Đầu năm nay, Chính phủ ban hành liên tiếp 2 Nghị quyết quan trọng về thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Trong đó, Nghị quyết số 02 nêu rõ trong phần mục tiêu tổng quát là “kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh”. Ngay sau đó, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong hai năm 2022 và 2023. Cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng các chương trình, chính sách phục hồi kinh tế này đi đúng hướng, đúng đối tượng, đúng thời điểm và phát huy hiệu quả tốt.
Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao việc Chính phủ và Quốc hội thông qua, ban hành các chương trình hỗ trợ phục hồi mạnh mẽ và kịp thời, nhất là các chính sách liên quan đến tài khóa, tiền tệ dành cho doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp coi đó là trợ lực quan trọng để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn.
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn. Ảnh: vcci-hcm.org.vn |
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho rằng, các chương trình, chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, Chính phủ hiện đã khá đầy đủ và kịp thời. Vấn đề quan trọng lúc này là làm sao triển khai trên thực tế đạt hiệu quả tốt nhất có thể: “Chính sách hỗ trợ của Chính phủ rất nhiều và sự hỗ trợ cũng tương đối kịp thời. Tuy nhiên, cần có sự thống nhất từ trên xuống dưới, chính sách đó phải được thực thi đúng người, đúng địa chỉ. Bởi lẽ, doanh nghiệp thật sự cũng không cần phải hỗ trợ bằng tiền bạc nhiều, doanh nghiệp cần hỗ trợ về tạo thuận lợi trong hoạt động của họ, để cho hoạt động được nhịp nhàng, trơn tru trở lại”.
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp nhìn nhận các chương trình, kế hoạch phục hồi kinh tế như sự khơi thông động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế đất nước.
Ông Vương Trọng Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội. Ảnh: vnexpress.net |
Ông Vương Trọng Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội cho rằng, việc Chính phủ và Quốc hội thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế-xã hội gần 350 nghìn tỷ đồng chính là tiền đề để kích hoạt trở lại các hoạt động sản xuất, tăng tốc vận hành nền kinh tế. Cùng với đó, việc giảm 2% thuế VAT cũng góp phần tạo điều kiện hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Ông Vương Trọng Tuấn tin tưởng: "Chính phủ sẽ chỉ đạo quyết liệt và sâu sát hơn nữa đối với từng ngành nghề và địa phương để thực hiện gói hỗ trợ một cách hiệu quả nhất, thúc đẩy được nền kinh tế trong nước phát triển hơn. Tôi mong muốn gói hỗ trợ này của Chính phủ doanh nghiệp sẽ được tiếp cận, để được hỗ trợ về vốn, cũng là về mặt lãi suất, nhằm giúp cho doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất phát triển. Đó là giải pháp hiệu quả trong thời gian sắp tới”.
Nhiều chuyên gia kinh tế có chung đánh giá, với tỷ lệ phủ vaccine cao và nhất là sự điều chỉnh chiến lược ứng phó dịch bệnh quyết đoán theo hướng thích ứng linh hoạt, an toàn và hiệu quả, các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế chắc chắn phát huy hiệu quả tốt. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp có thể nắm bắt và tận dụng tốt các chương trình phục hồi và thời cơ hiện có, điều kiện thuận lợi để phát triển trong năm 2022 thậm chí còn nhiều hơn khó khăn. Do đó, triển vọng phục hồi và phát triển kinh tế là rất tươi sáng.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp khi nắm bắt được cơ hội và đoán định, dự báo được những diễn biến cung-cầu trên thế giới và xác định được vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu một cách phù hợp, thì chúng ta có cơ hội bùng nổ phát triển. Tôi cho rằng năm 2022 nếu chúng ta nắm bắt tốt cơ hội, cơ hội vẫn nhiều hơn khó khăn, và các doanh nghiệp có thể đặt nền móng cho những tham vọng phát triển cho giai đoạn tiếp theo, hoàn thành các mục tiêu của giai đoạn 5 năm. Tôi tin với tinh thần đoàn kết sáng tạo các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có một tâm thế tốt để khó khăn nào cũng vượt qua và hoàn thành các mục tiêu của năm 2022”.
Với những nền tảng và đối sách hiện có cùng quyết tâm của Chính phủ, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự chung sức đồng lòng của tất cả các thành phần kinh tế đất nước, nền kinh tế Việt Nam chắc chắn vận hành trơn tru, phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao trong không chỉ năm 2022, mà còn nhiều năm tiếp theo nữa