Trong bối cảnh tình hình an ninh lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, nhiều nước cấm xuất khẩu gạo, Việt Nam đang đẩy mạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu mặt hàng này. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp, hộ trồng lúa, đảm bảo chất lượng lúa, gạo xuất khẩu, tuân thủ quy định của nước nhập khẩu.
Ảnh minh họa |
Tính đến hết tháng 7 năm nay, Việt Nam ước xuất khẩu hơn 4,8 triệu tấn gạo, trị giá gần 2,6 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ. Sản xuất trong nước và diễn biến xuất khẩu gạo Việt Nam thuận lợi.
Tại Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo diễn ra hôm 4/8, tại Thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nêu rõ theo kế hoạch sản xuất lúa gạo năm nay, cả nước gieo cấy trên 7 triệu ha với sản lượng 43 triệu tấn thóc.
Tình hình sản xuất lúa gạo, đặc biệt ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, đang rất thuận lợi:"Với sự chuẩn bị của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động được việc đảm bảo an ninh lương thực cũng như chủ động trong vấn đề xuất khẩu. Chúng ta yên tâm đảm bảo an ninh lương thực ở mức độ cao nhất, và có những dự trù tính toán đảm bảo an toàn nhất, có những giải pháp phù hợp khi thiên tai hoặc dịch bệnh xảy ra trên diện rộng".
Hiện, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng hơn 60 USD/tấn, lên mức 602 USD /tấn; giá gạo Jasmine của Việt Nam cũng tăng, lên trên 690 USD /tấn. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ: Việt Nam sẽ nỗ lực hết mức, tận dụng thời cơ để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thuận lợi nhất. Đây cũng là thời cơ để mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới: "Giá xuất khẩu một số chủng loại gạo hiện đã lập mức kỷ lục trong 11 năm qua. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo rất tích cực và các địa phương cũng đã nỗ lực, nhất là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long diện tích tăng khoảng 700.000 ha, tăng hơn 50.000 ha so với năm trước. Sản lượng dự kiến trên 43 triệu tấn thóc. Trong điều kiện bình thường, với dự kiến này, sau khi đã dự trù cho mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực chúng ta rất có thể xuất khẩu trên 7,5 cho đến 8 triệu tấn lương thực".
Để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, Thủ tướng Chính phủ cuối tuần qua đã có Chỉ thị yêu cầu rà soát định hướng quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; đề nghị các bộ, ngành, liên quan theo dõi sát tình hình thị trường, thương mại gạo thế giới, để chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo; triển khai các chương trình, hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, thương hiệu Gạo Việt Nam; khai thác cơ chế ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên nhằm đa dạng hóa, chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng và nâng cao sức cạnh tranh cho mặt hàng hàng gạo Việt Nam.