Đổi mới doanh nghiệp nhà nước phải đi vào thực chất

Cẩm Tú
Chia sẻ
(VOV5)- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã khẳng định như vậy trong cuộc hội thảo với cựu Thủ tướng Anh Tony Blair.
(VOV5)- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã khẳng định như vậy trong cuộc hội thảo với cựu Thủ tướng Anh Tony Blair.

Hôm nay (4/3), tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Văn phòng cựu Thủ tướng Anh Tony Blair tổ chức hội thảo “Vai trò mới của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế - kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam”.

Doanh nghiệp nhà nước luôn đóng một vai trò quan trọng trong kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, khi nền kinh tế càng phát triển, mức độ đóng góp vào GDP của khối doanh nghiệp này càng giảm.

Năm 2000, doanh nghiệp nhà nước chỉ đóng góp 8% GDP tại các quốc gia thu nhập cao, 9% tại các quốc gia có thu nhập trung bình và 14% tại các nước kém phát triển. Cải cách đổi mới doanh nghiệp nhà nước là xu hướng tất yếu để một quốc gia vươn lên trong thế giới cạnh tranh và hội nhập hiện nay.

Đổi mới doanh nghiệp nhà nước phải đi vào thực chất - ảnh 1 Cựu Thủ tướng Anh sẵn sàng giúp Chính phủ Việt Nam nghiên cứu cải cách DNNN

Hơn 20 năm qua, Việt Nam không ngừng cải cách doanh nghiệp nhà nước. Nếu như số lượng doanh nghiệp nhà nước thập kỷ 90 là khoảng 12.000, đến nay chỉ còn khoảng 5.600 doanh nghiệp nhà nước.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành công về mặt số lượng nhưng tính hiệu quả vẫn chưa được như mong đợi.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: “Đổi mới doanh nghiệp nhà nước phải đi vào thực chất, làm thế nào để nhiều cổ đông tham gia. Họ có vai trò thay đổi về quản trị, chất lượng doanh nghiệp mới có hiệu quả. Chính phủ Việt Nam đã khẳng định doanh nghiệp nhà nước vẫn là nòng cốt. Thời gian tới, chúng tôi tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 37 về vai trò của doanh nghiệp nhà nước tới đâu, những lĩnh vực nào là 100%, lĩnh vực nào là 75%, lĩnh vực nào 65%, lĩnh vực nào dưới 50%”.  

Với kinh nghiệm 10 năm trong vai trò là người đứng đầu Chính phủ Anh, ông Tony Blair cho rằng, quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước luôn gặp nhiều khó khăn do vấp phải sự cản trở, chống đối từ những nhóm lợi ích khác nhau. Việc xây dựng các mô hình điểm làm cơ sở để nhân rộng là một trong những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Ông Tony Blair khuyến nghị 4 bài học. Trước hết cần chọn ngành, lĩnh vực chiến lược để cổ phần hóa. Cấu trúc thực hiện cải cách, không có trình tự chung áp dụng cho toàn thế giới vì vậy cần có tiếp cận linh hoạt và sáng tạo để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình cải cách. Chính phủ cần tận dụng cơ hội, như lãnh đạo doanh nghiệp có đầu óc đổi mới làm trước, tạo ra những mô hình mẫu. Trong quá trình này cần đảm bảo sự tiếp cận công bằng và luôn duy trì cơ chế giải trình chất lượng rõ.

Đóng góp chung của khu vực nhà nước đối với GDP của Việt Nam liên tục giảm xuống từ 40% năm 1996 xuống còn 32% trong năm 2012. Trong đó, số lượng doanh nghiệp tư nhân không ngừng tăng lên. Trong danh sách Top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam có tới 44% doanh nghiệp là các doanh nghiệp tư nhân, 40% là doanh nghiệp nhà nước và 16% là doanh nghiệp nước ngoài./.

Feedback