Ra mắt nền tảng quản lý tranh chấp quốc tế trực tuyến

Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới khi tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Nằm trong chuỗi sự kiện “Thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong bối cảnh bất ổn kinh tế: Tranh chấp và trọng tài”, sáng nay (26/06), tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Lễ ra mắt nền tảng quản lý tranh chấp trực tuyến.

Tại Lễ ra mắt, các đại biểu cho rằng Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới khi tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, các giao dịch và tranh chấp quốc tế cũng gia tăng tính chất phức tạp hơn do có sự khác biệt về hệ thống chính trị, pháp luật và ngôn ngữ. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải trang bị và trợ giúp tốt hơn về pháp lý, đặc biệt trong các giao dịch thương mại và đầu tư có yếu tố quốc tế.

Ra mắt nền tảng quản lý tranh chấp quốc tế trực tuyến - ảnh 1Nhấn nút ra mắt nền tảng quản lý tranh chấp trực tuyến. Ảnh: VOV

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, hiện kinh tế số là một trong 03 trụ cột của chuyển đổi số quốc gia, đồng thời chính phủ cũng đặt ra mục tiêu tới năm 2025 sẽ có ít nhất 50% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử, do đó, việc áp dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến sẽ góp phần thực hiện hoá mục tiêu trên: “Nhìn sâu hơn ở góc độ vi mô thì hợp đồng điện tử, cũng như các hợp đồng thông thường, muốn được các chủ thể dân sự sử dụng thì cần có các yếu tố để đảm bảo cho việc giao kết thực hiện. Nếu trong quá trình thực hiện gặp trục trặc, phải có cơ chế đảm bảo cho hợp đồng thực thi có hiệu quả. Tôi tin tưởng rằng việc ra mắt nền tảng này sẽ là cơ chế để bảo đảm thực thi hợp đồng phù hợp cho các hợp đồng điện tử, góp phần vào mục tiêu hướng tới kinh tế số của đất nước”.

Feedback