Tìm hướng phát triển nông nghiệp Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Sáng 13/6, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn.

Phần chất vấn của Bộ trưởng tập trung giải pháp và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian tới; Biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

Tìm hướng phát triển nông nghiệp Việt Nam  - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội) 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đang sản xuất nhỏ lẻ, dễ bị tổn thương bởi tác động khí hậu. Đặc biệt việc hội nhập cũng là thách thức không nhỏ với nông nghiệp trong giai đoạn đầu. Chính vì thế tái cơ cấu nông nghiệp là rất cần thiết.Trong quá trình này, một trong những mục tiêu nòng cốt là đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Sau khi có gói tín dụng 100 nghìn tỷ để thúc đẩy quá trình này, Bộ nông nghiệp đã xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá để hướng vào những phân khúc sản xuất mà có thị trường tiềm năng. Ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo 8 ngân hàng thương mại cùng tham gia và hiện đã giải ngân được trên 30 ngàn tỉ cho các dự án, cho các khu vực sản xuất...

Về tiềm năng sản xuất thủy sản, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng Việt Nam có lợi thế để phát triển song vấn đề lớn nhất hiện nay là làm sao để nông dân, doanh nghiệp liên kết lại: "Chúng tôi đã giao cho các viện nghiên cứu giải quyết cho được vấn đề con giống, phải chủ động. Thủ tướng đã phê duyệt khu công nghệ cao về tôm ở Bạc Liêu, rộng khoảng 400ha. Tại đây chúng ta sẽ nghiên cứu, chuyển giao những kỹ thuật, con giống, quy trình sản xuất. Về tiềm năng sản xuất thuỷ sản nói chung, Việt Nam còn dư địa nhưng nếu không khéo thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Chính vì vậy chúng ta phải thực hiện nghiêm quy hoạch, tiến hành sản xuất theo chuỗi, không thể phát triển sản xuất mà ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến du lịch, ảnh hưởng đến mạch nước ngầm".

Để nông nghiệp phát triển, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này đang được thúc đẩy. Vừa qua tỉ lệ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp có tăng nhưng so với các khu vực khác thì còn ít. Nguyên nhân là chính sách thu hút doanh nghiệp vào khu vực nông nghiệp chưa đủ khuyến khích. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: "Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã trực tiếp chỉ đạo rà soát các chính sách từ tín dụng, đất đai. Đặc biệt là chính sách về đất đai, Bộ Nông nghiệp đã kiến nghị 6 vấn đề. Tới đây chúng tôi sẽ kiến nghị Quốc hội tiến hành sửa đổi các quy định của luật, làm sao để kêu gọi doanh nghiệp vào tạo ra được vùng sản xuất lớn".

Tham gia trả lời tại phiên chất vấn sáng 13/6, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề cập giải pháp tổng thể để nâng cao sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp nói chung trong đó có các sản phẩm nông nghiệp: "Trước hết là hoàn thiện thể chế đồng bộ để tạo động lực cho phát triển, trong đó tạo điều kiện để người nông dân, doanh nghiệp được tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực về vốn, thuế, hạ tầng; đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp. Vấn đề nữa là tháo gỡ các điểm nghẽn trong sản xuất nông nghiệp, trong đó là hạn điền. Rà soát  điều chỉnh lại chiến lược quy hoạch của các sản phẩm nhằm phát huy tiềm năng lợi thế; coi trọng thị trường trong nước; chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ".  

Nội dung trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trong sáng 13/6 tại nghị trường Quốc hội, được đông đảo người dân cả nước quan tâm. Ông Nguyễn Xuân Tiến, phường Mường Thanh, Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, cho rằng ngành Nông nghiệp cần cung cấp nhiều hơn nữa thông tin cho người nông dân về việc rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường trong tình hình hiện nay: "Hiện nay người nông dân trên cả nước đang thiếu thông tin về thị trường nên thiếu định hướng trong việc lựa chọn đối tượng chăn nuôi trong phát triển kinh tế. Từ yếu tố này dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu như hiện nay. Do đó, ngành nông nghiệp cần định hướng về sản xuất cho nông dân, quy hoạch cụ thể, rõ ràng các vùng miền sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực, để người dân nắm rõ và hiểu được mình phải sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, sản xuất bao nhiêu là đủ".

Tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Hào, ở quận Tân Bình, cho biết: "Tôi thấy các chất vấn của đại biểu Quốc hội nhìn chung đúng các vấn đề mà nhân dân và cử tri quan tâm. Về quy hoạch trong nông nghiệp là rất quan trọng vì tạo nên vùng sản xuất chuyên sâu, tạo cho nông dân làm ăn chuyên sâu, trên cơ sở đó phân phối sản phẩm theo quy hoạch. Bộ Nông nghiệp phải nghiên cứu để có chính sách tạo vùng sản xuất chuyên sâu cho nông dân".

Ông Bùi Hoa Thám, phường Nghĩa Trung, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông, cho biết: "Bộ trưởng cơ bản đã trả lời được các chất vấn của đại biểu Quốc hội, của cử tri cả nước. Sắp tới thì mong Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn  có những giải pháp tham mưu cho Chính phủ, đặc biệt là vấn đề liên kết sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm để sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sản xuất ra không còn bị tư thương ép giá, để làm sao đầu ra sản phẩm được tốt hơn.

Feedback