Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nhượng quyền thương hiệu được xem là xu thế chung và đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng, thì Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhượng quyền thượng hiệu vẫn là lĩnh vực khá mới mẻ, nhất là xây dựng mô hình doanh nghiệp để có đủ thực lực tham gia vào xu hướng nhượng quyền trên thế giới.
Trong 10 năm gần đây đã có khoảng 200 thương hiệu nhượng quyền tại Việt Nam, đồng thời Việt Nam được dự đoán là thị trường tiềm năng của lĩnh vực này. Kể từ sau khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2009, nhiều thương hiệu ở Bắc Mỹ, châu Âu và ở Australia đã tìm thị trường mới, những thị trường tiềm năng, trong đó có Việt Nam. Các thương hiệu nổi tiếng thế giới từ đồ ăn nhanh, khách sạn, nhà hàng cho đến mỹ phẩm, quần áo đã nhanh chóng bước vào thị trường Việt Nam bằng con đường nhượng quyền thương mại. Nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới đã xuất hiện tại Việt Nam như : MC Donald, Lotteria, Goloria Jeans Coffees, Lee’s Sandwiches, Jollibee, KFC, Coffe Bean & Tea Leaf, Bread Talk, Pizza Hut… (thực phẩm), Louis Vuitton, Gucci, CK, Mango, Timberland… (thời trang). Tất cả đã và đang mang lại sự phát triển mạnh mẽ của các thương hiệu nước ngoài tại thị trường trẻ với hơn 90 triệu dân được đánh giá nhiều tiềm năng này.
Thực tế nhượng quyền thương hiệu là mô hình kinh doanh phát triển rất phổ biến trên thế giới, nhưng lại khá mới ở Việt Nam. Thời gian qua, theo xu hướng chung trên thế giới, thị trường nhượng quyền trong nước cũng chứng kiến sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước và ngoài nướci. Ông Ngô Hiệp, chuyên gia kinh tế, cho rằng: "Nhượng quyền thương hiệu "Made in Vietnam" có lẽ mới chỉ là khởi đầu. cuộc chiến giành thị phần trong nhiều lĩnh vực sẽ ngày càng quyết liệt. Tuy nhiên,nhiều công ty lớn trong nước cũng nhìn ra cơ hội, quyết tâm tham gia sâu vào lĩnh vực nhượng quyền thông hiệu bằng các cuộc mua bán - sáp nhập để tăng sức cạnh tranh".
Hiện nay, tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện những doanh nghiệp khởi nghiệp còn rất trẻ, thương hiệu rất mới nhưng đã nhận được lời đề nghị xin nhượng quyền thương hiệu. Nhiều thương hiệu trong nước cũng vươn lên khá thành công trong việc chiếm lĩnh thị trường, số lượng cửa hàng tăng lên nhanh chóng dưới hình thức nhượng quyền thương mại. Cùng phát triển theo xu hướng của thế giới nhiều thương hiệu Việt cũng mở rộng thị trường kinh doanh nhượng quyền không chỉ trong nước mà còn ra nước ngoài. Chẳng hạn trong lĩnh vực đồ uống, Coffee Hightland (Cafe Trung Nguyên) của Tập đoàn Trung Nguyên không những mở rộng và phát triển đạt tới con số ấn tượng cho chuỗi cửa hàng nhượng quyền có tên Cofee Hightland là 1.200 cửa hàng ở cả ở trong và ngoài nước. Trong số các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Mạnh Việt Nam 2016 vừa qua cũng nổi lên nhiều tên tuổi như: Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), Tập đoàn VinGroup, Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen…theo đánh giá của nhiều chuyên gia hoàn toàn có thể cạnh tranh về thương hiệu với các doanh nghiệp nước ngoài.
Bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia thương hiệu dự báo trong 3 năm tới sẽ có nhiều thương hiệu quốc tế và khu vực tiếp tục nhượng quyền mạnh mẽ vào Việt Nam. Điều này cũng sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt học hỏi được nhiều hơn trong việc xây dựng nền tảng nhượng quyền. Để có thể nhượng quyền bền vững và thành công, doanh nghiệp Việt cần xây dựng các nền tảng hỗ trợ vững chắc về công nghệ, đặc biệt là vấn đề nhân sự, phát triển hệ thống nhượng quyền, pháp lý…
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Khắc Trình, Công ty TNHH Sản xuất cơ điện & thương mại Phương Linh, một trong 160 thương hiệu mạnh Việt Nam, cho rằng: "Trong tình hình hội nhập hiện nay, muốn phát triển, thương hiệu mạnh là yếu tố hàng đầu. Mà muốn có thương hiệu mạnh phải đổi mới về tư duy, công nghệ. Chúng tôi cũng xác định, trong cuộc cách mạng 4.0 này phải tiếp cận càng sớm càng tốt. Trước mắt về công nghệ, chúng tôi cập nhật các hệ thống máy móc thiết bị tiên tiến trên thế giới nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm, nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng và các đối tác".
Nhượng quyền là xu hướng phát triển tất yếu trong quá trình thương mại hóa toàn cầu. Do vậy, thay vì tránh né, doanh nghiệp Việt cần phải học hỏi, khai thác và sử dụng nó sao cho thật hiệu quả. Doanh nghiệp nên sử dụng nguồn nguyên vật liệu của Việt Nam, nhưng áp dụng theo kỹ thuật tiên tiến của nước ngoài và khi hàng hóa xuất khẩu vẫn phải mang “made in Việt Nam”. Vấn đề thành công là doanh nghiệp biết quản trị, nếu không sẽ mất đi vị thế của mình.