kinh tế, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương trên lĩnh vực thương mại giữa hai nước.

Feedback