Trong khuôn khổ kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội khóa XV, chiều 4/1, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đây là một trong bốn nội dung trọng tâm của kỳ họp, cũng là nội dung được thảo luận đầu tiên trong đợt họp này.
Ảnh: chinhphu.vn |
Đề cập gói hỗ trợ, đại biểu Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội, cho rằng: “Nguồn vốn đáp ứng cho doanh nghiệp đó chính là nguồn vốn tín dụng. Do vậy, cơ chế kết hợp giữa tài khóa và tiền tệ sẽ là chính sách khép léo để không nhất thiết phải bỏ ra quá nhiều tiền từ ngân sách nhưng doanh nghiệp vẫn có thể hưởng thụ được nguồn lực, nguồn vốn hỗ trợ để phát triển. Gói hỗ trợ mà đi đúng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nó sẽ trở thành nguồn lực cho quá trình phát triển. Chính vì vậy đi kèm gói hỗ trợ, chúng ta rất cần thiết bàn tăng sức hấp thụ của nền kinh tế. Ở đây đi vào 2 hướng: đó là cơ chế chính sách để tháo gỡ giải ngân đầu tư công, thứ hai là phải tăng khả năng để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.”
Trước đó, sáng cùng ngày, trong Tờ trình Quốc hội về nội dung này, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết mục tiêu của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021-2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn.
“Chương trình có quy mô đủ lớn, tác động cả phía cung và phía cầu và sẽ xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, tránh lãng phí nguồn lực. thời gian thực hiện chủ yếu trong 02 năm 2022-2023 với lộ trình thích hợp để phục hồi và phát triển nền kinh tế. Chính sách, giải pháp hỗ trợ khả thi, kịp thời, hiệu quả, có khả năng hấp thụ nhanh, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá, tạo động lực tăng trưởng mới, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, tính tự chủ của nền kinh tế trong trung và dài hạn.” - Ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Chương trình gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gắn với quy mô thực hiện từng gói, trong đó dành 60 nghìn tỉ đồng (2,63 tỷ USD) để mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; hơn 53 nghìn tỉ đồng (2,32 tỷ USD) để bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; 110 nghìn tỷ đồng (4,82 tỷ USD) hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh…
Để bảo đảm thực hiện hiệu quả, thành công các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Chương trình, Chính phủ trình Quốc hội cho phép thí điểm áp dụng 03 chính sách đặc thù đối với các dự án đầu tư công trong phạm vi Chương trình. Ngoài ra, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tăng bội chi Ngân sách Nhà nước để có nguồn thực hiện Chương trình với tổng số tiền là 240 nghìn tỷ đồng trong 02 năm 2022-2023; Tiếp tục miễn, giảm thuế khoảng 64 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 và tính vào bội chi NSNN tương ứng…