Thương mai điện tử xuyên biên giới: Kênh phân phối hàng hoá Việt hiệu quả

Trang Trang
Chia sẻ
(VOV5) - Năm ngoái, doanh số bán lẻ trực tuyến Việt Nam đạt 16,4 tỷ USD; kinh tế số Việt Nam đạt gần 23 tỷ USD. Dự kiến, tới năm 2025, con số này có thể đạt 49 tỷ USD.

Thương mại điện tử xuyên biên giới là thị trường “số” rộng lớn, tạo cơ hội cho hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi lĩnh vực, ngành hàng. Thời gian qua, ngoài việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng số, doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã hàng hóa… để giao thương thành công trên những nền tảng quốc tế.

Thương mai điện tử xuyên biên giới: Kênh phân phối hàng hoá Việt hiệu quả - ảnh 1Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kênh phân phối hàng hoá Việt hiệu quả - Ảnh minh họa

Năm ngoái, doanh số bán lẻ trực tuyến Việt Nam đạt 16,4 tỷ USD; kinh tế số Việt Nam đạt gần 23 tỷ USD. Dự kiến, tới năm 2025, con số này có thể đạt 49 tỷ USD. Có được kết quả này là do nhiều năm qua, cơ quan chức năng Việt Nam đã phối hợp cùng các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazone, Alibaba, tổ chức nhiều khoá tập huấn, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa Việt Nam có thêm kiến thức để xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là các dòng sản phẩm thủ công mỹ nghệ, gỗ, dệt may... Các doanh nghiệp được cập nhật các nội dung, từ lựa chọn sản phẩm theo các tiêu chí, tiêu chuẩn; cách thức vận chuyển – logistic xuyên biên giới… Ngoài việc có được gian hàng cố định trên Amazone, các doanh nghiệp còn có cơ hội phát triển quy mô doanh nghiệp.

Doanh nhân Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc điều hành Alan Capital, cho biết: "Alan Capital chuyên xuất khẩu các sản phẩm về nông nghiệp, lâm nghiệp. Tiếp cận Amazone, mình có thể bán trực tiếp qua sàn thay vì qua thương lái. Amazone là thị trường uy tín. Tiêu chuẩn cao với thách thức liên quan đến việc đảm bảo số lượng. Thứ 2, là rào cản về ngôn ngữ. Hiện nay, các thông tin dễ dàng, doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm kiếm nhưng vẫn cần cơ quan chức năng hỗ trợ".

Thương mai điện tử xuyên biên giới: Kênh phân phối hàng hoá Việt hiệu quả - ảnh 2Tổng số lượng sản phẩm hàng hoá Việt Nam bán được trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới trong cả năm 2022 tăng 40% so với 2021, với tốc độ tăng trưởng 45% - Ảnh: VOV

Về phía nền tảng thương mại điện tử, bà Đỗ Hồng Hạnh, Giám đốc Quan hệ đối tác chiến lược Amazone Selling-Việt Nam, cho biết: "Bán hàng trên Amazone là sẽ tiếp cận được với 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; tiếp cận với hàng trăm triệu khách hàng toàn cầu. Trong số đó, có hơn 2 triệu khách hàng đã trả phí để được tận hưởng các dịch vụ cao cấp của nền tảng này, với những tiện ích về vận chuyển tốt".

Dưới góc độ cơ quan quản lý, theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển Thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương, thương mại điện tử đang là trụ cột chính của kinh tế số, điều này thể hiện qua doanh số bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam. "Chính phủ, các cơ quan ban ngành, đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thâm nhập vào thị trường thương mại điện tử. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã có các nghị quyết nhằm phát triển, nâng cao kim ngạch xuất khẩu qua thương mại điện tử" - ông Thành nói.

Để phát huy tiềm năng và phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế số của Chính phủ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã và đang đa dạng hóa các chương trình để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, hoàn thiện các chính sách xuất khẩu trực tuyến, tìm hiểu các rào cản mà các doanh nghiệp gặp phải và đưa ra các giải pháp tháo gỡ… Từ đó, các doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ đầy đủ và đẩy nhanh tốc độ áp dụng thương mại điện tử để xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ ra thế giới.

Feedback