Gạo Việt chinh phục thị trường quốc tế bằng thương hiệu riêng

Chia sẻ
(VOV5) - Năm 2022 là năm đầu tiên các sản phẩm gạo xuất khẩu được mang thương hiệu "Made in Vietnam", đóng gói trong bao bì riêng của doanh nghiệp Việt và đã đăng ký mẫu mã quốc tế.

Nhờ chất lượng và thương hiệu riêng ngày càng được khẳng định, thời gian qua, gạo thương hiệu Việt Nam tiếp tục mở rộng thị phần tại nhiều thị trường quốc tế, trong đó có nhiều thị trường khó tính. Theo đó, không chỉ xuất hiện trong bữa trưa tại văn phòng Nội các Nhật Bản, gạo có thương hiệu của Việt Nam còn được lên kệ siêu thị Pháp và sắp tới sẽ được bán ở Đức, Mỹ.

Gạo Việt chinh phục thị trường quốc tế bằng thương hiệu riêng - ảnh 1Cơm Vietnam Rice của Tập đoàn Lộc Trời lên kệ siêu thị E.Leclerc của Pháp. Ảnh: Hương Nguyễn/ VNExpress

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, đầu tháng 9 vừa qua, lần đầu tiên món cơm chiên sử dụng nguyên liệu gạo ST25, thương hiệu gạo "Made in Vietnam", đã trở thành bữa trưa đặc biệt tại Văn phòng Nội các Nhật Bản. Để đưa được gạo ST25 vào thị trường Nhật, doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe cùng yêu cầu rất cao của nước này. Đây là nỗ lực lớn của doanh nghiệp Việt sau một năm đàm phán với phía Nhật.

Tiếp nối thành công này, trong tháng 9, sản phẩm gạo Việt Nam mang thương hiệu "Cơm Vietnam Rice" của Tập đoàn Lộc Trời được xuất khẩu qua TT Foods, đã thâm nhập thành công vào hệ thống siêu thị bán lẻ E.Leclerc hàng đầu của Pháp. Trước đó, 500 tấn "Cơm Vietnam Rice" cũng đã lên kệ của hệ thống Carrefour nổi tiếng tại Pháp.

Hơn 20 năm qua, gạo Việt chỉ xuất khẩu dưới dạng đóng bao trơn vô danh hoặc phải đóng gói dưới thương hiệu của nhà nhập khẩu nước ngoài. Năm 2022 là năm đầu tiên các sản phẩm gạo xuất khẩu được mang thương hiệu "Made in Vietnam", đóng gói trong bao bì riêng của doanh nghiệp Việt và đã đăng ký mẫu mã quốc tế. Không chỉ có vậy, trước đây gạo Việt ra thế giới chủ yếu dành cho phân khúc phổ thông, thì nay chất lượng mặt hàng này ngày càng nâng cao, thu hút nhiều người tiêu dùng thuộc phân khúc cao cấp.

Đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho biết, 9 tháng đã qua của năm 2002, sản lượng gạo xuất khẩu của công ty tăng trưởng mạnh, cao hơn cả năm 2021. Sắp tới, công ty sẽ mở rộng và gia tăng sản lượng vào các thị trường mà tập đoàn đang có lợi thế về vùng trồng và kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Australia. Riêng với gạo có thương hiệu, sau thị trường Pháp, năm 2023 công ty sẽ đưa sản phẩm vào Đức, Mỹ, Australia. Mục tiêu tiếp theo là thâm nhập vào các nước EU khác.

Tương tự, Công ty TT Foods cũng khẳng định, không chỉ có thị trường Nhật Bản và Pháp đang chuộng gạo chất lượng cao của Việt Nam, gần đây, nhiều nhà phân phối tại Mỹ, châu Âu cũng đã liên tục kết nối với các doanh nghiệp Việt để đặt hàng. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ - USDA cho biết, thị trường này rất ưa chuộng các loại gạo thơm, hạt dài như ST25 của Việt Nam. Đây là loại gạo có sản lượng nhập khẩu sang nước này tăng đột biến trong hai năm nay.

Gạo Việt, không chỉ xuất hiện trong bữa trưa tại văn phòng Nội các Nhật Bản, gạo có thương hiệu của Việt Nam còn được lên kệ siêu thị Pháp và sắp tới sẽ được bán ở Đức, Mỹ. 

Việt Nam hiện là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan. Sản lượng xuất hàng năm khoảng 6-6,5 triệu tấn, chiếm 7,8% giao dịch thương mại toàn cầu. Hiện gạo Việt cũng xuất sang 28 nước và vùng lãnh thổ, trải khắp các châu lục, nhiều nhất là châu Á và châu Âu.

Để gạo chất lượng cao Việt Nam tiếp tục khẳng định được vị thế, mới đây Thủ tướng đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông xây dựng đề án sản xuất bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo dự thảo ban đầu, khoảng một triệu ha lúa chất lượng cao sẽ được trồng tập trung tại các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang và một phần Kiên Giang, Cần Thơ.

Feedback