Tái cấu trúc, điểm nhấn tháo gỡ khó khăn cho kinh tế Việt nam 2013

Tô Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) - Năm 2013 với những nỗ lực trong điều hành của Chính phủ, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế được triển khai thời gian qua đã đạt kết quả bước đầu, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế.

(VOV5) - Năm 2013 với những nỗ lực trong điều hành của Chính phủ, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế được triển khai thời gian qua đã đạt kết quả bước đầu, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế.

 

Tái cấu trúc, điểm nhấn tháo gỡ khó khăn cho kinh tế Việt nam 2013 - ảnh 1

Nghe nội dung chi tiết tại đây:




Năm 2013, trong chương trình tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam chú trọng vào việc hoàn thiện thể chế, chính sách tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực: tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, tái cơ cấu tài chính, tín dụng, trọng tâm là các ngân hàng thương mạitái cơ cấu doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Nhà nước.



Năm 2013 là năm đầu tiên Bộ công thương Việt nam triển khai nghị quyết của Chính phủ về tái cơ cấu các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt và cung ứng các dịch vụ công thiết yếu, quốc phòng an ninh. Theo tiến trình này, Bộ công thương đã tiến hành rà soát, xác định lại nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính, kiên quyết thoái vốn tại những ngành nghề không thuộc loại ngành nghề kinh doanh chính. Bộ trưởng Bộ công thương Vũ Huy Hoàng, cho biết: Bộ công thương đã chủ động trong việc triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương chính sách của Nhà nước về tái cơ cấu doanh nghiệp, về thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu được giao đối với các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty và các công ty trực thuộc Bộ. Một số lĩnh vực đang được tiếp tục nghiên cứu để ban hành để đảm bảo tính đồng bộ trong thực hiện, đặc biệt các chính sách liên quan đến tái cơ cấu và bảo đảm tính hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước.

 

Nhờ triển khai các giải pháp này, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước đến nay có bước được cải thiện. Doanh nghiệp Nhà nước cơ bản thực hiện được vai trò nhiệm vụ được giao, được hoàn thiện, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và yêu cầu hội nhập quốc tế. Đến nay có khoảng 80% doanh nghiệp Nhà nước hoạt động có lãi. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đạt trên 18% và khu vực này đang đóng góp trên 33% GDP.

 

Trong lĩnh vực tái cơ cấu đầu tư, mà trọng tâm là đầu tư công, Chính phủ đã chỉ đạo điều chỉnh cơ cấu và cơ chế phân bổ vốn đầu tư; tập trung vốn cho các công trình, dự án quan trọng, cấp thiết và vốn đối ứng cho các dự án ODA. Kiểm soát chặt chẽ các dự án, công trình khởi công mới, khắc phục một bước tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý đầu tư, bảo đảm quản lý thống nhất của trung ương, tăng cường trách nhiệm của địa phương và chủ đầu tư. Đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội. Đến nay, tỷ trọng vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng từ 61,3% giai đoạn 2006-2010 lên 62,6% giai đoạn 2011-2013.

 

Về tái cơ cấu tài chính, tín dụng, đến nay đã triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và đạt được kết quả bước đầu. Các ngân hàng yếu kém được cơ cấu lại. Trong năm đã cổ phần hóa 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Cùng với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tài chính, tình trạng nợ xấu bước đầu đã được kiềm chế. Trong 8 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng nợ xấu bình quân là 2,5%/tháng, giảm đáng kể so với tốc độ 3,9%/tháng cùng kỳ năm ngoái.

 

Đề án tái cấu trúc nông nghiệp cũng được triển khai tích cực theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các vùng chuyên canh, sản xuất quy mô lớn, khu nông nghiệp công nghệ cao, liên kết sản xuất với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Việc Chính phủ thông qua và triển khai các Đề án tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế đã góp phần đáng kể cải thiện kinh tế cả cấp vĩ mô, cũng như vi mô. Tuy nhiên, nhìn về tổng thể quá trình phát triển kinh tế xã hội giai đoạn  2011-2015 cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là thách thức về tốc độ tăng trưởng chậm. Tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt nam 2013 (VDPF- 2013) vừa diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định quyết tâm đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, tạo đà cho kinh tế Việt nam phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới: Chính phủ Việt nam tiếp tục tập trung sức đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng để nền kinh tế Việt nam đạt hiệu quả cao hơn, sức cạnh tranh cao hơn và phát triển bền vững hơn. Chính phủ Việt nam sẽ tập trung sức làm tốt hơn những trọng tâm, nhiệm vụ chủ yếu, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc, chủ động kiểm soát lạm phát tốt hơn, duy trì tăng trưởng bảo đảm GDP năm 2014 khoảng 5,8% và năm 2015 là 6%, tiếp tục ổn định tỷ giá, giữ mức tăng trưởng xuất khẩu.

 

Tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế ở Việt nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ nhằm nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh. Thực hiện cổ phần hoá 500 doanh nghiệp Nhà nước theo lộ trình cam kết của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và tới đây là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)./.

 

Feedback