Theo đó, lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu đã đánh giá tích cực hơn về môi trường đầu tư và thương mại của Việt Nam, đặc biệt là kể từ vài tháng trở lại đây, khi Việt Nam được đánh giá cao trong công tác phòng chống đại dịch toàn cầu Covid-19.
Trước thềm EVFTA có hiệu lực, giới chuyên gia và doanh nghiệp đều chung nhận định rằng để hiệp định được triển khai hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế và thu hút đầu tư FDI mạnh mẽ từ khu vực EU, cải cách hành chính, tạo thuận lợi thương mại chính là mấu chốt quan trọng.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Theo báo cáo của EuroCham, trong suốt thời kỳ dịch Covid-19, việc hạn chế di chuyển và giãn cách xã hội khiến hoạt động kinh doanh thông thường bị đình trệ. Quý I/ năm nay, chỉ số BCI của Việt Nam do EuroCham khảo sát đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ trước đến nay. Tuy nhiên, với hàng loạt biện pháp hỗ trợ về kinh tế và y tế công cộng được đánh giá có hiệu quả của Chính phủ, Việt Nam đã sớm mở lại hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Đến quý 2, hơn một phần tư các doanh nghiệp châu Âu đã được hưởng lợi từ việc hoãn các loại thuế của Chính phủ, khoảng 20% được hưởng lợi từ việc giảm tiền thuê đất và tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội. Ông William Badger, giám đốc tiếp thị Trường Concordia ở Hà Nội cho biết, việc hoãn các loại thuế đã giúp các doanh nghiệp nước ngoài phục hồi tốt hơn từ khủng hoảng:
“Chúng tôi thật sự biết ơn các biện phá phỗ trợ kịp thời từ chính phủ Việt Nam. Đến nay, mặc dù vẫn bị ảnh hưởng bở Covid-19, chúng tôi đang dần khôi phục hoạt động kinh doanh về giáo dục tại Việt Nam. Nhờ cải thiện tốt môi trường kinh doanh, Việt Nam đang có những cơ hội rất lớn để trở thành quốc gia hàng đầu trong khu vực thu hút đầu tư trực tiếp. Tôi hi vọng rằng, chúng tôi sẽ có thêm nhiều học sinh quốc tế theo học. Đó là con em của các nhà đầu tư đến Việt Nam làm ăn”. Ông Badger nói,
Ông William Badger, giám đốc tiếp thị trường Concordia Hà Nội. |
Các chỉ số môi trường kinh doanh do EuroCham công bố còn cho thấy mức độ tin tưởng của doanh nghiệp EU vào sự phát triển của Việt Nam ngày càng tăng. Năm 2020, nền kinh tế Việt Nam mặc dù dự báo tăng trưởng kinh tế chỉ đạt mức 2,7%-4,9% do bị tác động bởi dịch bệnh, song các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá Việt Nam là một trong số ít nước đạt được mức tăng trưởng dương. Điều này càng trở nên quan trọng đặc biệt trong bối cảnh hiệp đinh thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EVFTA sắp có hiệu lực từ ngày 1/8 tới, bắt đầu quá trình loại bỏ gần 99 % các dòng thuế và rào cản thương mại, mở ra nhiều cơ hội đầu tư.
Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), chính phủ Việt Nam coi Cải cách thủ tục hành chính đóng vai trò làm “thỏi nam châm hút” các nhà đầu tư nước ngoài: “Cắt giảm các thủ tục hành chính cho giai đoạn 2020-2025 là chương trình tham vọng của chính phủ Việt Nam, với mong muốn cắt giảm toàn diện các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, thủ tục đầu tư với mục tiêu giảm 25% gánh nặng hành chính cũng như các quy định và bảo đảm hạn chế ra những quy định mới cản trở hay làm tăng chi phí cho hoạt động đầu tư kinh doanh. Chúng tôi xây dựng chương trình này theo hướng tiếp cận của OECD.”
Đối thoại giữa Tổ công tác của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam trước thềm EVFTA có hiệu lực từ ngày 01/8/2020. |
Về phía cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, Ông Alexandre Sompheng, Chủ tịch tiểu ban kỹ thuật số EuroCham nhận định, với những nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý, cam kết tạo điều kiện đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư, mặc dù trong bối cảnh khủng hoảng, Việt Nam vẫn được đánh giálà điểm đến an toàncho đầu tư trực tiếp: “Những doanh nghiệp của châu Âu mong muốn không chỉ liên quan đến việc giảm thuế suất mà quan trọng là tính minh bạch, áp dụng những kinh nghiệm thực tiễn tốt. Tôi nghĩ rằng, cần đơn giản hóa hơn nữa hệ thống thủ tục hành chính của Việt Nam, sao cho phù hợp với quy chuẩn đầu tư quốc tế. Một điều tôi muốn nhấn mạnh là Việt Nam cần tiếp tục hiện đại hóa khung pháp lý, số hóa nền kinh tế, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh tế.”
Sách trắng EuroCham (White Book) 2020. Ảnh EuroCham |
Chủ tịch EuroCharm Nicolas Audier cho rằng, việc chính phủ Việt Nam đẩy mạnh cải cách hành chính là chìa khóa quan trọng để tận dụng được tối đa những cơ hội từ hiệp định EVFTA mang lại. Đó cũng là lý do EuroCham mới đây xuất bản cuốn Sách trắng 2020;
“Chúng tôi muốn cung cấp cho Việt Nam những khuyến nghị mà chính phủ có thể thực hiện nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tận dụng cơ hội tăng cường thương mại với EU. Trong bối cảnh dịch bệnh, cuốn sách trình bày các phương thức về giao dịch thương mại điện tử, phát triển nền kinh tế số. Cuốn sách còn phản ánh những mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu khi đầu tư tại Việt Nam.Quan trọng hơn, chúng tôi muốn đảm bảo rằng, Việt Nam có thể khai thác tối đa những lợi thế của mình chẳng hạn như về nông sản thực phẩm, đồ uống - lĩnh vực được thị trường châu Âu rất quan tâm, hay những điểm tương đồng giữa hoạt động đầu tư ở Việt Nam và châu Âu. Ông Audier nói,
Rõ ràng, EVFTA chính là động lực để Việt Nam thúc đẩy chương trình cải cách các quy định hành chính, qua đó giúp cho môi trường đầu tư của Việt Nam trở nên cởi mở, hấp dẫn và thân thiện với doanh nghiệp hơn. Tuy nhiên, ông Nicolas Audier lưu ý rằng, khi EVFTA có hiệu lực, điều quan trọng nhất là cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam phải hợp tác chặt chẽ với nhau, đảm bảo việc thực thi suôn sẻ và thành công Hiệp định.