“Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam: cơ hội, thách thức và bài học kinh nghiệm từ quốc tế” là chủ đề chính của Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2019 diễn ra từ ngày 17 – 20/09, tại thành phố Hà Nội và tỉnh An Giang.
Sự kiện do Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Hàng động vì Khí hậu Việt Nam (VCCA) và Nhóm Công tác về biến đổi khí hậu (CCWG) phối hợp tổ chức, nhằm tạo diễn đàn trao đổi thông tin, đối thoại giữa các bên để đưa ra các đề xuất giải pháp đóng góp vào quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng và mang lại lợi ích lớn nhất cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam diễn ra từ 17-20/09-Ảnh Lê Phương |
Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2019 chính thức khai mạc ngày 17/09, tại Hà Nội, với sự kiện khởi đầu là tọa đàm “Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam”. Tọa đàm nhằm cập nhật hiện trạng phát triển hệ thống điện Việt Nam, lắng nghe kinh nghiệm của một số quốc gia trong vấn đề chuyển dịch năng lượng từ nguyên liệu truyền thống sang năng lượng tái tạo…
Phát biểu khai mạc Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2019, ông Phạm Ngọc Linh, Vụ Trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Ban Tuyên Giáo Trung ương, nêu rõ trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực trên toàn thế giới, Việt Nam cũng phải đối diện bài toán tìm nguồn năng lượng mới. Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo để thúc đẩy sản xuất và thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước.
Chỉ trong 2 năm, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện quốc gia tăng nhanh, từ không đáng kể lên đến hơn 9% với 2 nguồn chủ yếu là điện gió và điện mặt trời.
"Năng lượng tái tạo là tương lai của hệ thống điện, điều quan trọng bây giờ là phải từng bước hoàn thiện quá trình chuyển dịch từ nguồn nguyên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo để việc phát triển năng lượng tái tạo không chỉ đóng góp trực tiếp cho sự vận hành, phát triển của ngành điện mà còn mang lại những ảnh hưởng tích cực đến đời sống, xã hội và sự phát triển chung của toàn nền kinh tế". Ông Ngọc Linh cho biết,
Theo đại diện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hiện nay, 50% lượng điện sử dụng tại Việt Nam do điện than đảm nhận. 8 tháng qua, phần năng lượng tái tạo đã phát lên lưới 2,8 tỷ kWh, đạt hơn 106% dự kiến cả năm 2019, trong đó đặc biệt có sự hỗ trợ tích cực của điện mặt trời cho hệ thống điện quốc gia. Từ đầu năm đến nay, nguồn điện mặt trời ghi nhận công suất tối đa đạt 3.519MW, sản lượng phát 25-26 triệu kWh, tương đương 1 nhà máy điện than 1.200MW như Vĩnh Tân 1, 2, Duyên Hải 1. Đây là những thay đổi tích cực để giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng truyền thống nhằm bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững của Việt Nam.