Nghề nuôi bò thương phẩm trên cao nguyên đá Hà Giang

Lan Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Với người Mông sống ở trên cao nguyên đá Hà Giang, con bò không chỉ giúp cày nương, trồng ngô, mà còn là vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

(VOV5) - Với người Mông sống ở trên cao nguyên đá Hà Giang, con bò không chỉ giúp cày nương, trồng ngô, mà còn là vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài chăn nuôi bò truyền thống, người dân ở huyện Mèo Vạc nhận ra rằng phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hoá, tức là nuôi vỗ béo bò thịt là một nghề kinh doanh mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Huyện Mèo Vạc cũng xác định đây là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:


10 năm trở lại đây, cuộc sống của người dân ở tỉnh Hà Giang có nhiều đổi thay. Chương trình phát triển chăn nuôi bò đã góp phần không nhỏ vào sự thay đổi đó. Để có nguồn thức ăn cho đàn đại gia súc, huyện Mèo Vạc triển khai chương trình trồng cỏ đến tất cả các xã, thị trấn nhằm đảm bảo nguồn dinh dưỡng, phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng cho đàn bò trên toàn huyện. Người dân tận dụng trồng ở ven đường, ven bờ rào đá, trồng những nơi đất xấu, những nơi không ảnh hưởng đến diện tích canh tác cây lương thực, hoa màu. Do chủ động được về nguồn thức ăn nên quy trình chăn nuôi bò của người dân ở nơi chỉ có đá và đá này đỡ vất vả hơn rất nhiều so với trước. Ông Lầu Mí Vừ, chủ tịch Hội nông dân xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc cho biết: “Trên này được vụ tháng 9, tháng 10 mình còn tận dụng được nhưng đến tháng 11, 12 có sương muối thì cỏ héo hết không dùng được. Bà con đi lên rừng lấy cỏ tự nhiên, nếu gia đình nào có nhiều đất thì trồng được. Cỏ trồng phát triển tốt lên, cắt đi và ủ thành cỏ chua thì mới bổ sung được nguồn cỏ cho bò”.

Nghề nuôi bò thương phẩm trên cao nguyên đá Hà Giang - ảnh 1
Giống bò vàng vùng cao có sức chống chịu tốt với thời tiết khắc nghiệt vùng cao nguyên đá. Ảnh: marphavet.com



Ở xã Cán Chu Phìn hiện có khoảng 1700 con bò, trong đó có khoảng 40 hộ thường xuyên trao đổi và mua bán bò vỗ béo, mang lại nguồn thu nhập cao. Từ hiệu quả thiết thực của nghề nuôi vỗ béo bò thịt, chính quyền xã sẽ tập trung khuyến khích cho người dân tiếp tục đầu tư từ nghề nuôi vỗ béo bò, đó cũng chính là nguồn lực quan trọng để giúp người dân xoá đói, giảm nghèo một cách bền vững và tăng tỷ lệ hộ khá và giàu trên địa bàn của xã. Đồng thời người dân còn được trang bị kiến thức về chăn nuôi bò đạt hiệu quả cao. Ông Vừ cho biết: “Các ngành phối hợp với khuyến nông của huyện tổ chức tập huấn cho bà con cách chăm sóc bò. Ở trên này có mùa rét thì hướng dẫn bà con chăm sóc để bò không bị chết rét. Mỗi năm tổ chức tập huấn cho bà con được 2 lần. Bò là một tài sản lớn của bà con. Người dân trên này, nếu nhà có bò thì cũng là nhà có điều kiện trung bình khá”.


Mấy năm trở lại đây, mỗi năm gia đình có nguồn thu nhập từ 60-70 triệu đồng từ nghề nuôi vỗ béo bò thịt sau khi đã được trừ các khoản chi phí. Nhờ có chăn nuôi bò theo hướng hàng hoá và nuôi vỗ béo bò thịt mà nhiều gia đình ở Cán Chu Phìn đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ chính nghề kinh doanh này. Như gia đình ông Sùng Sái Nô, một trong những gia đình đầu tiên đi đầu trong việc phát triển nuôi bò thương phẩm. Ông Nô cho biết: “Nhà tôi lúc nào cũng có 2 con, nhiều thì nuôi 5-6 con, tôi thích nuôi luân chuyển, nuôi béo thì bán. Trên này chăn nuôi trồng trọt đều khó, chỉ nuôi bò là được. Mình phải chăm sóc cho nó, quan trọng nhất là mình chăn nuôi giỏi. Bò không chỉ ăn nguyên cỏ mà phải có thêm những thức ăn khác như bã rượu, ngô thì bò mới béo”.

Nghề nuôi bò thương phẩm trên cao nguyên đá Hà Giang - ảnh 2
Một góc phiên chợ bò tại huyện Mèo Vạc - Hà Giang. Ảnh: VP



Chương trình phát triển chăn nuôi bò hàng hoá nói chung và nghề nuôi vỗ béo bò thịt nói riêng đã tạo ra một bước chuyển biến lớn trong quá trình xoá đói giảm nghèo của huyện Mèo Vạc. Cũng nhờ có phát triển và chăn nuôi vỗ béo bò thịt mà tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn của huyện đã giảm nhanh qua từng năm, nâng mức thu nhập bình quân đầu người của huyện Mèo Vạc tăng lên đáng kể. Cuộc sống ngày một khá hơn, người dân có tiền đầu tư mua sắm thêm những dụng cụ máy móc để hỗ trợ việc chăn nuôi. Ông Sùng Sái Trá, người dân ở xã Cán Chu Phìn, chỉ vào chiếc máy thái cỏ phấn khởi bộc bạch:  “Cỏ dùng máy cắt hết không dùng tay nữa. Máy này mua gần 5 triệu đồng. Đi lấy cỏ cách đây 2-3 km, có nơi phải đến 5 km. Mình nuôi nhiều bò thì không có máy thái, cả buổi sáng cũng không xong mà mệt lắm. Một ngày lấy 12-13 bó cỏ  cho bò ăn cả ngày, mỗi bó khoảng 30 kg”.


Chăn nuôi hàng hóa đại gia súc đã giúp bà con người Mông ở Mèo Vạc, Hà Giang, từng bước vươn lên thoát nghèo. Từ chủ trương đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hò hàng hóa, các ngành chức năng của tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo người dân đẩy mạnh và mở rộng diện tích trồng cỏ làm thức ăn cho đàn gia súc, riêng diện tích cỏ vào năm 2020 đạt trên 19.000 ha, thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với người nông dân khi xây dựng chuồng trại và nguồn vốn mua bò để vỗ béo. Từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hoá có thu nhập cao, tăng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu của nền kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong công cuộc xoá đói giảm nghèo bền vững đối với đồng bào các dân tộc thiểu số tại vùng đất cao nguyên đá Hà Giang.

Feedback