Hội nghị quan chức cao cấp nông lâm nghiệp ASEAN

Chia sẻ
(VOV5) - Trong bối cảnh mới, nông nghiệp vẫn duy trì vai trò trụ cột trong Cộng đồng kinh tế ASEAN và góp phần hiện thực hóa nhiều mục tiêu của Cộng đồng.

Hội nghị quan chức cao cấp nông lâm nghiệp ASEAN - ảnh 1

Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Chuẩn bị cho hội nghị Bộ trưởng nông lâm nghiệp ASEAN (AMAF) lần thứ 40 và các hội nghị Bộ trưởng liên quan, sáng 8/10 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khai mạc hội nghị quan chức cao cấp nông lâm nghiệp ASEAN.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định trong bối cảnh mới, nông nghiệp vẫn duy trì vai trò trụ cột trong Cộng đồng kinh tế ASEAN và góp phần hiện thực hóa nhiều mục tiêu của Cộng đồng như tạo ra khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao, phát triển kinh tế đồng đều hiệu quả và hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh với vai trò là nước chủ nhà và Chủ tịch hội nghị Bộ trưởng nông lâm nghiệp ASEAN giai đoạn 2018-2019, Việt Nam cam kết phối hợp chặt chẽ với các quốc gia thành viên và Ban thư ký ASEAN trong quá trình triển khai các hoạt động hợp tác nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của ASEAN, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững trong nông nghiệp:

Theo Bộ trưởng: “Để giải quyết những thách thức vừa nêu cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa của khu vực. Điều đó đòi hỏi mỗi nước thành viên cũng như cả hiệp hội phải có những cam kết đủ mạnh và sự đầu tư thích đáng cho sự phát triển nông nghiệp ASEAN, đề ra được những giải pháp và bước đi phù hợp để biến những mục tiêu thành hiện thực, những thách thức thành cơ hội”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ mong muốn Cộng đồng ASEAN cùng thảo luận và thống nhất về các vấn đề ưu tiên chung của khu vực liên quan đến hợp tác trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, tăng cường an ninh lương thực và an toàn thực phẩm, góp phần thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN và Kế hoạch chiến lược hợp tác ASEAN về Thực phẩm và Nông Lâm nghiệp giai đoạn 2016 - 2025.

Feedback