Tăng trưởng kinh tế ấn tượng 3 tháng đầu năm 2018

Tô Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) -Tốc độ tăng trưởng quý I/2018 cao đã được các tổ chức dự đoán từ trước đó.

Với mức tăng trưởng trên 7%, tăng trưởng GDP quý I/2018 được đánh giá là cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Thông tin này được đại diện Bộ kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại cuộc họp về điều hành kinh tế vĩ mô, đánh giá tình hình thực hiện các giải pháp tại Nghị quyết 01 của Chính phủ về  tăng trưởng kinh tế năm 2018 vừa diễn ra tại Hà Nội. Con số ấn tượng trên cho thấy kinh tế Việt Nam đã có sự “bứt tốc” ngay từ những tháng đầu năm.

Tăng trưởng kinh tế ấn tượng 3 tháng đầu năm 2018    - ảnh 1GDP quý 1/2018 tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua 

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tình hình kinh tế trong nước 3 tháng đầu năm nay vẫn giữ xu thế tích cực từ cuối năm 2017 khi kinh tế vĩ mô ổn định, giá cả và lạm phát trong tầm kiểm soát, chỉ số tài chính tiền tệ đều tích cực, thị trường ngoại hối, mặt bằng lãi suất ổn định, thanh khoản tốt, thu chi ngân sách cơ bản đạt tiến độ, thị trường chứng khoán tăng trưởng ổn định, thu hút vốn đầu tư đạt khá, trong khi giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kim ngạch xuất nhập khẩu… diễn biến khả quan. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu cùng kỳ năm trước, tăng trưởng GDP quý I đạt thấp nhất trong 3 năm trước đó, với mức tăng 5,1%, thì năm nay, GDP đã tăng tốc ngay từ đầu năm với mức tăng trưởng 7% (tương đương với tăng trưởng nửa cuối năm 2017).

Điều này cho thấy: Thông điệp không được kéo dài tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả” của Thủ tướng Chính phủ đã truyền tải đến nhiều bộ, ngành, địa phương và được cụ thể hóa tại Nghị quyết 01 được ban hành đúng ngày 1/1.  Ngay trong quý I, nhiều địa phương có mức tăng trưởng cao như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên. Các mặt hàng gạo, trái cây, dệt may… đều có tốc độ xuất khẩu ấn tượng. Điều đáng mừng là chất lượng tăng trưởng đã có nhiều cải thiện.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương, nhận xét: "Cùng với nghị quyết 01 của Chính phủ, tình hình kinh tế  năm nay có những điểm khác với những năm trước. Đó là thời gian ngắn hơn, thứ hai là vì thời gian ngắn hơn nên nó tập trung hơn, kèm với đó Chính phủ đã đề ra 242 nhiệm vụ cụ thể  với thời hạn hoàn thành cụ thể. Đặc biệt năm nay Chính phủ đề ra phương châm cũng như tinh thần điều hành xuyên suốt nghị quyết đó là “ Kỷ cương liêm chính, hành động sáng tạo, hiệu quả” 

Tốc độ tăng trưởng quý I/2018 cao đã được các tổ chức dự đoán từ trước đó.

Báo cáo của các tổ chức trong nước cho thấy, xuất khẩu của cả khối doanh nghiệp trong nước và FDI đều tăng cao. Đặc biệt trong tháng 2, tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đã cao hơn khối doanh nghiệp FDI, một chỉ số báo hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của khối doanh nghiệp Việt Nam. Trong 3 tháng đầu năm, cả nước có 26.800 doanh nghiệp thành lập mới - mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. Việc tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cũng được đặt ra quyết liệt, cụ thể.

Ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, cho biết: "Việc đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện thủ tục hành chính đã được nêu ra từ nhiều năm rồi, cũng đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động để thực hiện , nhưng đây có lẽ là thời điểm được làm với quyết tâm cao nhất và có những kết quả thiết thực nhất.

Việc Chính phủ đề ra trong 1-2 năm tới là tất các các Bộ, ngành, phải giảm ít nhất 1/3 đến ½ các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính, tôi nghĩ đây là quyết định có tính chất đột phá. Đặc biệt thời gian qua Bộ Công thương đã đi đầu trong việc cắt giảm một nửa thủ tục hành chính trong Bộ mình, tôi nghĩ thời gian tới chúng ta hoàn toàn làm được như vậy.

Mặc dù quý I/2018 đạt mức tăng trưởng ấn tượng, song chính phủ vẫn yêu cầu các bộ, ngành theo dõi sát các diễn biến kinh tế ở trong nước, khu vực và trên thế giới, bám sát tình hình phát triển kinh tế vĩ mô ở các lĩnh vực ngân hàng - tài chính, chứng khoán, bất động sản... trên tinh thần là khi kinh tế tốt hơn phải lo xa hơn cho các năm tiếp theo, chủ động có các phương án dự phòng để khi khó khăn thì vẫn có dư địa để điều chỉnh.

Feedback