"Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội" là chủ đề Hội thảo khoa học quốc gia do Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức sáng nay (16/08), tại Hà Nội.
Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng phát biểu - Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Theo thống kê, sau gần 10 năm thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động, hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học, xây dựng gần 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác… Tín dụng chính sách xã hội cũng đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước từ 4,25% năm 2015 xuống còn 2,23% năm 2021.
Ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam, cho biết: "Với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” ngân hàng chính sách xã hội đã xây dựng mạng lưới rộng khắp trên toàn quốc, triển khai kịp thời trên diện rộng chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ “nơi nào có người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nơi đó có Ngân hàng Chính sách xã hội”. Tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc và miền núi, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước".
Đến nay, tín dụng chính sách xã hội đã được triển khai đến 100% thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố trên toàn quốc.
Phát biểu tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng thực tiễn đã chứng minh mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng mà Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai trong hơn 20 năm qua là phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Chính vì vậy, cần tiếp tục khẳng định tính ưu việt và hợp lý của mô hình này, đồng thời cũng cần cải thiện để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới.