Đầu tư công nghệ, xây dựng sản phẩm mang thương hiệu Việt

Hương Giang-Mai Dinh
Chia sẻ
(VOV5) - Coli là dòng sản phẩm bếp từ đầu tiên được dán nhãn “made in Việt Nam”. 

Hội nhập kinh tế quốc tế đem lại nhiều cơ hội, nhưng cũng song hành với những thách thức cho các doanh nghiệp Việt. Rào cản thuế quan hạ xuống, đồng nghĩa với việc hàng Việt sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với những sản phẩm ngoại nhập ngay trên chính sân nhà. Chú trọng đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa nguồn lực để giám giá thành hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm đang là hướng đi của doanh nghiệp Việt.

Đầu tư công nghệ, xây dựng sản phẩm mang thương hiệu Việt - ảnh 1

Thương hiệu xe Việt VinFast của tập đoàn Vingroup. - Ảnh: taichinhkinhdoanh

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Coli là dòng sản phẩm bếp từ đầu tiên được dán nhãn “made in Việt Nam”. Để có thể đưa sản phẩm này ra thị trường, doanh nghiệp đã mất 2 năm nghiên cứu, cải tiến để ứng dụng công nghệ invester và bosster vào sản phẩm. Chính vì thế, bên cạnh mức tiêu thụ điện năng thấp, hiệu suất của sản phẩm có thể đạt 90%. Ông Lê Quý Dương, Trưởng phòng nghiên cứu sản phẩm Coli, cho biết: “Công nghệ inventer giúp tiết kiệm 40% điện năng, công nghệ bosster giúp giảm 35% thời gian nấu. Ngoài ra còn có chế độ chống tràn và chống cháy. Bên cạnh đó chiếc bếp này đặc biệt phù hợp với khí hậu nóng ẩm mưa nhiều ở Việt Nam. Bởi chúng tôi có bản mạch đặc thù được làm từ sợi thủy tinh, thứ 2 khi làm xong chúng tôi sẽ phủ một lớp chống ẩm, bản mạch còn có hệ thống tản nhiệt cực kỳ tốt”.

Dòng sản phẩm này cũng đang nhận được những phản hồi tích cực của người tiêu dùng. Chị Nguyễn Thị Lan Anh, Quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Khi chọn bất cứ sản phẩm gì thì mình cũng có tìm hiểu thông tin rồi so sánh giữa dòng này  và dòng kia. Mình thấy dòng bếp Việt này rất phù hợp với gia đình mình về cả giá tiền lẫn các chức năng của bếp như đun nhanh, chống tràn. So với chiếc bếp khác như của hàng xóm nhà mình thì không có cái đó. Còn chức năng hẹn giờ nữa, ví dụ mình bận ra ngoài mình có thể hẹn giờ và khi về bếp đã tự ngắt rồi”.

Đầu tư công nghệ, xây dựng sản phẩm mang thương hiệu Việt - ảnh 2Sản phẩm sữa Vinamilk. - Ảnh: vinamilk 

Trước yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc tối ưu hóa nguồn lực sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ là một điều tất yếu.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã và đang triển khai hiệu quả và đồng bộ điều này. Với sự vào cuộc của những cái tên lớn như Vingroup, FPT, Vinamilk… những sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp cũng đã vươn ra nhiều nước trên thế giới, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về thương hiệu, tạo dựng được uy tín với đối tác và người tiêu dùng, góp phần nâng cao uy tín những sản phẩm dán nhãn “Made in Vietnam”. Còn tại thị trường trong nước, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo động lực mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc thay đổi thói quen đầu tư, mua sắm theo hướng ngày càng quan tâm tới các thương hiệu và doanh nghiệp sản xuất trong nước. Ông Nguyễn Bình An, Chuyên gia nghiên cứu thị trường khẳng định: “Hàng Việt đang ngày càng khẳng định được ưu thế cũng như chất lượng trong các mặt hàng công nghệ cao như xe, điện thoại, phần mềm... Mà người Việt hiện nay có xu hướng tin dùng hàng Việt hơn nên bếp từ made in Việt Nam sẽ rất có lợi thế”.

Với những thành công bước đầu, bên cạnh việc mở rộng quy mô sản xuất, giới thiệu sản phẩm, các doanh nghiệp Việt như Coli đang tiếp tục cải tiến sản phẩm, đáp ứng nhu cầu về sử dụng và tính thẩm mỹ của người tiêu dùng Việt Nam. Chỉ có bằng con đường đầu tư sản phẩm mới, doanh nghiệp Việt Nam mới có thể nâng cao tính cạnh tranh với hàng ngoại và tạo đà đi lên cho doanh nghiệp. Càng hội nhập, doanh nghiệp buộc phải tính toán lại cơ cấu đầu tư song đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam bứt phá thông qua sản phẩm mới.

Thương hiệu có ý nghĩa sống còn đối với một doanh nghiệp trong thời đại kinh tế hội nhập, cạnh tranh. Hành trình đưa thương hiệu vượt khỏi biên giới quốc gia không chỉ chờ đợi “hữu xạ tự nhiên hương” mà cần đến những nỗ lực, chiến lược kinh doanh táo bạo của các doanh nghiệp Việt. Tổ chức lại các khâu từ sản xuất đến phân phối, quảng bá..., tiếp tục đầu tư sản xuất hàng hóa có tính cạnh tranh về giá cả, chất lượng sản phẩm là hướng đi của các doanh nghiệp Việt hiện nay. Thời gian tới, với sự đồng hành của Chính phủ, sự nỗ lực của doanh nghiệp, giấc mơ đưa thương hiệu quốc gia vươn tầm quốc tế sẽ trở thành hiện thực.

Feedback