10 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ Việt Nam- Indonesia đã và đang phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều thách thức từ dịch bệnh COVID-19 đến cạnh tranh địa chính trị gia tăng khu vực, hợp tác kinh tế Việt Nam-Indonesia được coi là điểm sáng với những con số tăng trưởng ấn tượng, vững vàng vượt cơn gió ngược của kinh tế toàn cầu.
Gian hàng Việt Nam tham gia hội chợ thương mại thực phẩm Indonesia. |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Những con số “vượt mức chỉ tiêu”
Năm 2020 và 2021 kinh tế thế giới chững lại do tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên khối lượng thương mại Việt Nam và Indonesia vẫn giữ được đà tăng với kim ngạch thương mại năm 2020 đạt 8,2 tỷ USD; năm 2021 đạt 11,5 tỷ USD, lần đầu tiên vượt mục tiêu kim ngạch 10 tỷ USD như cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Khi dịch COVID-19 hạ nhiệt, các nền kinh tế mở cửa trở lại nhưng thế giới lại phải đón cơn gió ngược lạm phát cùng với xung đột địa chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, hợp tác kinh tế Indonesia - Việt Nam vẫn vững vàng trước những thách thức. Tính riêng 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đã đạt hơn 4,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Indonesia đạt 1,6 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022. Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Tạ Văn thông bày tỏ lạc quan năm 2023 kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Indonesia có thể đạt hoặc vượt mức 15 tỷ USD, sớm đạt được mục tiêu của lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra: "Về mặt kinh tế, chúng tôi đang đề nghị là Ủy ban Hỗn hợp hai nước về mặt hợp tác kinh tế thương mại sớm họp phiên thứ 4 tại Jakarta để đưa ra các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác về kinh tế và thương mại trên các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là hai nước phải đạt được mục tiêu thương mại hai chiều là 15 tỉ đô la Mỹ ".
Cơ hội cho nông sản Việt
Sản phẩm của Việt Nam được bày bán trong siêu thị tại Indonesia. |
Một điều đáng chú ý là trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu nông sản sụt giảm tại các thị trường chính như Mỹ, EU, thị trường Indonesia lội ngược dòng, nhập nông sản Việt mạnh trong nửa đầu năm nay. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang nước này như thủy sản, rau quả, cà phê, gạo đều tăng mạnh so với cùng kỳ 2022.
Những tín hiệu lạc quan là ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Indonesia tích cực tham gia vào các cơ hội thương mại, đầu tư. Các cuộc gặp gỡ kết nối kinh doanh (B2B) giữa các công ty Việt Nam và công ty Indonesia do Thương vụ Việt Nam tại Indonesia phối hợp tổ chức đều nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Indonesia đến để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư. Ông Fasika Khaerul Zaman từ công ty PT Delta wibawa Bersama nhập khẩu gạo tham gia Hội thảo kết nối giao thương Việt Nam-Indonesia cho biết: "Chúng tôi cũng đã có các đối tác từ các quốc gia khác nhưng chúng tôi cũng muốn tìm hiểu về gạo của Việt Nam. Tôi thực sự thấy gạo Việt Nam có nhiều thế mạnh như gạo Japonica Việt Nam với chất lượng gạo ngon mà đặc biệt là giá thành thấp hơn một số loại gạo khác như gạo Nhật Bản”
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia Phạm Thế Cường nhấn mạnh, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng nông sản Việt Nam cần chú ý lựa chọn được mặt hàng phù hợp cho xuất khẩu. Theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, bên cạnh nhóm hàng hiện đang xuất khẩu, một số nhóm hàng Việt Nam có thể mở rộng xuất khẩu sang Indonesia như: phở, bún, mỳ ăn liền, sủi cảo, há cảo đông lạnh nhân thuỷ sản, thịt bò. Ngoài ra, còn có sữa và sản phẩm từ sữa, mật ong, cà phê uống liền, nước chanh leo....
Với Indonesia, Việt Nam đang là thị trường có nhiều tiềm năng để Indonesia thúc đẩy hợp tác cả về thương mại và đầu tư. Hai bên cần tận dụng những cơ hội mới, tiếp tục chia sẻ và hợp tác chặt chẽ hơn để biến thách thức thành cơ hội. Giám đốc điều hành Tập đoàn Ciputra ông Bu-đi-a-sa Sa-stra-uy-na-ta (Budiarsa Sastrawinata) chia sẻ những thuận lợi hay khó khăn của doanh nghiệp Indonesia khi đầu tư vào Việt Nam: "Chính phủ Việt Nam có chính sách đầu tư cởi mở cho doanh nghiệp. Bất cứ quốc gia nào chính phủ có chính sách chào đón các nhà đầu tư cũng là một thuận lợi. Tuy vậy cũng còn một số vấn đề vướng mắc cần giải quyết đối với các nhà đầu tư. Trước hết là những rào cản về quy định, luật nước sở tại…"
Từ góc độ doanh nghiệp Indonesia cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần tháo bớt các rào cản, thủ tục hải quan cho các nhà xuất khẩu Indonesia. Ông Karik xuất khẩu đồ ăn thực phẩm sang Việt Nam bày tỏ mong muốn: "Chúng tôi mong muốn đẩy nhanh các thủ tục. Công ty chúng tôi có đăng ký và có đối tác tại Việt Nam thực hiện các hoạt động thủ tục nhập khẩu, nhưng thủ tục hơi chậm ở khâu hải quan. Vì công ty chúng tôi xuất khẩu hàng thực phẩm cho trẻ em nếu các thủ tục mất thời gian lâu sẽ ảnh hướng đến chất lượng sản phẩm.
Tháo gỡ rào cản
Các buổi giao thương kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Indonesia là cơ hội để thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại. |
Việt Nam và Indonesia cũng cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác, phát huy hiệu quả hoạt động của Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật giữa hai nước, hạn chế áp dụng các rào cản thương mại, tạo thuận lợi cho dòng chảy thương mại và đầu tư giữa hai nước, tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai nước triển khai các hoạt động hợp tác kinh doanh, tham dự các hoạt động xúc tiến thương mại tại mỗi nước.
Với những cơ hội như hiện nay Indonesia và Việt Nam có nhiều tiền đề quan trọng để thúc đẩy hợp tác thương mại. Nhìn vào xu hướng tăng trưởng tích cực ở hai quốc gia, Indonesia và Việt Nam rất có thể chiếm 60% GDP của ASEAN trong những năm tới và là động lực của tăng trưởng nhanh khu vực sau đại dịch.