Tối 9/12, tại thành phố Pleiku, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai tổ chức lễ Kỷ niệm Ngày cà phê Việt Nam lần thứ 3, năm 2019. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ chọn ngày 10 tháng 12 là Ngày cà phê Việt Nam. Từ đó đến nay Ngày cà phê Việt Nam được tổ thành công tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và để lại nhiều ấn tượng cho người dân địa phương, du khách và bạn bè quốc tế.
Quang cảnh Lễ khai mạc - Ảnh: Hoài Nam/TTXVN
|
Với chủ đề “Văn hóa thưởng thức cà phê”, lễ kỷ niệm Ngày Cà phê Việt Nam năm nay được tổ chức tại tỉnh Gia Lai nêu lên ý nghĩa và đánh giá quá trình hình thành, phát triển của ngành cà phê thế giới nói chung, cà phê Việt Nam nói riêng. Qua đó, góp phần quảng bá, tôn vinh giá trị, hình ảnh cà phê Việt Nam, khẳng định vai trò vị trí quan trọng và sự đóng góp ngành cà phê Việt Nam với người tiêu dùng trong nước và thế giới.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến cuối năm 2018, cả nước có gần 690 nghìn ha cà phê, năng suất bình quân 26 tạ/ha, cao gấp 3 lần so với năng suất bình quân của thế giới, sản lượng xuất khẩu đạt 1,88 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3,5 tỷ USD. Việt Nam hiện vươn lên vị trí thứ hai về sản lượng cà phê cung cấp cho thị trường thế giới.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: “Lễ kỷ niệm lần thứ 3 ngày cà phê Việt Nam năm 2019, là cơ hội tốt để ngành cà phê Việt Nam nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng giới thiệu và quảng bá sản phẩm cà phê đến bạn bè quốc tế và trong cả nước. Tôi xin biểu dương Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam và tỉnh Gia Lai tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 3 Ngày cà phê Việt Nam rất ấn tượng và đánh giá cao các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đã tham dự, tìm hiểu cơ hội đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến sản phẩm cà phê với người sản xuất theo chuỗi giá trị”.
Theo thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, để tiếp tục thúc đẩy phát triển bền vững ngành cà phê, trong thời gian tới cần quan tâm triển khai một số giải pháp như: ổn định diện tích cà phê khoảng 600 nghìn ha vào năm 2025; phát triển một số vùng cà phê chất lượng cao gắn với quy hoạch chế biến; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và văn hóa cà phê Việt Nam.