Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức

Lê Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng trên 25%, đạt quy mô trên 25 tỷ USD. 

Trung bình mỗi ngày, người tiêu dùng trong nước chi khoảng 800 tỷ đồng cho 5 sàn thương mại điện tử là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop. Sự phát triển sàn thương mại điện tự đang tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam hiện diện trên toàn cầu. Những cơ hội này vừa là động lực nhưng cũng kèm theo nhiều thách thức.

Tính đến hết năm 2023, lĩnh vực thương mại điện tử đã đóng góp khoảng 15%-17% trong tổng giá trị của kinh tế số quốc gia. Hiện, Việt Nam có trên 14 triệu cửa hàng, 9 nghìn chợ, nhưng xu hướng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau giai đoạn dịch COVID-19. Việc đưa các hoạt động bán buôn, bán lẻ lên nền tảng thương mại số, thương mại điện tử trở thành xu hướng lớn.

Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức - ảnh 1Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh. Ảnh: baochinhphu.vn

Theo ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, những năm gần đây, đặc biệt sau giai đoạn COVID-19, Công ty đã hỗ trợ cho hàng nghìn doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử và doanh thu tăng mạnh so với kinh doanh truyền thống. Hiện, Công ty đang hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thị trường nhiều hơn, có chương trình huấn luyện, cách tiếp cận mới, bán hàng livestream, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận sàn thương mại điện tử nhiều hơn: "Chúng tôi đã và đang làm việc với rất nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có thể tiếp cận với thương mại điện tử. Chúng tôi có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp này tiếp cận thương mại điện tử dễ dàng hơn, đào tạo những kỹ năng cũng như có những công cụ hỗ trợ để họ có thể vận hành kinh doanh tốt hơn."

Thương mại điện tử Việt Nam trong thời gian qua đã có sự tăng trưởng nhanh chóng về quy mô. Tuy nhiên, cũng có không ít thách thức, như: khoảng cách số, nguồn nhân lực số và môi trường; sự cạnh tranh gay gắt giữa hàng ngoại và hàng nội địa, xuất khẩu xuyên biên giới, về chất lượng sản phẩm, bảo vệ người tiêu dùng…

Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức - ảnh 2Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành. Ảnh: baochinhphu.vn

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, doanh nghiệp trong nước cần chủ động trong việc tự hoàn thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh; gia tăng liên kết trong hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp thường mại điện tử cần coi sự cạnh tranh là cơ hội, bắt tay với các doanh nghiệp nước ngoài để đưa hàng Việt vào thị trường của họ.

Liên quan đến thương mại điện tử xuyên biên giới, ông Võ Trí Thành cho rằng: "Có 3 điểm chúng ta phải hết sức lưu ý với hàng hóa Việt, một là lợi thế và quy mô. Không những phải sản xuất mặt hàng chất lượng mà nó phải có được quy mô. Thứ hai là đáp ứng xu thế nhất là xu thế cách mạng tiêu dùng hiện nay, đó là xanh, an toàn và tôi nhấn mạnh đó là nhân văn. Thứ ba rất quan trọng và Việt Nam rất có lợi thế và chúng ta đã bắt đầu phát huy, đó là biết kể những tích truyện gắn với hàng hóa Việt Nam, con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam, truyền thống Việt Nam và cách làm của Việt Nam."

Thời gian qua, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã xây dựng các nền tảng thương mại điện tử kết nối với các nền tảng thương mại điện tử lớn của thế giới, như: Amazon, Alibaba, Timo... để các sản phẩm, hàng hóa khi lên sàn thương mại điện tử của Việt Nam cũng sẽ tương ứng xuất hiện trên các nền tảng thương mại điện tử lớn của thế giới, kết nối người mua trực tiếp với người bán cũng như nhà sản xuất. Sự phát triển của thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của cả nước trong thời gian tới.

Feedback