Dịch Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu của ngành dệt may bị đứt gãy, song rất nhanh chóng, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu dệt may để phục vụ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Năm 2022, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá dệt may Việt Nam ở vị trí cao nhất trong cơ hội phục hồi, tuy nhiên tổng cầu dự báo sẽ không tăng nhiều trong khi đó các quốc gia cạnh tranh với dệt may Việt Nam đều đang nỗ lực để tăng thị phần xuất khẩu.
Ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho rằng từ thực tiễn đứt gãy chuỗi cung ứng của ngành dệt may trong 2 năm xảy ra dịch Covid-19, doanh nghiệp nhận thấy làm chủ nguyên liệu trong nước là “chìa khóa” giúp phát triển bền vững: “Chúng tôi đã có chiến lược để phát triển chuỗi cung ứng nội địa trong hệ thống Tập đoàn, từ sợi, dệt, nhuộm, may và hướng đến trở thành một nhà cung cấp trọn gói, một điểm đến cho các doanh nghiệp là khách hàng lớn. Dự kiến, chúng tôi tập trung từ giờ cho đến năm 2025 sẽ phát triển một chuỗi dệt kim hoàn chỉnh. Chúng tôi có một hệ thống sản xuất sợi phát triển tương đối hoàn chỉnh trong 5 năm qua cũng như khu vực may có quy mô và có uy tín, bài học ưu tiên mà Tập đoàn luôn đặt ra trong bối cảnh của dịch bệnh chính là bảo toàn lực lượng lao động và duy trì vị trí cung ứng dệt may toàn cầu, là mục tiêu của cả ngành dệt may. Ngoài kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, ngành dệt may cũng luôn đặt mục tiêu về an sinh xã hội, đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động”.
Năm 2022, các doanh nghiệp dệt may nỗ lực xây dựng để trở thành một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.