Phát triển kinh tế tư nhân – tăng nội lực cho nền kinh tế

Cẩm Tú
Chia sẻ
(VOV5) -  Phát triển khu vực kinh tế tư nhân để tăng nội lực cho nền kinh tế đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ đề ra trong thời gian tới.

(VOV5) -  Với mức độ đóng góp vào tổng sản phẩm trong nước luôn chiếm tỷ trọng lớn và tăng liên tục qua các năm, khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng có vai trò quan trọng.  Phát triển khu vực kinh tế tư nhân để tăng nội lực cho nền kinh tế đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ đề ra trong thời gian tới.


Phát triển kinh tế tư nhân – tăng nội lực cho nền kinh tế - ảnh 1
Khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng có vai trò quan trọng. (Ảnh: KT)


Nghe nội dung chi tiết tại đây:






Tính đến hết năm 2014, cả nước có 74.842 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 432 nghìn tỷ đồng. So sánh tỷ lệ sử dụng nguồn lực và đóng góp cho nền kinh tế của khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp dân doanh  cho thấy: Giai đoạn 2006-2010, khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm 45% tổng đầu tư nhưng chỉ tạo ra 28% GDP, trong khi khu vực doanh nghiệp dân doanh chỉ chiếm 28% tổng đầu tư, nhưng lại tạo ra tới 46% GDP. Khu vực kinh tế tư nhân hiện nay đóng góp đến hơn 2/3 GDP, ¾ giá trị sản xuất công nghiệp. tạo nhiều việc làm mới cho nền kinh tế. Trong khu vực kinh tế tư nhân hiện có tới 96% doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, thiếu vắng những doanh nghiệp có quy mô lớn, có tầm quốc gia cũng như quốc tế. 


Trong điều kiện Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có thể tham gia vào chuỗi kinh tế toàn cầu. Do đó, việc phát triển doanh nghiệp quy mô cỡ vừa đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: “Do thiếu vắng khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa nên Việt nam thiếu công nghiệp phụ trợ. Những nhà đầu tư nước ngoài vào Việt nam sẽ không có nguyên liệu cũng như linh kiện đầu vào, họ phải nhập từ chính quốc, hoặc từ các nước khác nên giá thành đầu tư không giảm so với đầu tư tại chính quốc. Chỉ có xây dựng khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng thì mới tạo ra triệu triệu công ăn việc làm cho đất nước và doanh nghiệp tư nhân có thể phát triển ở mọi nơi, mọi ngõ ngách của cuộc sống, tạo ra nhiều sản phẩm có ích cho xã hội và làm cho chúng ta bớt lệ thuộc hơn vào các nền kinh tế khác”. 

Thời gian qua, Việt Nam đã thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và tổng kim ngạch xuất khẩu tăng liên tục trong nhưng năm gần đây. Tuy nhiên, mối liên kết ngược trong chuỗi giá trị toàn cầu lại kém phát triển. Theo thống kê của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đóng góp của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân Việt nam vào xuất khẩu chỉ khoảng 10%, hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đều nhập khẩu nguyên liệu thô sau đó xuất khẩu. Đóng góp chính của các doanh nghiệp nội địa vào chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chỉ hạn chế ở việc cung cấp lao động, tay nghề, do đó, giá trị gia tăng không cao. Chính phủ Việt Nam hiện đã xây dựng chiến lược phát triển khu vực kinh tế tư nhân mang tính dài hạn, xây dựng một hệ thống doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, đủ năng lực cung ứng cho các nhà đầu tư nước ngoài, xuất khẩu và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ nhằm phát triển một cộng đồng doanh nghiệp hiệu quả. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết: “Các doanh nghiệp phải đặt chiến lược kinh doanh của mình trong một chiến lược kinh doanh dài hạn và các cải cách, thiết chế pháp lý phải đảm bảo các doanh nghiệp có thể yên tâm hoạt động trong môi trường kinh doanh an toàn, quyền và lợi ích của họ được đảm bảo”.

Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, sự thịnh vượng của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai phụ thuộc phần lớn vào khả năng tăng cường mối liên kết trong chuỗi giá trị toàn cầu và tối đa hóa hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đổi mới thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động là rất quan trọng nhưng chưa đủ. Trong bối cảnh ấy, việc chính phủ Việt Nam đẩy mạnh phát triển khu vực tư nhân trong nước là hướng đi đúng, tạo động lực quan trọng để nâng cao tính cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ của các ngành sản xuất tại Việt Nam. Có như  vậy mới mang lại cơ hội phát triển kinh tế bền vững./.

Feedback